Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EU quyết định mạnh tay với Iran

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EU quyết định mạnh tay với Iran

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở Iran. Các ngoại trưởng EU tuyên bố sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt để buộc Iran phải ngừng chương trình hạt nhân -Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất vào thứ Hai, 17-6, rằng cần đưa ra những hình phạt nghiêm khắc hơn để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, nặng nhất là đánh vào lĩnh vực dầu khí của nước này.

EU đã quyết định phải mạnh tay với Iran sau khi nước này từ chối những khuyến khích kinh tế nhằm đổi lấy việc Iran ngừng triển khai chương trình làm giàu uranium. Dù Tehran nhấn mạnh việc này không ngoài mục đích phục vụ các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện nhưng EU và các nước khác lo ngại kế hoạch thật sự là phát triển vũ khí hạt nhân.

Đánh thẳng vào cơ sở kinh tế

Theo động thái mới nhất, EU có thể đánh thẳng vào ngành kinh tế trọng yếu của Iran và những kế hoạch mở rộng xuất khẩu dầu khí sang EU.

“Các kế hoạch tác động vào mảng dầu khí sẽ bắt đầu từ hôm nay. Chúng ta sẽ làm bất cứ hành động nào cần thiết để Iran nhận thức được cần phải lựa chọn điều gì”, Thủ tướng Anh, Gordon Brown, khẳng định trong một cuộc họp báo tại London cùng với Tổng thống Mỹ.

Ông Brown cũng thông báo Anh, và tiếp theo là các đồng minh EU, sẽ phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Iran, Bank Melli. Năm ngoái, Mỹ đã cáo buộc Bank Melli cung cấp dịch vụ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.

Ngân hàng này đầu tư rất ít vào châu Âu và chính quyền Iran có vẻ như đã dự liệu trước khả năng bị phong tỏa. Theo tờ tạp chí Shahrvand Emrouz ở Iran, trong tuần qua đã có 75 tỉ đô la Mỹ được rút ra từ các ngân hàng châu Âun để quay về Iran.

Đối với Iran, ngành dầu khí bị ảnh hưởng sẽ là cú đánh chí tử. Nền kinh tế nước này đang đi xuống vì gánh nặng lạm phát và thất nghiệp, do đó rất cần nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu nhiên liệu, chủ yếu từ các thị trường phương Tây. Mặt khác, Iran cũng phụ thuộc vào đầu tư và công nghệ nước ngoài để phát triển các vùng khai thác dầu khí. Hơn 80% nguồn thu của Iran là từ xuất khẩu dầu và nước này có trữ lượng khí lớn thứ hai trên thế giới.

EU vẫn chưa chính thức công bố quyết định mới đối với Iran nhưng theo ông Brown thì liên minh này “sẽ đồng ý”. Một quan chức cao cấp của Anh khẳng định những biện pháp trừng phạt nêu trên sẽ được áp dụng “trong vài ngày tới”.

Cristina Gallach, người phát ngôn của trưởng ban an ninh và ngoại giao EU, Javier Solana, cho biết các ngoại trưởng EU đang nhóm họp ở Luxembourg đã sẵn sàng đưa ra “quyết định chính thức” về các biện pháp trừng phạt.

Nhưng vẫn còn ràng buộc về lợi ích

Trước nay EU vẫn rất thận trọng trong việc xử lý Iran vì những ràng buộc trong quan hệ kinh tế và trao đổi năng lượng. Chỉ riêng Đức trong năm ngoái đã đạt giá trị giao dịch với Iran khoảng 5 tỉ đô la Mỹ và hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp Đức đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho Iran.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của EU hiện nay là những tác động đến ngành dầu khí Iran có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, 17-6, tại thị trường New York, các hợp đồng dầu thô đã lập kỷ lục mới, 139,89 đô la Mỹ/thùng trước khi chốt ở mức 134,61 đô la/thùng.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng bên ngoài cũng khiến EU khó có thể đánh mạnh vào ngành dầu khí của Iran. Châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu dầu chính của Iran và các công ty như TotalFinaElf, ENI và Statoil vẫn cạnh tranh giành quyền phát triển các vùng khai thác dầu của Iran.

Các nước châu Âu cũng đang nỗ lực xây dựng một đường ống từ khu vực Caspian (giữa Iran và Nga) đến EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí thiên nhiên của Nga.

Về phần mình, Iran tiếp tục khẳng định sẽ không chấp thuận bất cứ đề nghị nào để đổi lấy việc ngừng chương trình làm giàu uranium, theo người phát ngôn của Chính phủ Iran, Gholam Hossein Elham.

Vào thứ Bảy vừa qua, cùng với gói giải pháp khuyến khích kinh tế, Iran đã nhận được một lá thư do bà Solana và các ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đồng ký tên, nhấn mạnh rằng “có thể thay đổi tình hình hiện tại” nếu Iran ngừng chương trình hạt nhân.

NGỌC THU (Theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới