(KTSG Online) – Fed có còn cắt giảm lãi suất đô la Mỹ, ai điều hành Nhà Trắng và căng thẳng địa chính trị Trung Đông là những câu chuyện sẽ ảnh hưởng lớn đến tiền đồng cuối năm.
HSBC vừa nâng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay lên mức 7% từ mức 6,5% trong dự báo trước đó, nhờ kết quả tốt hơn kỳ vọng trong quí 3. Bối cảnh vĩ mô hiện nay được đánh giá là tích cực khi áp lực lạm phát đã giảm bớt, tỷ giá cũng đã ổn định.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, áp lực trên thị trường ngoại hối dường như chưa giảm bớt vào cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo yếu tố mùa vụ, mà còn đến từ những biến động lớn trên thị trường thế giới.
Trong buổi gặp gỡ bên lề hội thảo "Market Outlook 2024" của HSBC tổ chức mới đây, KTSG Online có buổi phỏng vấn với ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam về câu chuyện tỷ giá và lãi suất.
KTSG Online: Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất mới đây, tỷ giá cũng giảm theo, nhưng gần đây thị trường ngoại hối lại đang được chú ý. Áp lực tỷ giá đang tăng trở lại phải không, thưa ông?
- Ông Ngô Đăng Khoa: Khi Fed cắt lãi suất thì mọi người nghĩ sẽ tiếp tục cắt giảm, chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của rổ ngoại tệ mạnh khác – PV) giảm xuống, tuy nhiên kỳ vọng thị trường đã thay đổi.
Cách đây vài ngày, số liệu mới nhất cho thấy lạm phát cơ bản và lạm phát toàn phần của Mỹ tăng cao hơn so với kỳ vọng. Do đó thị trường suy nghĩ lại về hướng đi của Fed, có 34% cho rằng không thay đổi trong tháng 11. Chỉ số DXY bật tăng trở lại, chỉ số đô la Mỹ tăng lên thì tỷ giá cũng tăng lên.
Từ giờ đến cuối năm, thị trường chắc chắn còn nhiều biến động vì đầu tháng 11 sẽ là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, sau đó còn tùy thuộc theo chính quyền Donald Trump hay Kamala Harris mà chính sách còn thay đổi sau đó. Như Frederic Neumann (Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, HSBC) đã bình luận, nếu Trump lên nắm quyền thì chỉ số đô la sẽ còn tăng tiếp.
Còn kịch bản tỷ giá dưới góc nhìn của HSBC như thế nào thưa ông?
- Kịch bản cơ sở hiện nay sẽ là Fed cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 11 và 25 điểm vào tháng 12, dựa vào dự đoán kinh tế Mỹ hạ cánh mềm nhờ lạm phát hạ nhiệt. Nếu lạm phát tháng 11 tại Mỹ có xu hướng đi xuống thì chúng ta có kịch bản cơ sở, vì Fed cũng không muốn giữ lãi suất cao để tránh nền kinh tế bị suy thoái.
Nhưng phải nói thêm là, tùy thuộc vào từng kỳ họp cụ thể mà Fed linh hoạt hướng đi, vì chỉ cần vài ngày là kỳ vọng đã khác. Cách đây hai tuần, thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm 50 điểm cơ bản, vài ngày trước thì chỉ còn 25 điểm, thậm chí mới đây có xác suất 14% cho rằng Fed sẽ không còn cắt giảm lãi suất tiếp.
Ở Việt Nam, HSBC vẫn duy trì con số tỷ giá 24.800 đồng/đô la, tuy nhiên ở một thời điểm nhất định thì chỉ số này sẽ biến động. Chúng ta cũng không nên nhìn quá nhiều vào con số dự báo vì kỳ vọng đang thay đổi nhanh mà cần quan sát thêm các yếu tố đầu vào. Thị trường còn biến động nhiều vào cuối năm khi nhu cầu thanh toán cao, sự kiện bầu cử tại Mỹ hay căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.
Ngoài những câu chuyện từ quốc tế, nhu cầu nhập khẩu cuối năm liệu có gây căng thẳng không thưa ông?
- Biến động tỷ giá đến từ hai yếu tố chính là chỉ số đô la Mỹ và cung cầu ngoại tệ từng thời điểm. Vào cuối năm nhu cầu thường nhiều hơn, nhưng câu hỏi đặt ra là nguồn cung đô la sẽ thế nào? Nguồn cung không chỉ đến từ hoạt động xuất khẩu mà còn từ các FDI giải ngân và liệu các nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán bán hay mua?
Về lý thuyết thì cuối năm nhu cầu nhập khẩu tăng lên, kéo theo nhu cầu thanh toán ngoại tệ, nhưng xuất khẩu cũng sẽ đi theo. Vấn đề ở đây là nhu cầu mua và nhu cầu bán có diễn ra cùng lúc hay không?
Ở thời điểm cung cầu không gặp nhau, tiền chưa về hay doanh nghiệp chưa muốn bán, hoặc cần tiền bán ngay cũng sẽ gây ra biến động trên thị trường ngoại hối. Còn nếu xảy ra đồng thời thì tỷ giá đỡ biến động hơn.
Do đó, áp lực tỷ giá mang tính thời điểm, còn thị trường thì luôn biến động, ở mức tương đối thì người ta không quan tâm, ngược lại biến động lớn thì thường thu hút sự chú ý. Còn tổng thể nguồn cung trên thị trường thì không có vấn đề gì, vì Việt Nam vẫn có dòng tiền đô la vào ròng.
Vậy trong bối cảnh hiện nay thì ngân hàng có dư địa để giảm thêm lãi suất không?
- Mặt bằng lãi suất sẽ không biến động nhiều, vì các ngân hàng muốn cho vay nhưng gặp khó. Khách hàng tốt thì cạnh tranh lãi suất, không thì lãi suất cao hơn. Câu hỏi khác là bản thân khách hàng có khả năng vay hay không và chính ngân hàng liệu có muốn cho vay hay không?
Các ngân hàng sẽ khó giảm lãi suất thêm mặc dù được kêu gọi. Tăng trưởng tín dụng đang cao hơn nhiều so với huy động, ngân hàng sẽ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để huy động vào, mà nếu không cho vay được thì NIM sẽ giảm. Câu hỏi là ngân hàng sẽ chịu đựng được đến khi nào.
Giảm lãi suất thì khó có dư địa, nhưng nói lãi suất tăng vọt thì cũng sẽ không có. Lạm phát hiện ở mức 3,6% dù thấp hơn mục tiêu đặt ra nhưng cũng không phải ở mức thấp, hoàn toàn có thể vọt lên trên 4% nếu có sự kiện nào đó.
Vấn đề của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Giả sử thanh khoản trong hệ thống tốt thì mới có điều kiện giảm lãi suất. Mục tiêu cuối cùng của NHNN là ổn định vĩ mô, khi đó mới tăng trưởng bền vững được. Nói là ổn định chứ không phải cố định, nếu tăng thì cũng tăng từ từ để thị trường không bị sốc.
Ông có đánh giá gì về động thái của nhà điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối trong thời gian qua?
- Thực tế trong thời gian qua điều hành của NHNN khá tốt, cả về yếu tố kỹ thuật lẫn trên phương diện ngoại giao. Trên thế giới tỷ giá các đồng tiền khác biến động rất mạnh, trong khi tiền đồng biến động chậm chứ không gây sốc, như trường hợp đồng yen một ngày thay đổi tới 5-7%. Lãi suất cũng giảm chậm để ngân hàng có thời gian chuẩn bị nguồn vốn, hai nữa là tránh gây sốc và hạn chế tác dụng phụ khác.
Hành động của NHNN sẽ mang tính tín hiệu cho thị trường, nhưng bản chất là linh hoạt chứ không cố định. Từ trước đến nay nhiệm vụ của NHNN là giữ ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế. Kinh tế của Việt Nam hiện tăng trưởng tốt hơn nhiều so với trong khu vực và trên thế giới, vấn đề là nhu cầu tiêu dùng nội địa còn yếu.
Xin cảm ơn ông!