(KTSG Online) – Nhiều loại nông sản của Việt Nam đang xuất khẩu sang Châu Âu có thể gặp khó khăn ở thị trường này trong thời gian tới nếu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới từ EU.
- TPHCM: Các nhà bán lẻ lớn đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu nông sản Việt
- Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam – Trung Quốc
Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, vừa nhận được thông báo của Ban thư ký Ủy ban SPS Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) lấy ý kiến Thành viên WTO đối với các thông báo dự thảo biện pháp SPS. Theo đó, tùy từng sản phẩm, EU đề xuất mức dư lượng tối đa (MRL) theo ngưỡng thiết lập, tăng, giảm, đặc biệt có mức MRL giảm hàng trăm lần so với quy định đang áp dụng đối với một số hoạt chất.
Đối tượng điều chỉnh lần này khá nhiều như quả bơ, chuối, xoài, đu đủ, dứa, ổi, sầu riêng và các loại quả khác, nhóm rau tươi hoặc rau đông lạnh, hành, tỏi, cà chua, ớt, đậu bắp, trà, cà phê, hạt tiêu, gạo, một số sản phẩm có nguồn gốc động vật….
Bốn hoạt chất nằm trong điều chỉnh là Zoxamide, Fenbuconazole và Penconazole và Acetamiprid. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, đây là những hoạt chất liên quan đến nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường EU trong những năm qua. Ngày dự kiến áp dụng là tháng 2-2025.
Trong những mặt hàng nói trên cà phê, hồ tiêu, chè là những mặt hàng đang mang lại lượng ngoại tệ lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sau EU.
Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn dữ liệu từ Eurostat cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, EU đã chi ra 4,93 tỉ euro để nhập khẩu cà phê. Trong khi đó, nhập khẩu cà phê của EU từ Việt Nam ghi nhận mức tăng cao 71,5%, đạt trên 1 tỉ euro, tương đương 1,1 tỉ đô la Mỹ. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU tăng mạnh, từ 16% trong 5 tháng đầu năm 2023 lên 20,35% trong 5 tháng đầu năm 2024.
Đối với hồ tiêu, trong 5 tháng đầu năm 2024, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 48.790 tấn, trị giá gần 225 triệu euro, tương đương gần 244 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 22,% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt trên 31.300 tấn, trị giá gần 136 triệu euro, tương đương gần 147,5 triệu đô la, tăng gần 25% về lượng và tăng gần 36% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối chiếm 64% tổng lượng và chiếm gần 60,5% tổng kim ngạch trong 5 tháng đầu năm 2024.
Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của EU đạt 401 triệu đô la, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu.
Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn và có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần đối với ngành chè Việt Nam. Tuy nhiên, EU đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn về kinh tế xanh, sạch, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật thông tin để đáp ứng đúng nhu cầu tiêu của thị trường này.