Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fed bất ngờ hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fed bất ngờ hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất để cứu vãn nền kinh tế đang bị dịch Covid-19 đe dọa nghiêm trọng. Nhưng động thái này không giúp trấn an, mà ngược lại, còn làm gia tăng thêm tâm lý do sợ của giới đầu tư, khiến họ bán tháo cổ phiếu, đổ xô mua vàng và trái phiếu. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, cả 3 chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm gần 3%.

Fed bất ngờ hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc
Hôm qua, Fed bất ngờ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) về mức 1-1,25%. Ảnh: MGN

Quyết định hạ lãi suất khẩn cấp

Quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) về mức 1-1,25% nhanh được Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông qua vào sáng qua, theo giờ Mỹ sau một cuộc họp từ xa qua video.

Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, quyết định hạ lãi suất của Fed được đưa ra giữa các kỳ họp chính sách của FOMC, thay vì đợi đến khi nhóm họp. Fed thường hành động khẩn cấp như vậy nếu nhận thấy triển vọng nền kinh tế Mỹ chuyển biến xấu nhanh chóng như đã từng làm vào đầu năm 2001 và 2008 khi nền kinh tế Mỹ hướng đến suy thoái.

FOMC cũng cam kết tiếp tục hành động thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế. Điều ngày có nghĩa là Fed có thể hạ thêm lãi suất trong thời gian tới nếu kinh tế Mỹ suy yếu rõ rệt.

Tai cuộc họp báo được sắp xếp vội vã vào hôm qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, dịch Covid-19 và các biện pháp được triển khai để khống chế nó sẽ gây sức ép cho hoạt động kinh tế ở nước Mỹ và bên ngoài trong một thời gian. Fed muốn ngăn chặn tình huống các ngân hàng giảm cho vay đối các doanh nghiệp và hộ gia đình khi họ lo ngại về diễn biến khó lường của dịch Covid-19. quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của Fed có thể giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp.

“Quyết định hạ lãi suất sẽ không làm giảm tốc độ lây nhiễm của dịch Covid-19. Nó cũng sẽ không khắc phục được chuỗi cung ứng đang đứt gãy. Nhưng chúng tôi tin rằng hành động của chúng tôi sẽ cung cấp sự nâng đỡ có ý nghĩa cho nền kinh tế”, ông Jerome Powell cho hay.

Mỹ không thể phớt lờ Covid-19

Các quan chức Fed đang lo sức mua của người tiêu dùng sẽ suy giảm mạnh nếu các chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp giúp hạn chế đà lây lan của virus Covid-19 như đóng cửa trường học, công ty, hủy các sự kiện cộng đồng. Đà lây lan nhanh của dịch Covid-19 ở Mỹ vào cuối tuần qua làm tăng nguy cơ chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và giải trí.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin cho biết ông đang chuẩn bị làm việc với Quốc hội Mỹ về gói ngân sách khẩn cấp để ứng phó dịch Covid-19. Các nghị Mỹ có thể thông qua gói chi tiêu khẩn cấp trị giá 7-8 tỉ đô la Mỹ trong tuần này.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm có lúc giảm về mức thấp kỷ lục mới dưới 1% trong phiên giao dịch hôm qua. Ảnh: Market Watch

Trong khi đó ông Tony Fratto, đối tác của Công ty Hamilton Place Strategies và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, Fed không thể phớt lờ về việc dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ. Dù cú sốc do dịch Covid-19 gây ra chỉ là tạm thời, vẫn không thể biết nó tác động mạnh mẽ đến mức nào và kéo dài bao lâu đối với kinh tế Mỹ.

Trong khi quyết định giảm lãi suất không giải quyết được gốc rễ của sự suy giảm tăng trưởng, động thái này có thể giảm nhẹ tổn hại ở sức chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, chặn đứng sự biến động quá lớn của thị trường và thúc đẩy nhanh sự hồi phục một khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy nhiên, Tiffany Wilding, nhà kinh tế ở Công ty Pacific Investment Management, lo ngại nếu các doanh nghiệp Mỹ không thể trụ được qua cơn biến động ngắn hạn, sẽ có nhiều vụ phá sản, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng
Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng JPMorgan Chase, dự báo có 50% xác suất Fed buộc phải hạ lãi suất trong năm nay về mức zero.

Các nhà kinh tế ở Ngân hàng Goldman Sachs nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái ngay lúc này nhưng họ hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ về mức 0,9% trong quí 1 và 0% trong quí 2.

Ông Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư của Công ty State Street Global Advisors giải thích rằng Fed đang xác nhận mối đe dọa của dịch Covid-19 đối với kinh tế Mỹ bằng hành động hạ lãi suất. “Tôi nghĩ quyết định hạ lãi suất của Fed phản tác dụng trên nhiều phương diện. Thay vì trấn an thị trường, quyết định đó làm trỗi dậy trở lại nỗi hoảng sợ của giới đầu tư”, vị này cho biết.

Đồng tình với nhận định này, Lara Rhame, nhà kinh tế trưởng ở Công ty FS Investments, cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed đang nhận thấy các rủi ro suy giảm tăng trưởng đang tăng nhanh do tác động của dịch Covid-19.

Hôm 3-3, các ngân hàng hàng trung ương ở Úc và Malaysia cũng đã hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của họ ứng phó dịch Covid-19. Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp từ xa hôm qua, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của khối các cường quốc công nghiệp G7 cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách thích hợp và sẵn sàng hợp tác ứng phó dịch bệnh này.

Trong phiên giao dịch hôm 3-3, các chỉ số chứng khoán Mỹ bật tăng sau thông báo hạ lãi suất của Fed nhưng sau đó, nhanh chóng lao dốc với chỉ số Dow Jones có lúc giảm sâu gần 1.000 điểm và chốt phiên giao dịch với mức giảm 785,91 điểm (2,9%). Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt thoái lùi 2,81% và 2,99%.
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu khi tâm lý lo sợ dịch Covid-19 bao trùm Phố Wall. Hôm qua, có thêm 3 ca tử vong do nhiễm virus Covid-19 ở bang Washington, nâng tổng số ca tử vong ở Mỹ lên 9 và tổng số ca nhiễm lên 124.

Lo ngại về triển vọng xấu của tăng trưởng kinh tế Mỹ, giới đầu tư đổ xô mua các tài sản an toàn bao gồm vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lúc giảm sâu đến mức 0,914%, mức thấp kỷ lục mới trong lịch sử, trước khi chốt phiên giao dịch hôm qua ở mức 1,005%, vẫn thấp hơn mức đóng cửa của ngày hôm trước 1,085%. Lợi suất trái phiếu giảm khi giá trái phiếu tăng.

Theo Ngân hàng JPMorgan Chase & Co, các ngân hàng có thể đang nắm giữ 1.200 tỉ đô la Mỹ giá trị các vị thế bán khống trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Do vậy, bất kỳ đà phục hồi lợi suất của trái phiếu này cũng có thể bị chặn đứng khi họ đóng các vị thế bán khống (tức mua vào trở lại).

Hôm qua, vào lúc thị trường đóng cửa, giá vàng tương lai giao tháng 4 trên sàn giao dịch Comex ở New York tăng mạnh 49,6 đô la (3,1%) lên mức 1.644,4 đô la/ounce. Đây là mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 20- 6-2019.

Theo WSJ, Market Watch, CNBC

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới