Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Eurocham đề nghị công bằng trong giảm lệ phí trước bạ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Eurocham đề nghị công bằng trong giảm lệ phí trước bạ

Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa kiến nghị áp dụng giảm lệ phí trước bạ xe ô tô 50% cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô, chứ không chỉ cho những doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Đề xuất này được nêu ra trong buổi công bố Sách trắng 2020 hôm 30-6 tại Hà Nội.

Eurocham đề nghị công bằng trong giảm lệ phí trước bạ
Ngành ô tô đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch – Ảnh: QH.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy giải ngân, đầu tư công và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã phê duyệt “Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước”.

Hiện tại, người mua xe ô tô dưới 9 chỗ tại Việt Nam phải chịu lệ phí trước bạ 10%, và 12% cho xe đăng ký lần đầu tại Hà Nội. Với quyết định giảm lệ phí trước bạ của Thủ tướng Chính phủ, người mua ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ chỉ phải trả một khoản phí 5-6%. Những người mua ô tô nhập khẩu từ nước ngoài vẫn phải nộp lệ phí trước bạ 10-12% tùy theo từng địa phương.

Như vậy, trong số các công ty liên doanh ô tô trong nước, chỉ có hai thương hiệu châu Âu – Mercedes và Peugeot – trong số 19 thương hiệu xe nhập khẩu tại Việt Nam nhận được hỗ trợ đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước của họ.

“Chúng tôi đề nghị xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế. Thay vì chỉ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước thì áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới”, theo Eurocham. “Ngoài ra, chúng tôi khuyến nghị giảm 50% thuế GTGT”.

Theo Eurocham, kích thích tiêu thụ trên thị trường ô tô là việc làm cần thiết trong bối cảnh khách hàng đang phải cố gắng để duy trì hoạt động và cần nhiều thời gian để khôi phục chuỗi cung ứng từ tình trạng gián đoạn.

“Việc ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước như một biện pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng trong nước là không phù hợp trong thời điểm đại dịch COVID-19 rõ ràng là một cuộc khủng hoảng toàn cầu”, theo Eurocham. “Sự phân biệt đối xử theo hướng ưu tiên xe lắp ráp trong nước không thể hiện động thái tích cực của Việt Nam với Liên minh châu Âu khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) dự kiến sớm đi vào hiệu lực”.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, năm 2020 đang là một năm cực kỳ thách thức đối với toàn bộ ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu do tác động của đại dịch Covid 19. Toàn bộ chuỗi cung ứng xe mới và phụ tùng bị gián đoạn. Các nhà sản xuất ô tô tại Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phải tạm dừng hoạt động – sản xuất, phân phối và bán lẻ – trong khoảng một tháng (tháng 4) để đảm bảo phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ.

Mặc dù lệnh giãn cách xã hội đã được thu hồi vào tháng 5, doanh số bán hàng trong năm 2020 chắc chắn vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Fitch Rating cuối tháng 4 đã dự báo doanh số bán xe mới của Việt Nam cho cả năm 2020 sẽ giảm 21,8%. Theo Hiệp hộ các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bốn tháng đầu năm 2020 của ngành ô tô đạt mức thấp nhất trong 5 năm khi giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn khoảng 61.000 xe. Dịch vụ hậu mãi hiện đã giảm 30-40%.

Mời đọc thêm:

Hãng ô tô xoay xở với chính sách giữ người

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới