Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Euro mùa… lạm phát!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Euro mùa… lạm phát!

Những doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao, hàng lưu niệm luôn nhanh nhạy với những mùa “trái bóng lăn”. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) – Tắt bớt điện, hạn chế máy lạnh, không đặt thêm màn hình ti vi cỡ lớn để phục vụ khách xem 31 trận bóng đá mùa Euro 2008 (vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu)… là những hình ảnh ai cũng có thể nhận thấy khi bước vào các nhà hàng, quán cà phê…

Không khí “thắt lưng buộc bụng” dường như đang bao trùm suốt ba tuần diễn ra Euro.

Chuyện các doanh nghiệp tổ chức khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng hay bật nắp chai trúng xe hơi… là điều không còn xa lạ với người tiêu dùng trong các mùa World Cup, Euro hay SEA Games trong những năm gần đây.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp nhạy bén trong kinh doanh từng tung ra những sản phẩm giải trí, tiêu dùng nhân “mùa trái bóng lăn” và đã kiếm bộn tiền từ hàng triệu “tín đồ” môn túc cầu giáo ở trong nước.

Hẳn nhiều người còn nhớ mùa World Cup 2002 đồng diễn ra trên các sân cỏ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm đó, hầu hết các trận bóng đá đều rơi vào đầu giờ chiều, hay giờ tan tầm ở Việt Nam – “giờ vàng” để các quán xá đua nhau hốt bạc trong suốt một tháng diễn ra World Cup.

Rồi Euro 2004, World Cup 2006 cũng là thời “hốt bạc” của các siêu thị điện máy do người dân làm ăn khấm khá nên nhu cầu mua sắm ti vi các loại tăng đột biến, từ 20-40% so với bình thường.

Còn năm nay, Euro rơi vào thời điểm mọi người đang phải “thắt lưng buộc bụng” vì làm ăn khó khăn, “bão giá”, lạm phát. Hơn nữa 31 trận đấu của 16 đội bóng tranh tài tại Euro đa số đều diễn ra lúc 11 giờ đêm hoặc 1 giờ 45 sáng. Vì thế đa số quán nhậu, nhà hàng đều đóng cửa sau khi kết thúc trận đấu thứ nhất vì không có khách!

Một bài viết trên báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) đầu tuần này cho biết thời gian gần đây lượng khách đến các quán ăn và nhà hàng ở một số quận trung tâm TPHCM đã giảm từ 10-40%. Không chỉ người tiêu dùng phải giảm bớt chi tiêu mà cả doanh nghiệp, công ty… cũng phải cân đối lại các khoản chi. 

Nhiều siêu thị cho biết các doanh nghiệp sản xuất “hững hờ” với mùa Euro 2008. Nguyên do là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, đồ uống… đều gặp phải khó khăn do lạm phát, sức mua hạn chế, giá cả tăng nên đành phải hoãn lại các kế hoạch quảng bá thương hiệu, sản phẩm mới, đầu tư cho bán hàng dù biết rằng Euro là một dịp tốt để kích cầu tiêu dùng!

Tuy nhiên, một số siêu thị bán hàng điện máy, đặc biệt là ti vi, xem ra vẫn làm ăn được.

Từng nổi danh với các đợt khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng nhân các giải bóng đá thế giới, khu vực, mùa Euro năm nay Trung tâm Mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim (TPHCM) cũng đặt hy vọng doanh số bán ra sẽ tăng gấp đôi so với tháng bình thường, riêng doanh số bán ti vi LCD sẽ tăng khoảng ba lần (từ ngày 23-5 đến 22-6-2008).

Ngày 17-6, ông Phan Linh Phương, Phó giám đốc marketing Trung tâm Mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim, cho biết trong ba tuần qua lượng hàng kim khí điện máy, đặc biệt là ti vi các loại, bán ra vẫn tăng đều từ 50-70% so với ngày thường.

Trong khi đó hệ thống siêu thị điện máy – nội thất Chợ Lớn, với 21 siêu thị trên cả nước, cũng đang giảm giá trực tiếp theo từng chủng loại sản phẩm từ 10-50% với mong muốn giúp người tiêu dùng tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Theo kế hoạch, ngày 20-6 này Chợ Lớn sẽ khép lại chương trình khuyến mãi mùa Euro sau khi đã ước tính số lượng hàng bán ra tăng khoảng 30% so với ngày thường.

UYÊN VIỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới