Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

FDI – ‘mũi giáp công’ quan trọng để phục hồi kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

FDI – ‘mũi giáp công’ quan trọng để phục hồi kinh tế

T.H

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, tại hội nghị trực tuyến với giới doanh nghiệp cả nước cuối tuần qua. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ngoài đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi theo hình “chữ V”.

FDI - 'mũi giáp công' quan trọng để phục hồi kinh tế
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu Eurocham Nicolas Audier. Ảnh: Baochinhphu.vn

Dự báo từ phía Chính phủ

Nhiều ý kiến chuyên gia gần đây đã nhận định rằng đại dịch lần này sẽ làm đổi thay mạnh mẽ, nếu không nói là vĩnh viễn, cách thức nhân loại sống và vận hành, tổ chức nền kinh tế – xã hội, đặt các quốc gia đứng trước yêu cầu nhìn lại, tư duy lại về các nền tảng tồn tại và phát triển.

Nêu rõ quan điểm “đánh giá cao đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp FDI”, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắn nhủ nếu các doanh nghiệp trong nước không biết tận dụng, không nắm bắt kịp thời, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tranh thủ cơ hội này.

Trước đó, tại các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương, ông cũng đã nhắc đến khả năng xảy ra tình trạng thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu. Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam có cơ hội đón nhận chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ một số quốc gia khác vào Việt Nam.

Chẳng hạn Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ đô la Mỹ trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.

Cũng theo VCCI, năm 2021 sẽ là thời điểm tăng vốn FDI nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài do có thương hiệu, nơi đến đầu tư an toàn và trung thực.

Kỳ vọng từ bên ngoài

Theo báo điện tử Chính phủ, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) khẳng định: “Korcham sẽ tiếp tục giới thiệu các DN có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài”.

Ông Funayama Tetsu, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc triển khai hành động sáng kiến chung  giữa 2 nước mà đại diện phía Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục trao đổi các sáng kiến.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, theo ông Tetsu, sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư FDI và sự đóng góp của các công ty Nhật, cũng như mở rộng hợp tác với các DN tiềm năng của Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu Eurocham Nicolas Audier nhận định, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang giúp duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu.

Cửa mở thì hành lang cũng cần thông

Bên cạnh việc đánh giá cao việc chống dịch, ông Funayama Tetsu cho rằng Chính phủ cần thường xuyên duy trì kênh đối thoại, bao gồm các góp ý chính sách giai đoạn “hậu Covid-19” theo các chủ đề để tăng cường hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.

Đại diện các DN Nhật cũng kiến nghị đơn giản hoá các thủ tục, cho phép nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho các trường hợp lao động đặc biệt.

Đây cũng là quan điểm của ông Hong Sun. “Chính phủ nên xem xét nối lại đường bay với những nước đã cơ bản đã khống chế được đại dịch như Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động… có thể sang Việt Nam làm việc và trở lại trạng thái bình thường mới. Phía Hàn Quốc sẽ phối hợp để thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định”, Phó Chủ tịch Korcham kiến nghị.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Mỹ – ASEAN nhận định thẳng thắn, điểm yếu lớn của Việt Nam là triển khai các cam kết, các chủ trương lớn của lãnh đạo trong toàn hệ thống đến các bộ ngành, địa phương. Ví dụ, lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã sớm xác định yêu cầu phát triển năng lượng bền vững, năng lượng sạch là bức xúc, cấp thiết. Nhưng đến nay nhiều dự án điện lớn chưa được phê duyệt.

Nguồn: Tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới