Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EVN chưa tập trung hết nguồn lực cho mục tiêu chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EVN chưa tập trung hết nguồn lực cho mục tiêu chính

Chênh lệch tăng giá bán điện năm 2007 của EVN do kiểm toán xác định là 3.402 tỉ đồng, chứ không phải 2.763 tỉ đồng như tập đoàn đã báo cáo – Ảnh: Netlife

(TBKTSG Online) – Theo kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu chính của mình.

Kết quả kiểm toán niên độ kế toán năm 2007 của công ty mẹ EVN và 32/54 đơn vị sản xuất kinh doanh thành viên thuộc tập đoàn được công bố sáng 25-11 cho thấy, tổng đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ đến 31-12-2007 là 47.438 tỉ đồng. Trong đó, lượng vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (viễn thông điện lực, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…) là 3.590,5 tỉ đồng, chiếm 7,22% vốn đầu tư và 4,82% tổng nguồn vốn chủ sở hữu.

“Điều này cho thấy EVN chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu chính của EVN”, theo lời Tổng kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ.

Chênh lệch tăng giá bán điện năm 2007 sai số gần 640 tỉ

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, khả năng thanh toán nợ của EVN tại thời điểm 31-12-2007 cơ bản đảm bảo.

Tỷ lệ tổng tài sản trên tổng nợ phải trả của công ty mẹ là 1,85 lần, của tập đoàn là 1,73 lần. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu khá lành mạnh: tại công ty mẹ là 1,17 lần, của tập đoàn là 1,44 lần. Các con số này cho thấy tập đoàn và công ty mẹ hoạt động chủ yếu bằng vốn tự có. Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn/tổng nợ ngắn hạn) của công ty mẹ là 1,6 lần, của tập đoàn là 1,94 lần.

“Thực tế trên cho thấy EVN đã có nhiều cố gắng trong việc huy động mọi nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh và cho thấy cơ cấu tài chính của EVN là khá vững chắc”, ông Huệ nói.

Song ông cũng đưa ra khá nhiều điểm cần khắc phục trong quản lý tài chính của tập đoàn lớn này, trước tiên là quản lý doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh.

Doanh thu 2007 của EVN là 58.204 tỉ đồng, tăng 29,57% so với năm 2006. Doanh thu bán điện 50.271 tỉ đồng tương ứng với tổng sản lượng điện tiêu thụ 58.444 triệu kWh, giá bán điện thực tế bình quân 860,14 đồng/KWh. Kết quả kiểm toán đã điều chỉnh tăng doanh thu 70,5 tỉ đồng do hạch toán thiếu doanh thu, sai niên độ, điều chỉnh nguồn thu sự nghiệp sang doanh thu dịch vụ và xác định lại doanh thu nội bộ đối với lượng điện tự dùng để sản xuất điện của một số nhà máy điện.

Một con số được giới truyền thông quan tâm là số chênh lệch tăng giá bán điện năm 2007 do kiểm toán xác định là 3.402 tỉ đồng, chứ không phải 2.763 tỉ đồng như tập đoàn đã báo cáo lên Thủ tướng để xin trên 1.000 tỉ đồng trong số đó để chia thưởng.

Chính vì vậy, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công  Thương nên sớm có hướng dẫn xử lý số tiền chênh lệch tăng giá bán điện trên cơ sở số liệu 3.402 tỉ đồng.

“Việc này không đơn giản. Nếu cho hết vào quỹ đầu tư phát triển thì thuế giá trị gia tăng trên tổng số tiền đã tính cho người tiêu dùng rồi, bây giờ nộp hay không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp? Nếu Nhà nước yêu cầu đưa hết tiền chênh lệch sang quỹ đầu tư phát triển thì EVN lỗ 506 tỉ và dẫn đến Nhà nước thoái thu thuế thu nhập doanh nghiệp với EVN. Nếu chúng ta chấp nhận đưa vào doanh thu khi phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì liệu có được trích các quỹ khác trên cơ sở đó? Cần tính toán hợp lý để đưa ra ý kiến cuối cùng theo nguyên tắc cân đối giữa thu nhập và chi phí bởi không có khoản doanh thu nào mà không có đầu tư. Cần tính toán trừ chi phí cho EVN rồi xác định có phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hay không, trên cơ sở đó xác định 2 nguồn nộp bổ sung quỹ đầu tư theo Nghị định 199 và số chênh lệch còn lại sau khi cộng 2 khoản này lại”, ông Vương Đình Huệ nói với các phóng viên.

Theo kiểm toán nhà nước, nếu tất cả số tiền chênh lệch tăng giá điện (3.402,940 tỉ đồng) được tính vào kết quả kinh doanh năm 2007 thì tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 2.348 tỉ đồng, bằng 5,92% doanh thu và 3,27% vốn chủ sở hữu. Tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn là 4.376 tỉ đồng, bằng 7,52% doanh thu và 5,88% vốn chủ sở hữu. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2007 là 1.180 tỉ đồng, trong đó có 66,154 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp do kiểm toán nhà nước xác định tăng thêm.

Trường hợp tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện để chuyển thẳng vào quỹ đầu tư mà không hạch toán vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN sẽ còn 973 tỉ đồng, tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện thì EVN lỗ 506,1 tỉ đồng.

Trong tổng số lợi nhuận năm 2007, ngoài kết quả kinh doanh điện, EVN còn thu cổ tức đầu tư vốn là 665 tỉ đồng, thu nhập khác từ thu hoàn trả tiền khí gần 692 tỉ đồng, thu tiền phạt hợp đồng hơn 127 tỉ đồng, thu 330 tỉ đồng của nhà máy điện Uông Bí MR1 chưa phải tính chi phí.

Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị EVN làm việc với Tổng cục Thuế để xác định chính xác số nộp ngân sách nhà nước tùy thuộc kết quả xử lý chênh lệch từ tăng giá bán điện. Nếu tính hết vào doanh thu, kết quả kinh doanh thì số còn phải nộp ngân sách đến 31-12-2007 là 1.216 tỉ đồng, trong đó kết quả kiểm toán xác định tăng thêm là 95,457 tỉ đồng.

Tổn thất điện năng vẫn còn cao

Trong những thiếu sót của EVN, ông Huệ đề cập đến con số tổn thất điện năng năm 2007 là 6.906 kWh, tỷ lệ tổn thất là 10,56%, vượt 0,06% so với kế hoạch EVN đề ra là 10,5%. Trong đó, mức tổn thất ở khâu truyền tải cao thế là 2.179 kWh (3,33%), tổn thất khâu phân phối điện là 4.727 kWh (7,23%).

Đối chiếu với Quyết định số 3259/QĐ-NLDK của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt đề án “Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2004-2010” của EVN thì tỷ lệ tổn thất nêu trên không vượt mức quy định tại đề án (chỉ tiêu tổn thất năm 2007 là 11%). Tuy nhiên, nếu xét chỉ tiêu hạ mức tổn thất chung đến năm 2010 chỉ còn 8% theo Quyết định 276/2006/QĐ-TTg ngày 4-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện thì mục tiêu này không đạt.

“Nếu đến năm 2010 giảm được tổn thất điện năng xuống 8% như mục tiêu, với quy mô như hiện nay thì sẽ tiết kiệm được 1.439,996 tỉ đồng“, ông Huệ dẫn báo cáo kết quả kiểm toán.  

Kiểm toán nhà nước cũng lưu ý về quản lý tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Tổng giá trị tài sản cố định ròng là 80.861 tỉ đồng. Tuy vốn chủ sở hữu lớn như đã nêu ở trên nhưng chưa đủ tài trợ cho tài sản cố định. Trong tổng giá trị tài sản cố định, nhiều tài sản được đầu tư đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn hạch toán nguyên giá theo giá trị tạm tính, chưa điều chỉnh theo giá trị quyết toán do công tác quyết toán chậm, làm ảnh hưởng đến tính chính xác của khấu hao tài sản cố định trong cơ cấu giá thành.

Tiến độ thực hiện đầu tư theo tổng sơ đồ 6 trong các năm 2006, 2007 của EVN chỉ đảm bảo 3/6 dự án nguồn điện. Một số công trình nguồn điện không đạt tiến độ mục tiêu ảnh hưởng đến mục tiêu phát điện các năm tới theo kế hoạch.

Về phương án giá bán điện 2009, theo kiểm toán nhà nước, EVN cần cân nhắc mức tăng và thời điểm tăng giá cho phù hợp, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới, trong nước có khó khăn như hiện nay và việc xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán điện nên dựa vào kết quả phân tích chi phí giá thành điện của kiểm toán nhà nước. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán điện theo nguyên tắc bù đắp được chi phí sản xuất, có mức lãi phù hợp, không bao cấp tràn lan, không bù chéo, đồng thời đảm bảo nguyên tắc Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ ở nông thôn.

Những con số về EVN

Tổng tài sản của EVN tính đến 31-12-2007 là 185.180 tỉ đồng, tương đương 11.492 triệu đô la Mỹ. Trong đó, tổng tài sản (nguồn vốn) của công ty mẹ là 118.242 tỉ đồng. So với năm 2006, công ty mẹ huy động nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm 37.442 tỉ đồng (31,71%), chủ yếu là tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (21.352 tỉ đồng) do đó đã tăng vốn chủ sở hữu từ 42,6% năm 2006 lên 46,07% tại thời điểm 31-12-2007.

Xét cả tập đoàn, tổng số vốn huy động trong năm tăng lên 47.398 tỉ đồng (34,40%) do cả 3 nguồn đều tăng: nợ phải trả tăng 23.737 tỉ đồng (28,48%), vốn chủ sở hữu tăng 22.017 tỉ đồng (42,02%), lợi ích cổ đông thiểu số tăng 1.642 tỉ đồng (80,20%).

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2007 của EVN đã điều chỉnh tăng tổng tài sản và nguồn vốn là 270,461 tỉ đồng, trong đó điều chỉnh tăng tài sản ngắn hạn 226,533 tỉ đồng, tài sản dài hạn 43,928 tỉ đồng, nợ phải trả điều chỉnh tăng 169,347 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu điều chỉnh tăng 111,752 tỉ đồng.

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới