Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EXPO: 10 năm đồng hành cùng doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EXPO: 10 năm đồng hành cùng doanh nghiệp

Thái Hằng

Một gian hàng thủ công mỹ nghệ tại Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ năm nay. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Hội chợ thường niên quốc tế Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM (EXPO) năm nay là cột mốc để nhìn lại chặng đường 10 năm đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu để đưa sản phẩm đến với khách hàng quốc tế.

Trong danh sách 20 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ được vinh danh nhân kỷ niệm 10 năm của EXPO lần này có những gương mặt đã gắn với thị trường xuất khẩu gần 20 năm như Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, Công ty Savimex, và cả những đơn vị được thành lập hơn năm năm như Công ty ATC.

Điểm chung của các doanh nghiệp xuất khẩu này là có chặng đường phát triển gắn liền với các kỳ hội chợ EXPO, đóng góp tích cực trong việc quảng bá, tiếp cận, mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng, góp phần phát triển kinh tế.

Từ những hội chợ đầu tiên

Bà Lê Hải Liễu, Tổng giám đốc Công ty Đức Thành, nhớ lại việc vận động thành lập một hội chợ quốc tế để doanh nghiệp xuất khẩu xúc tiến thương mại tại chỗ vào đầu những năm 2000 đã nhận được sự hậu thuẫn lớn của UBND TPHCM và Sở Thương mại khi đó, tức Sở Công Thương hiện nay.

Lúc ấy, thương mại điện tử chưa phát triển. Hàng năm doanh nghiệp phải sử dụng phần lớn kinh phí để mang sản phẩm đến nhiều hội chợ triển lãm quốc tế lớn ở nước ngoài nhằm tìm kiếm khách hàng.

Bà Liễu khi đó là Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa). Bà nghĩ rằng ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam với kim ngạch hàng trăm triệu đô la Mỹ, sản phẩm được chấp nhận tại nhiều nước phát triển thì tại sao lại không chủ động thu hút khách hàng quốc tế, về Việt Nam giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Đề xuất nhanh chóng nhận được sự ủng hộ không chỉ của giới doanh nghiệp xuất khẩu mà cả của UBND thành phố. Và Sở Thương mại được giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức những kỳ hội chợ đầu tiên cùng với Hawa. Chi phí tham gia thấp hơn rất nhiều so với hội chợ quốc tế, doanh nghiệp còn được hỗ trợ kinh phí thuê mướn mặt bằng triển lãm cùng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng sau này như: hội chợ trực tuyến trên trang www.hcmcEXPO.com.vn, chân dung doanh nghiệp cho khách tham quan… nên EXPO trở thành người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Việc quảng bá đến khách hàng quốc tế được Sở Thương mại thực hiện thông qua việc kết nối với các tham tán thương mại tại nhiều nước, kết hợp với các công ty, tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại TPHCM. Kết quả là ngay trong kỳ hội chợ chuyên ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ đầu tiên vào năm 2003, mặc dù Việt Nam đang ở cao điểm của bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS), thời điểm này cũng diễn ra cuộc chiến tại Iraq, các hợp đồng cam kết cũng đạt trị giá vào khoảng 235 triệu đô la Mỹ. Các năm sau đó, số doanh nghiệp đăng ký tham gia tăng dần, từ 126 lên đến gần 300 doanh nghiệp như hiện nay. Điều này cũng đủ chứng minh kỳ vọng của doanh nghiệp đối với hiệu quả của việc giao thương, hợp tác với các đối tác quốc tế.

Với các doanh nghiệp mới, hội chợ EXPO còn là cơ hội, là đòn bẩy để giúp doanh nghiệp phát triển. Tháng 5-2006, Công ty Ánh Tân Cương (ATC) được thành lập với thế mạnh về hàng nội thất làm từ song mây và lục bình. Ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc công ty, cho biết công ty ông xác định kinh doanh chủ yếu là xuất khẩu nên ngay khi vừa ra đời, ATC đã đăng ký hai gian hàng triển lãm trong hội chợ EXPO tháng 10 năm đó. “EXPO khi ấy được nhiều doanh nghiệp trong ngành đánh giá là uy tín và xúc tiến thương mại khá hiệu quả nên tôi không bỏ qua cơ hội đưa sản phẩm của mình ra mắt khách quốc tế”, ông Tân nói.

Sau thất bại của năm đầu tiên do việc tổ chức doanh nghiệp và nắm bắt thị hiếu khách hàng còn nhiều bất cập, ba năm sau đó, lượng khách hàng của ATC đã tăng đáng kể. “Ngay EXPO 2009, lúc kinh tế thế giới đang suy thoái, ATC vẫn ký được hợp đồng tại chỗ trị giá trên 100.000 đô la Mỹ với khách hàng đến từ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha”, ông Tân cho biết. Hợp đồng cho các bộ sản phẩm trang trí nội thất từ mây, lục bình của ATC, theo ông Tân, tăng trưởng trung bình 15% sau mỗi kỳ hội chợ EXPO hay VIFA do Hawa tổ chức vào tháng 3 hàng năm.

Ông Tân kể lại một trường hợp khách hàng khá thú vị trong hội chợ EXPO 2009. Một khách hàng người Mỹ đến gian hàng ATC với hình thức khá xuề xòa. Nhưng sau khi xem kiểu dáng, tìm hiểu về sản phẩm, ông yêu cầu lập bảng báo giá và chấp nhận mua ngay lượng hàng trị giá hơn 50.000 đô la Mỹ, tương đương hơn 80 bộ bàn ghế làm từ lục bình. Vị khách đó là một nhà nhập khẩu đến từ tiểu bang Miami (Mỹ), và ông đã trở thành một trong những khách hàng thường xuyên của ATC.

Hội chợ EXPO năm nay có điều kiện thuận lợi hơn là đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tăng trở lại. Do đó, ông Tân kỳ vọng số lượng đơn hàng mới sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, ông Tân cũng như nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ EXPO đều than phiền về số gian hàng đăng ký tối đa chỉ là sáu gian, tương đương với gần 60 mét vuông diện tích trưng bày. Đây là một hạn chế đối với các doanh nghiệp đồ gỗ lớn, cần nhiều diện tích để bố trí, sắp đặt sản phẩm sao cho thu hút khách tham quan nhiều nhất.

Cần một trung tâm triển lãm xứng tầm

Vừa qua, một đơn vị tổ chức triển lãm ở Hồng Kông đã mời Công ty Đức Thành tham gia hội chợ giới thiệu tiềm năng của hàng Việt Nam, nhưng… ở Hồng Kông. Nguyên nhân một phần, theo đơn vị tổ chức, ở Việt Nam hiện chưa có trung tâm triển lãm đúng theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể thu hút khách tham quan từ nhiều nước.

EXPO đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM nằm trong chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, nhưng trong các khoản hỗ trợ dài hạn của Chính phủ bao gồm xây dựng mạng thông tin-giao dịch thương mại, thương mại điện tử, phát triển thương mại quốc gia… chưa có khoản xây dựng trung tâm triển lãm, hội chợ quốc tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Chính vì chưa có cơ sở vật chất phù hợp, khách nước ngoài đến với hội chợ EXPO chủ yếu là từ các văn phòng đại diện công ty, tổ chức nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam, còn lượng khách quốc tế đến theo sự quảng bá, mời gọi của đơn vị tổ chức còn ít vì quy mô tổ chức chưa đủ lớn.

Theo bà Liễu, những vấn đề trên đã phần nào làm hạn chế và không khai thác hết tiềm năng xúc tiến thương mại tại chỗ của doanh nghiệp, xa hơn nữa là hạn chế việc nâng tầm thương hiệu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Trong khi đó, công tác tự chuẩn bị cho việc quảng bá và xúc tiến thương mại trong mỗi doanh nghiệp, qua đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực, là khá bài bản và chuyên nghiệp vì đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu trên lĩnh vực này đều đã có kinh nghiệm nhiều năm bán hàng và tham gia quảng bá ở các hội chợ quốc tế có quy mô lớn tại Singapore, Đức, Mỹ, Thượng Hải…, những nơi có cơ sở hạ tầng lẫn chất lượng dịch vụ đáng để học tập.

Một cán bộ Sở Công Thương TPHCM cho biết cách đây vài năm sở đã đề xuất xây dựng một trung tâm hội chợ triển lãm rộng 100 héc ta, nhưng vì nhiều lý do, đề xuất này đã không được chấp nhận.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, sau chặng đường 10 năm, để hội chợ EXPO tiếp tục phát triển và trở thành “bộ mặt” của không chỉ ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ mà còn nhiều lĩnh vực xuất khẩu khác mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, cơ quan tổ chức cần đề xuất Chính phủ hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất phù hợp để mở đường cho công tác xúc tiến, đẩy mạnh xuất khẩu.

Gần 300 doanh nghiệp tham gia EXPO 2010

Gần 300 doanh nghiệp đồ gỗ – thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước đã tham gia với khoảng 700 gian hàng tại Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ (EXPO) 2010, 446 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM.

Ngoài việc trưng bày gian hàng trực tiếp tại hội chợ, doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm, thương hiệu thông qua hội chợ trực tuyến (Online Expo 2010). Hiện có hơn 800 doanh nghiệp ngành gỗ – thủ công mỹ nghệ đăng ký tham gia Online Expo 2010. Expo 2010 được Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương quảng bá trên các tạp chí chuyên ngành đồ gỗ như Cens Furniture-China, South East Asia Furniture, Manufactures and Exporter Directory 2010, Furniture Singapore, Furniture Today và Heritage

Thông tin về hội chợ cũng đã được quảng bá đến 46 thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và những hội chợ quốc tế đồ gỗ lớn ở Quảng Châu (Trung Quốc), Las Vegas (Mỹ) thông qua việc gửi thư mời đến các nhà nhập khẩu hàng hóa quốc tế.

Hiện sản phẩm gỗ của Việt Nam có mặt tại 120 thị trường nước ngoài, ba thị trường chủ lực là Mỹ, EU và Nhật Bản. Cả nước có hơn 2.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng 250.000 lao động, tăng 2,8 lần so với năm 2000 và 7,7 lần so với năm 1990. Trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm hơn 90%.

Hội chợ diễn ra từ ngày 6-10 đến ngày 10-10-2010.

Ban Mai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới