Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fed điều chỉnh lãi suất nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fed điều chỉnh lãi suất nào?

Huy Nam (*)

Bài 2:

Fed điều chỉnh lãi suất nào?

Một động tác tuy nhỏ nhưng có tác động toàn cầu là việc Hệ thống Lưu trữ liên bang Mỹ Fed (Federal Reserve System) cắt giảm lãi suất. Lãi suất “lợi hại” do Fed quản lý này có lúc tăng cao 6% (cuối năm 2000), có lúc giảm xuống còn 1% (đầu năm 2003) và đây là mức thấp nhất trong vòng 46 năm.

Đến tháng 12-2004, sau năm lần tăng giá, mức này đã tăng lên lại 2,25%. Trước nay, vào các dịp như vậy hầu như tất cả báo đài ở ta đều đưa tin “Mỹ điều chỉnh lãi suất cơ bản”. Thật ra đấy không phải là lãi suất cơ bản mà là lãi suất chiết khấu (của Ngân hàng Trung ương), có nguyên ngữ là discount rate. Để không bị lạc trong các bối cảnh tài chính liên lập, việc hiểu và diễn đạt cho đúng thuật ngữ là rất quan trọng. Nhưng để dễ theo dõi, ta hãy xem Fed là ai và có vai trò gì vậy…

“Federal Reserve System is the central bank, headed by Federal Reserve Board. This independent bank influences the supply of money and credit in the United States through its control of bank reserves.” Nhiệm vụ điều tiết cung tiền tệ và tín dụng của Fed, như đoạn văn tiếng Anh vừa diễn đạt, gồm ba hoạt động hay biện pháp sau:

(1) Open market operations: đây là hoạt động dùng tiền của Fed để mua và bán trái phiếu chính phủ (Treasury bonds) đang trôi nổi trên thị trường.

(2) Reserve requirement: biện pháp dự trữ bắt buộc. Yêu cầu về bách phân dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng thành viên phải tuân thủ trong từng thời kỳ.

(3) Discount rate: biện pháp ấn định suất chiết khấu để cho các ngân hàng thành viên (member banks) vay tại các ngân hàng của Fed (Federal Reserve banks).

Với ba hoạt động này thiết nghĩ ta đừng lo Fed hết đạn! Riêng công cụ thứ ba trên đây Fed sẽ làm gì? Họ sẽ “lowering the discount rate” trong chiến lược nới lỏng tiền tệ (expansionary policy). Hoặc ngược lại, sẽ “raising the discount rate” khi cần thu hẹp (contractionary policy) lượng tiền tệ đang lưu thông trong nền kinh tế.

Như vậy, nếu có thông tin “Fed lowers the discount rate…” thì đó chính là một cách khuyến khích xài tiền rất vĩ mô, vì lúc đó tiền trở nên “rẻ” hơn. Discount rate sẽ tác động trực tiếp lên các lãi suất thị trường (interest rates) khác, đặc biệt là lãi suất cơ bản (prime rate). Và chính prime rate (luôn cao hơn discount rate) mới là lãi suất tham khảo quan trọng để các ngân hàng thương mại (tức member banks) cho các thân chủ (clients) của mình vay.

Discount rate là lãi suất có tính dẫn đạo, là phương tiện điều tiết vĩ mô trong một nền kinh tế. Trong khi ở Mỹ lãi suất này do Fed chỉ đạo thì ở châu Âu là ECB, và ở Anh là Bank of England (với tên gọi tương đương là Minimum Lending Rate – MLR).

Thay vì quen gọi là lãi suất cơ bản (gây lẫn lộn với prime rate hay base rate) ta có thể gọi loại lãi suất này là lãi suất chủ đạo hay lãi suất điều tiết.

Cũng đừng nhầm lẫn discount rate với Federal funds rate, vì Federal funds rate là loại lãi suất qua đêm cực kỳ biến động trong dãy lãi suất thị trường (interest rates).

(*) Chuyên gia tài chính-chứng khoán, tác giả sách "Tài chính chứng khoán qua nhịp cầu Anh-Việt" do NXB Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Trung tâm kinh tế châu Á-Thái Bình dương hợp tác xuất bản.

Đây là bài thứ hai trong loạt bài "Tài chính chứng khoán qua nhịp cầu Anh-Việt" đăng trong mục "Học tiếng Anh và thường thức kinh tế" mỗi tuần 2 bài vào thứ Ba và thứ Sáu. Đường dẫn tới các bài trước được đăng trong mục Tin bài khác bên dưới. Mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới