Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fail Smart – cánh chim lạ trong cộng đồng khởi nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fail Smart – cánh chim lạ trong cộng đồng khởi nghiệp

Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Nếu ai đó đủ can đảm đứng ra chia sẻ câu chuyện thất bại của họ trước đám đông thì ai sẽ dựng lên sân khấu cho họ?

Fail Smart - cánh chim lạ trong cộng đồng khởi nghiệp
Các diễn giả chia sẻ trong chương trình Fail Smart tại TPHCM ngày 6-8. Ảnh: ĐT

Câu trả là Fail Smart – một chương trình được sinh ra chỉ để nói về thất bại, đặc biệt những thất bại trong khởi nghiệp vừa xuất hiện trong cộng đồng khởi nghiệp gần đây.

Bị ấn tượng mạnh bởi Fail Festival khi tham gia hội thảo khởi nghiệp SLUSH tại Helsinki (Phần Lan) vào tháng 11-2015 – nơi các startups thoải mái chia sẻ về thất bại của mình, lý giải vì sao thất bại và bài học rút ra – Phan Đình Tuấn Anh và người bạn của mình Nguyễn Tiến Trung quyết định thực hiện một chương trình tương tự tại Việt Nam và Fail Smart ra đời, chính thức xuất hiện tại TPHCM vào ngày 6-8 vừa qua.

Học từ thành công chưa chắc bạn sẽ có thành công tương tự nhưng học từ thất bại, chắc chắn bạn sẽ tránh được những vết xe đổ tương tự.

Không ai muốn thất bại nhưng nếu bạn làm việc nghiêm túc mà vẫn thất bại, chắn chắn nhiều bài học quý báu được rút ra. Sẽ vô cùng lãng phí nếu những bài học ấy không được chia sẻ.

Đâu đó chúng ta vẫn nghe chuyện người này người kia chia sẻ về thất bại của họ, ví như bài "Không nhất thiết phải sờ vào điện 220 volt để biết rằng điện giật có hại" mà anh Hoàng Tùng – người sáng lập Pizza Home – viết kể về việc bản thân mình 3 lần thất bại khi khởi nghiệp với những dự án khác nhau, lý giải nguyên nhân, những ám ảnh dằn vặt phải chịu đựng và bài học rút ra.

Trong bài, có những đoạn được chia sẻ rất chân tình như "Trong khi rất nhiều sách vở đề cao sự thất bại thì hãy cẩn thận, tốt hơn hết là tránh được thất bại mà vẫn gặt hái được thành công, đó mới là điều tốt nhất. Nếu bạn yêu thích thất bại, tốt hơn cả là bạn nên có nhiều tiền, nhiều thời gian và có thần kinh thép.

Sở dĩ tôi nói vậy vì mỗi lần khởi nghiệp thất bại, tôi thường phải mất từ 1 đến 2 năm mới có thể hồi phục được và tiếp tục khởi nghiệp trở lại. Sau này, khi nhìn lại, tôi mới thấy rằng có nhiều thất bại của mình diễn ra một cách rất ngu xuẩn. Thực tế, những thất bại này hoàn toàn có thể tránh được."

Bài viết được cộng đồng đón nhận và đánh giá cao. Nhưng đó là một trong những câu chuyện hiếm hoi được kể trong rất nhiều các thất bại của startups Việt. Không phải ngẫu nhiên khi người Việt có câu "Tốt khoe xấu che". Câu nói này có từ bao giờ? Không ai biết nhưng chắc rằng ai cũng biết nó đã có rất lâu, ăn sâu vào tâm lý của số đông và không quá nếu nói nó trở thành một nét văn hóa của chúng ta.

"Chính tâm lý xấu thì phải che như vậy, người ta ngại khi nói về thất bại của mình và những bài học đau đớn bị giấu thật sâu. Và Fail Smart ra đời để góp phần thay đổi góc nhìn về thất bại; để người ta nhìn thất bại nhẹ nhàng hơn và từ đó những bài học thất bại được chia sẻ nhiều hơn", Phan Đình Tuấn Anh chia sẻ về lý do anh cùng người cộng sự quyết tâm thực hiện dự án mà hai anh ấp ủ từ cuối năm 2015 và đó cũng là lý do hai anh đưa ra để thuyết phục chương trình đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan tài trợ cho dự án.

Fail Smart ra mắt cộng đồng lần đầu vào tháng 6-2016 tại Hà Nội và lần hai tại TPHCM vừa qua. Chương trình tổ chức mỗi quý một lần. Hướng đi mà Fail Smart chọn đó là mời những diễn giả tham dự chia sẻ về câu chuyện thất bại của họ. Sau đó là phần hỏi đáp.

"Mọi việc khó khăn hơn rất nhiều so với chúng tôi dự đoán. Và kết quả đạt được đến lúc này không đúng như kỳ vọng", Tuấn Anh chia sẻ.

Cái khó khăn mà Tuấn Anh đề cập chính là tìm được diễn giả phù hợp và thuyết phục họ hợp tác cùng ban tổ chức. Có những nội dung phát sinh đi chệch triết lý mà Fail Smart hướng đến, chẳng hạn như những diễn giả nổi tiếng chỉ thích kể về thành công chứ không chịu bật mí về thất bại; hoặc kể về thất bại nhưng chỉ lướt qua và không để lại nhiều cảm xúc cho người tham dự.

Sự kiện diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua phần nào tương tự như vậy khi các câu chuyện mà diễn giả chia sẻ thiên về những khó khăn, thách thức họ gặp phải hơn là những thất bại thật sự mà họ phải đối mặt, dằn vặt, ám ảnh, vượt qua…

Vẫn còn một khoảng cách giữa mong muốn mà Fail Smart hướng đến và cái mà họ đang thực hiện. Ban tổ chức Fail Smart cũng ý thức được điều này và họ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, họ cần những người sẵn sàng đứng ra chia sẻ câu chuyện thất bại của mình.

Nhưng động lực nào để ai đó đứng ra chia sẻ câu chuyện của mình trên sân khấu của Fail Smart? Trả lời câu hỏi này, Tuấn Anh chia sẻ: "Tôi mong họ nghĩ lại những thất bại họ đã trải qua. Hẳn họ sẽ tránh được vấp ngã nếu được nghe ai đó chia sẻ điều tương tự trước đó. Tôi mong họ nghĩ đến cộng đồng, những người trẻ, những người có thể sẽ vấp phải những lỗi như chính họ vướng phải trước đó".

Một cánh én không làm nên mùa xuân. Một mình Fail Smart cũng sẽ chẳng thể thay đổi cách nhìn của đám đông về thất bại tồn tại rất lâu trong xã hội chúng ta. Fail Smart cần những câu chuyện thất bại và hẳn chúng ta, chúng ta cũng cần được nghe, được học từ những câu chuyện thất bại. 

Mời xem thêm:

Thất bại – điều ít được nói đến trong khởi nghiệp

Chuyên gia Nhật: nên khuyến khích nhân viên dám thất bại

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới