Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fed – 100 năm tạo và chống khủng hoảng kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fed – 100 năm tạo và chống khủng hoảng kinh tế

Nguyễn Quang Bình (*)

Tuần này, giới tài chính-ngân hàng có một ngày kỷ niệm khó quên, đó chính là ngày thành lập Cục Dự trữ Liên bang (Fed), là ngân hàng trung ương của Mỹ, vào ngày 23-12-1913 cách nay đúng một thế kỷ.

Chẳng có gì to tát nếu chỉ là ngày thành lập một cơ quan đơn vị bình thường. Nhưng đây là Fed! Ngay cả tại nước ta, nhiều người dù chỉ mới dính dáng đôi chút với thị trường cổ phiếu hay hàng hóa, những nhà phân tích thị trường, giới báo chí kinh tế đối ngoại… không ai không phải theo dõi từng quyết định do Fed đưa ra. Cũng dễ hiểu thôi, thời đại hội nhập, toàn cầu hóa mà! Khi bước chân xuống thuyền, sóng to gió nhẹ đều phải chấp nhận.

Thật vậy, Fed là một ngân hàng trung ương quyền lực bậc nhất thế giới, công lao to mà tai tiếng cũng không nhỏ, đặc biệt là cách can thiệp của Fed vào những cuộc khủng hoảng, khi đổ dầu khi dập tắt, gây nên nhiều cuộc tranh cãi lớn trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907 đã làm hệ thống tài chính-ngân hàng Mỹ hoảng loạn. Có người tính trong thời gian ấy về trước, hệ thống ngân hàng Mỹ hết sức bấp bênh, tuổi thọ bình quân của một ngân hàng chỉ kéo dài 5 năm. Hơn nữa, các ngân hàng cấp tiểu bang bấy giờ mạnh ai nấy phát hành tiền. Đứng trước tình trạng hỗn loạn ấy, vào ngày 23-12-1913, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Dự trữ Liên bang, Fed ra đời.

Thủa sơ khai, nhiệm vụ đầu tiên của Fed là điều hòa để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng nhằm tránh hoảng loạn trong trường hợp có một tổ chức ngân hàng-tín dụng nào vỡ nợ. Vai trò này vẫn được Fed chu toàn đến ngày hôm nay. Ngoài ra, Fed đóng vai cơ quan điều tiết, chính là đơn vị phát hành tiền và cho vay thay vì trước đó, mạnh ai nấy in tiền, lãi suất ngân hàng đều giao phó cho thị trường trên cơ sở cạnh tranh hoàn toàn giữa các ngân hàng, nên có người gọi giai đoạn ấy tại Mỹ là giai đoạn ngân hàng “tự tung tự tác”. 

Về sau, cơ quan này còn có nhiệm vụ ổn định giá cả, công ăn việc làm và ấn định lãi suất dài hạn. Can thiệp của Fed từ năm 2008 đến nay ai cũng đều biết rõ: hạ lãi suất xuống mức thấp nhất để đảm bảo thanh khoản. Fed thực sự đã trở thành đơn vị dẫn đường tránh khủng hoảng kinh tế trong thời gian vừa qua khi đưa ra chương trình kích cầu với tên gọi quen thuộc “nới lỏng định lượng” (quantitative easing – QE). Theo chương trình này, hàng tháng Fed đã cung ứng một lượng tiền 85 tỉ đô la Mỹ để mua lại trái phiếu và tài sản rủi ro. Vừa qua, khi thấy nền kinh tế nước Mỹ có dấu hiệu hồi phục, Fed quyết định giảm xuống còn 75 tỉ đô la cho chương trình này tính từ tháng 1-2014 trở đi.

Tuy nhiên, Fed cũng hứng chịu nhiều chỉ trích, phê bình từ nhiều người trong giới tài chính-ngân hàng, kể cả không ít nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới. Họ cho rằng có lúc, đặc biệt thời khi Alan Greenspan còn làm chủ tịch Fed, chính Fed là nơi châm ngòi, kích động khủng hoảng.

Dưới “triều đại” này, cách thức giao dịch truyền thống, “mặt nhìn mặt” bị xóa sổ, để nhiều sàn chứng khoán và kỳ hạn nhảy sang giao dịch bằng các hệ thống máy tính điện tử. Giá cổ phiếu và kỳ hạn hàng hóa phình lên như bong bóng cũng bắt đầu từ đó, những khớp lệnh tự động, vô tình và vô hồn.

Tệ hơn, theo đà hám lợi và để khuyến khích, giải tỏa khó khăn trên thị trường bất động sản vốn giá đã bị bơm quá cao tại Mỹ, cũng trong giai đoạn này, Fed đã bật đèn xanh cho các ngân hàng cho vay bất kỳ ai, dù người được cung cấp tín dụng có khả năng trả nợ sau này hay không (subprimes). Đến khi có người vỡ nợ, kéo dây chuyền, thị trường bất động sản và hệ thống tài chính-ngân hàng bị lôi kéo vào cơn lốc khủng hoảng kinh tế-tài chính chưa từng thấy, cho đến nay Mỹ và nhiều nước vẫn chưa kịp phục hồi.

Fed dưới thời đại Ben Bernanke, đã phải cung cấp “phao” để cứu thị trường trái phiếu và tài sản rủi ro với mục đích ổn định lượng tiền mặt cho nền kinh tế nhằm đảm bảo giá cả ổn định qua đó tăng tỷ lệ công ăn việc làm. Nhưng cái quan trọng nhất là nền kinh tế Mỹ và các thị trường sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán có được nguồn tài chính ổn định.

Với “liều thuốc” ấy, Fed đã giúp nền kinh tế Mỹ lên mức tăng trưởng 4,1% trong quí 3 năm nay và tỷ lệ thất nghiệp từ 10% nay giảm chỉ còn 7%.

Một nữ chủ tịch Fed sẽ thay thế Ben Bernanke vào đầu năm tới, Janet Yellen. Lo lắng mới của thế giới đối với Fed là với gói kích cầu QE có sẵn, liệu tiền có đi đúng chỗ hay lại chạy qua vùng của “kên kên” đầu cơ.

Chớ nên quá vội bi quan vì dù sao Fed cũng đã qua một trăm năm tuổi. Hy vọng Fed có thừa kinh nghiệm và chín chắn để cùng với các thể chế tài chính toàn cầu đưa “con thuyền” kinh tế thế giới thoát khỏi những cơn sóng dữ của khủng hoảng hiện nay.

_________________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới