Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Facebook, Google… đối mặt án phạt tỉ đô nếu không tuân thủ luật chơi của EU

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Facebook, Google… đối mặt án phạt tỉ đô nếu không tuân thủ luật chơi của EU

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Châu Âu vừa giới thiệu hai đạo luật mới, cho phép xử phạt các ‘ông lớn’ công nghệ toàn cầu như Facebook, Google, Amazon, Apple… với số tiền có thể lên đến hàng tỉ đô la, thậm chí đình chỉ và chẻ nhỏ hoạt động kinh doanh của họ nếu họ liên tiếp vi phạm các quy định quan đến chống cạnh tranh và quản lý nội dung độc hại.

Facebook, Google... đối mặt án phạt tỉ đô nếu không tuân thủ luật chơi của EU
Các ‘ông lớn’ công nghệ toàn cầu như Facebook, Google, Amazon, Apple đối mặt với sự quản lý gắt gao hơn tại châu Âu. Ảnh: Reuters

Hai đạo luật mới này, có tên gọi Đạo luật Thị trường số (Digital Markets Act) và Đạo luật Dịch vụ số (Digital Services Act). Chúng được thiết kế để kiểm soát quyền lực quá lớn của các ông lớn công nghệ tại thị trường châu Âu, từ đó giúp tạo ra một không gian số an toàn hơn, trong đó quyền lợi của tất cả người dùng được bảo vệ cũng như thiết lập một sân chơi công bằng nuôi dưỡng sáng tạo, tăng trưởng và cạnh tranh ở thị trường châu Âu và toàn cầu.

Siết chặt quản lý đối với ‘các nền tảng gác cổng thị trường số’

Hôm 15-12, Liên minh châu Âu (EU) giới thiệu hai đạo luật mới có tên gọi Đạo luật Thị trường số và Đạo luật Dịch vụ số. Với Đạo luật Thị trường số, EU muốn thiết lập các quy định quản lý mới đối với ‘những nền tảng gác cổng thị trường số’ để ngăn chặn họ hành động bất công.

Các quy định của Đạo luật Thị trường số cấm các nền tảng gác cổng thị trường số ngăn chặn người dùng gỡ những phần mềm hay ứng dụng được cài đặt sẵn trên nền tảng của họ hoặc hạn chế người dùng tiếp cần các dịch vụ bên ngoài nền tảng của họ.

Các quy định mới cũng cấm họ sử dụng dữ liệu của người dùng doanh nghiệp để cạnh tranh chống lại họ và cấm họ hạn chế người dùng.

Đạo luật này định nghĩa công ty gác cổng thị trường số là công ty có doanh thu ở châu Âu trong ba năm gần nhất từ 6,5 tỉ euro trở lên; hoặc có vốn hóa thị trường 65 tỉ euro và có ít nhất 45 triệu người dùng hàng tháng ở châu Âu; hoặc có 10.000 người dùng doanh nghiệp mỗi năm ở châu Âu.

Theo định nghĩa này, các ‘ông lớn’ công nghệ của Mỹ như Facebook, Google, Amazon, Apple đều được xem là công ty gác cổng thị trường số.

Nếu vi phạm các quy định này, các nền  tảng gác cổng thị trường số có thể bị phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu của họ mỗi năm.

Đối với các tập đoàn công nghệ khổng lồ, con số 10% này tương đương nhiều tỉ đô la. Chẳng hạn, 10% doanh thu toàn cầu của Amazon trong năm nay ước tính khoảng 37 tỉ đô la Mỹ.

Thậm chí, các tập đoàn công nghệ có thể bị buộc phải bán một phần hoạt động hoạt kinh doanh nếu vi phạm các quy định của Đạo luật Thị trường số ba lần trong vòng năm năm. Nói cách khác, họ sẽ bị chẻ nhỏ ra thành nhiều công ty.

Công ty lớn thì trách nhiệm càng lớn

Trong khi đó, Đạo luật Dịch vụ số sẽ bắt buộc các ‘ông lớn’ công nghệ bao gồm các công ty thương mại điện tử và mạng xã hội phải chịu trách nhiệm lớn hơn về dịch vụ, hàng hóa và nội dung mà họ đang cung cấp. Chẳng hạn, đạo luật này yêu cầu phải xác minh người bán hàng thứ ba để giúp truy tìm những người bán hàng giả.

Các nền tảng công nghệ lớn cũng phải minh bạch hơn với người dùng về cách các thuật toán đưa ra các đề xuất mua hàng, xem nội dung đồng thời phải nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung trái vi phạm pháp luật liên quan đến phát ngôn gây hận thù, khủng bố, lạm dụng tình dục trẻ em…

Nếu vi phạm các quy định này, các ông lớn công nghệ có thể bị phạt lên đến mức 6% doanh thu toàn cầu mỗi năm của họ và có thể bị đình chỉ hoạt động tạm thời ở châu Âu nếu tái phạm nhiều lần.

Thierry Breton, Cao ủy phụ trách thị trường nội khối châu Âu, nói:  “Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng công ty này hay công ty kia quá lớn. Nhưng chúng tôi sẽ nói rằng công ty càng lớn, càng phải có trách nhiệm lớn hơn”.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ hôm 15-12, Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề số hóa của Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy châu Âu về cạnh tranh, cho hay hai đạo luật mới có chung một mục đích: “bảo đảm rằng chúng ta, với từ cách là người dùng, khách hàng, doanh nghiệp, được tiếp cận thoải mái các sản phẩm và dịch vụ an toàn trên mạng và các doanh nghiệp châu Âu có thể cạnh tranh tự do và công bằng ở môi trường trực tuyến giống như ở thế giới thực”.

Hai đạo luật trên sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, cơ quan đại diện cho 27 nước thành viên của EU vào năm tới. Quá trình thảo luận, sửa đổi nội dung của hai đạo luật này có thể mất ít nhiều năm trời trước khi được thông qua.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ phản ứng ra sao?

Các đề xuất mới của EU vấp phải sự phản đối gay gắt của Phòng thương mại Mỹ. Cơ quan này bày tỏ lo ngại các đề xuất này chủ yếu nhắm đến các công ty Mỹ bằng cách đặt ra các quy định quản lý gắt gao kèm thao các khoản phát tài chính nặng nề.

Myron Brilliant, Phó chủ tịch kiêm giám đốc phụ trách các vấn đề quốc của Phòng thương mại Mỹ, nói: “Dường như châu Âu có ý định trừng phạt những công ty thành công đang đầu tư lớn để hỗ trợ đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế của châu Âu. Hơn nữa, các biện pháp này sẽ không cải thiện sức cạnh tranh của châu Âu”.

Karan Bhatia, Phó chủ tịch phụ trách chính sách công và các vấn đề chính phủ của Google nói rằng ông lo ngại các đề xuất mới của EU dường như chỉ nhắm vào một số công ty và gây khó khăn hơn cho Google trong việc phát triển sản phẩm mới để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các quy định mới khuyến khích sáng tạo, tăng cường trách nhiệm và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế vì lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở châu Âu”.

Aura Salla, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu của Facebook, cho rằng: “Các đề xuất mới của EU là hướng đi đúng để giúp bảo vệ những gì tốt đẹp về về internet. Chúng tôi hoan nghênh các quy định hài hóa của EU về quản lý nội dung bất hợp pháp và độc hại”

Người phát ngôn Amazon không bình luận trực tiếp nhưng đề cập đến một bài viết trên blog của Amazon nói rằng EU phải áp dụng các quy định giống nhau cho mọi công ty. Trong khi đó, Apple từ chối bình luận.

“Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ hướng đến việc xây dựng EU trở thành nhà lãnh đạo về sáng tạo số hóa, chứ không chỉ quản lý các nền tảng số hóa”, Christian Borggreen, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp truyền thông và máy tính, tổ chức đại diện cho các công ty như Amazon, Facebook và Google, nói.

Thomas Vinje, đối tác ở hãng luật, Clifford Chance, cho rằng châu Âu sẽ không dễ dàng chẻ nhỏ một công ty công nghệ Mỹ. Ông nói: “Tôi không tin châu Âu mạo hiểm phá vỡ mối quan hệ đồng minh với Mỹ bằng cách chẻ nhỏ các công ty biểu tượng của nước Mỹ. Chính quyền sắp tới của ông Joe Biden sẽ không để điều đó xảy ra dễ dàng”.

Hôm 15-12, Bộ trưởng Số hóa Anh Oliver Dowden và Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel, công bố các đề xuất mới trong Dự luật An toàn trực tuyến, cho phép cơ quan quản lý yêu cầu các công ty mạng xã hội lớn như  Facebook, TikTok, Twitter gỡ bỏ hoặc hạn chế nội dung trái pháp luật và độc hại chẳng hạn như lạm dụng tình dục trẻ em, khủng bố và nội dung liên quan đến tự tử. Nếu không nhanh chóng gỡ bỏ các nội dung này, họ có thể đối mặt mức phạt lên đến 18 triệu bảng hoặc 10% doanh thu toàn cầu mỗi năm của họ, tùy theo mức nào lớn hơn.

Cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom) sẽ giám sát và quản lý các công ty mạng xã hội và được quyền chặn dịch vụ của các công ty này tại Anh nếu họ không tuân thủ các quy định trong Dự luật An toàn trực tuyến.

Theo các quy định mới, các nền tảng mạng xã hội phải hành động nhiều hơn để để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ ‘phơi nhiễm’ trước nội dung độc hại hay các hành vi như bắt nạt, khiêu dâm, kết thân trẻ em với mục đích lạm dụng tình dục.

Các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất phải đặt ra và thực thi các điều khoản và điều kiện rõ ràng khẳng định họ sẽ xử lý như thế nào đối với nội dung hợp pháp nhưng có thể gây tổn hại tâm lý và thể chất nghiêm trọng đối với người lớn. Các nội dung này bao gồm các thông tin sai sự thật và các thông tin sai trái về vaccine Covid-19.

Theo AP, WSJ, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới