Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Eurocham lo ngại lao động nước ngoài đóng BHXH hai lần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Eurocham lo ngại lao động nước ngoài đóng BHXH hai lần

Thùy Dung

Eurocham lo ngại lao động nước ngoài đóng BHXH hai lần
Giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: TD

(TBKTSG Online) – Quy định người lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đang khiến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu lo ngại doanh nghiệp bị tăng chi phí và người lao động phải đóng loại phí này hai lần.

Đây là một trong những kiến nghị của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) trong cuốn Sách Trắng 2018, được xuất bản trong ngày hôm nay 15-3.

Lo ngại tăng chi phí

Theo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, kể từ ngày 1-1-2018, người nước ngoài lao động tại Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định. Cụ thể, theo dự thảo nghị định của Chính phủ về nội dung này, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động và có giấy phép lao động, giấy phép hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề phải đóng BHXH bắt buộc. Nhìn chung, chế độ BHXH đối với người lao động nước ngoài giống với người lao động Việt Nam, bao gồm năm chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và trợ cấp tử tuất.

Dự thảo nghị định mới nhất đang xem xét hai phương án. Phương án thứ nhất là tất cả 5 chế độ sẽ được áp dụng ngay từ ngày 1-1-2018. Và phương án thứ hai là ba chế độ gồm ốm đau, thai sản và tai nạn lao động sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2018; hai chế độ còn lại gồm hưu trí và trợ cấp tử tuất sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2020.

Thông qua các buổi tham vấn với cơ quan nhà nước, Eurocham nhận thấy còn nhiều thiếu sót, không thực tế trong dự thảo Nghị định này.

Dự thảo không loại trừ trường hợp người lao động nước ngoài đang được luân chuyển nội bộ trong doanh nghiệp hoặc đang nộp BHXH tự nguyện (hoặc bắt buộc) tại nước sở tại hoặc sẽ đến tuổi nghỉ hưu.

Liên quan tới các chế độ BHXH, theo Eurocham, việc áp dụng đủ năm chế độ sẽ không công bằng hoặc không thực tế với người lao động nước ngoài.

“Việt Nam chưa ký kết bất cứ hiệp định song phương nào với các quốc gia khác liên quan đến việc thừa nhận đóng BHXH. Nếu không có những hiệp định song phương này, người lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể bị đánh thuế BHXH hai lần”, trích Sách Trắng 2018 của Eurocham. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải đóng BHXH vừa tại nước sở tại vừa tại quốc gia mà họ đang làm việc.

Thêm vào đó, việc áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất là không cần thiết, do người lao động nước ngoài thường làm việc tại Việt Nam trong thời gian ngắn và sẽ không thể hưởng lợi theo chế độ này.

Bản dự thảo đề xuất người lao động nước ngoài trong trường hợp này có quyền yêu cầu thanh toán BHXH một lần tại Việt Nam khi về nước. Tuy nhiên, thủ tục hoàn lại chắc chắn sẽ mang đến nhiều gánh nặng về thủ tục hành chính cho tất cả các bên, bao gồm cơ quan BHXH, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài

Về mức đóng, dựa trên bảng so sánh mức đóng BHXH của người lao động nước ngoài tại Việt Nam và các quốc gia khác là thành viên các nước Đông Nam Á mà Eurocham gửi tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đầu tháng 7-2017, mức đóng BHXH của Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác nhưng tỷ lệ hoàn lại lại thấp hơn. Việc thực hiện các thủ tục BHXH, đặc biệt là thủ tục yêu cầu hoàn lại BHXH một lần khi người lao động nước ngoài về nước hoặc chuyển sang quốc gia khác, sẽ không tạo ra sự hấp dẫn trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Không chỉ Eurocham, trước đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng kiến nghị về quy định này và cho đây là quy định sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Lý giải về quy định trên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp tại một cuộc hội thảo của giới doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay, Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả lao động phải được đảm bảo an sinh xã hội và Việt Nam mong muốn không phân biệt đối xử giữa người lao động trong và ngoài nước. Hơn nữa, đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ người lao động trong nước.

“Chi phí sử dụng người lao động trong nước sẽ cao hơn sử dụng người lao động nước ngoài nếu người lao động trong nước phải đóng BHXH bắt buộc, trong khi người lao động nước ngoài thì không”, ông Diệp giải thích.

Trong lần trả lời báo chí hồi đầu năm 2018, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Cơ quan BHXH Việt Nam, cho biết đây là phấn đề phức tạp, mỗi nước có một quy định và một thể chế khác nhau nên để thống nhất được việc đóng BHXH bắt buộc như thế nào là rất khó. Hơn nữa, nước nào cũng muốn quản lý người lao động đến làm việc tại nước mình.

Do đó, các cơ quan quản lý đang họp với đại diện các quốc gia để đi đến thống nhất về Hiệp định tránh đóng BHXH hai lần, mà trước tiên là các nước có nhiều lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam nhất, ví dụ như Hàn Quốc.

Đề xuất hoãn áp dụng tới khi hoàn tất đàm phán hiệp định

Trong cuốn Sách Trắng 2018, Eurocham kiến nghị Bộ LĐTB&XH nên hoãn hiệu lực áp dụng quy định trên cho tới khi Việt Nam ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm với quốc gia khác để tránh việc nộp BHXH hai lần.

Eurocham cũng kiến nghị, cơ quan quản lý ngành cần tạo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam. Đồng thời nên có quy định nhóm người lao động nước ngoài không phải đóng BHXH bắt buộc tại Việt Nam

Ngoài ra, hiện nay thời hạn hợp đồng lao động một tháng là người lao động phải đóng BHXH là quá ngắn và không thực tế, nên Eurocham kiến nghị tăng mức thời hạn hợp đồng lao động phải đóng BHXH bắt buộc lên 6 tháng hoặc hơn; không áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất đối với người lao động nước ngoài

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cần tạo sự linh hoạt cho lao động nước ngoài nhận trợ cấp BHXH một lần trước khi rời Việt Nam

Trên thực tế, quy định mức đóng BHXH hiện nay quá cao, sẽ làm tăng chi phí lớn đối với những doanh nghiệp sử dụng hàng trăm hoặc hàng nghìn lao động nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, Eurocham cũng kiến nghị giảm mức đóng BHXH cho đối tượng doanh nghiệp này. Ngoài ra, cần đánh giá tác động của thủ tục hành chính khi áp dụng từng chế độ BHXH để tạo điều kiện thực hiện cho cơ quan thi hành, người lao động nước ngoài và sử dụng lao động.

Mời đọc thêm:

Không sống ở Việt Nam, sao bắt đóng quỹ hưu trí, tử tuất?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới