Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fintech Việt trong dòng vốn tỉ đô la và viễn cảnh ‘chung nhà’ với ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fintech Việt trong dòng vốn tỉ đô la và viễn cảnh ‘chung nhà’ với ngân hàng

Chánh Trung

(TBTKSG Online) – Bất chấp những ảnh hưởng, khó khăn từ dịch Covid-19, 2020 lại là năm mà các công ty công nghệ tài chính (Fintech) Việt Nam ghi những dấu ấn nổi bật trên thị trường. Các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực này đã tăng từ 44 công ty trong năm 2017 lên 123 trong năm 2020.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bất ngờ tăng cao tạo cơ hội cho các dịch vụ ví điện tử, dịch vụ ngân hàng số bứt phá trên thị trường tài chính. Các Fintech đã thu hút hàng tỉ đô la với đầu tư, số doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech tăng vọt, các Fintech và ngân hàng, tổ chức tài chính bắt tay hợp tác, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập đình đám diễn ra… là những điểm nhấn ấn tượng.

Fintech Việt trong dòng vốn tỉ đô la và viễn cảnh 'chung nhà' với ngân hàng
Trong năm 2020 các hoạt động trong lĩnh vực Fintech diễn ra khá sôi nổi. Ảnh minh họa: Chánh Trung

Hàng tỉ đô la đầu tư vào Fintech

Trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 hoạt động thanh toán điện tử ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể cho thấy thói quen dùng tiền mặt của người dân đang dần thay đổi.

Tính đến tháng 10-2020, Việt Nam có 39 đơn vị được cấp giấy phép làm dịch vụ trung gian thanh toán với 5 ví điện tử có thị phần lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay.

Trong năm 2020 mức tăng trưởng mạnh nhất thuộc về các khởi nghiệp hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) và tiền điện tử, blockchain. Hai mảng này ghi nhận số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ 5 công ty trong năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8-2020, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỉ đồng, tăng tương ứng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 981% và 794% so với cùng kỳ năm 2016.

Báo cáo về Fintech Việt Nam 2020 do FintechNews.sg (Singapore) công bố cuối năm 2020 cho biết trong giai đoạn từ 2017 tới 2020, số lượng các startup Fintech tại Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt về số lượng, từ 44 công ty trong năm 2017 đã tăng gấp ba lần lên 123 trong năm 2020. Trong đó, mảng Fintech thanh toán chiếm đến 31% các startup.

Theo tạp chí Forbes, năm 2020 cũng chứng kiến thị trường Fintech Việt Nam nhận được những khoản đầu tư kỷ lục khi thu hút được tổng cộng khoảng 7,8 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư. Trong khi trước đó trong 9 tháng đầu năm 2019, các Fintech Việt Nam chỉ nhận được 410 triệu đô la vốn đầu tư.

Từ năm 2019 nhiều khoản đầu tư lớn vào các Fintech tại Việt Nam đã được công bố và đến năm 2020 những thương vụ đầu tư này đã hoàn tất với những con số ấn tượng.

Theo đó VNPay phá kỷ lục với mức nhận đầu tư lên đến 300 triệu đô la Mỹ từ SoftBank's Vision Fund và GIC. Fvndit nhận 30 triệu đô la đầu tư vào lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P). Kim An Group bắt đầu nhận các khoản đầu từ trong vòng gọi vốn Series A từ Patamar Capital, Viet Capital Ventures, East Ventures. Utop trước đó cũng nhận 3 triệu đô la đầu tư từ FPT và SBI Holdings. Momo nhận đầu tư 100 triệu đô trong vòng gọi vốn Series C. Finhay nhận đầu tư 7 chữ số từ Unicorn của Mỹ và công ty chứng khoán Thiên Việt. Còn Axie Infinity nhận 1,5 triệu đô la từ Pangea Blockchain Fund, Hashed, ConsenSys và 500 Startups. Interloan nhận 500.000 đô la đầu tư từ Phoenix Holdings, theo báo cáo của FintechNews.sg.

Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử 2020 lên đến 8,9 tỉ đô la, tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng người dùng cũng đã tăng trưởng lên đến 36,2 triệu, tăng 12,1% so với năm ngoái, theo thống kê của TopDev.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc của Timo Plus, cho biết: “So với thế giới, thị trường ngân hàng số Fintech tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam với dân số đông và lực lượng lao động trẻ năng động chính là một điểm cộng thuận lợi. Thế hệ trẻ Millennials và Gen Z là những người có tinh thần phóng khoáng, sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới và yêu thích những công nghệ mang tính đột phá và hiện đại. Tôi cho rằng đây chính là bệ phóng thích hợp và thời điểm vàng để ngành công nghệ tài chính nói chung và ngân hàng số Fintech tiếp tục phát triển, thu hút và mở rộng tập khách hàng”.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech xuất hiện ngày càng nhiều theo Báo cáo về Fintech Việt Nam 2020 do FintechNews.sg (Singapore) công bố. Ảnh: Chánh Trung

Những cú “bắt tay” tài chính giá trị

Nếu như thời gian trước đây các khởi nghiệp Fintech trong nước vẫn đi theo mô hình B2C thì trong năm 2020 các Fintech đã bắt đầu đi theo mô hình B2B vốn phổ biến ở nước ngoài. Với mô hình này các ngân hàng sẽ đối tác quan trọng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech phát triển. Năm 2020 đã chứng kiến các ngân hàng đua nhau bắt tay với các khởi nghiệp lĩnh vực Fintech.

VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network (Anh), CIMB Bank Vietnam hợp tác cùng Toss (Hàn Quốc), VPBank hợp tác cùng BE Group (Thụy Điển), OCB hợp tác cùng Ripple Net (Mỹ), và TPBank hợp tác cùng Backbase (Hà Lan). Còn ứng dụng Timo thì liên kết với Viet Capital Bank (Bản Việt) để cho ra đời ngân hàng số Timo Plus. Nổi bật nhất là thương vụ hợp tác giữa ngân hàng Shinhan Financial Group bắt tay cùng Grab để phát triển các ứng dụng thanh toán mới.

Không những nhận được những khoản đầu tư lớn, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập cũng làm thị trường Fintech “nóng” hơn bao giờ hết. Trong hai năm liên tiếp 2019 – 2020, Grab đã mua lại cổ phần của công ty khởi nghiệp thanh toán di động Việt Nam Moca; VinID mua lại công ty thanh toán People Care (ví MonPay); Vimo Technology JSC và mPOS Technology JSC hợp nhất trở thành NextPay Holdings. Ant Financial mua lại một lượng cổ phần đáng kể trong ví điện tử eMonkey được tích hợp vào nền tảng của Lazada. Còn Gojek cũng đã thâu tóm ví điện tử WePay của VCCorp trong khi đó Grab bắt tay cùng Lazada trong thanh toán điện tử.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc của Ngân hàng Bản Việt, cho biết: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng bởi bối cảnh xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ làm dịch chuyển thói quen người tiêu dùng. Chúng tôi cũng không nằm ngoài xu thế này. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đẩy nhanh việc mở rộng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các công ty Fintech để từ đó tạo nên những trải nghiệm mới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống”.

 

Các ví điện tử liên tục nhận được các khoản đầu tư lớn trong năm 2020. Ảnh minh họa: Chánh Trung

2021: Thử nghiệm Sandbox tạo đòn bẩy cho Fintech tăng tốc

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox – cơ chế thử nghiệm được thiết lập bởi các cơ quan quản lý, trong đó cho phép các công ty khởi nghiệp và các tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các dịch vụ trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý) hoạt động công nghệ tài chính Fintech.

Trong Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực Fintech, hiện có 7 lĩnh vực được NHNN chuẩn bị Sandbox gồm: thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P) hay cho vay online, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử (eKYC), giao diện lập trình ứng dụng mở, ứng dụng Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).

Theo đó trong năm 2021, NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động Fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng.

Các doanh nghiệp, chuyên gia đều mong muốn cơ quan quản lý sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech. Việc này nhằm phục vụ chuyển đổi số, tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của Fintech trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tài chính số VNPT (VNPT-FinTech), khi tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng, mật độ dân số tại các đô thị rất cao dẫn đến việc các đô thị phải xử lý các dòng tiền lớn như các khoản tiền phạt, các loại phí, lệ phí, thuế, các loại bảo hiểm… Điều này làm cho hệ thống thanh toán trở thành mục tiêu quan trọng và cấp thiết để số hóa.

Ông Marek Forysiak, Chủ tịch ví điện tử SmartPay, chia sẻ trong 10 năm qua, nền tài chính của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng chỉ khoảng 7-8 triệu người thực sự hưởng lợi từ sự phát triển này. Trong 10-20 năm tới, các tiện ích tài chính như Fintech tại Việt Nam phải phủ rộng toàn xã hội. Các Fintech cũng mong muốn được tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhằm phục vụ người dùng tốt hơn và hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển”.

5 công ty Việt Nam vào Top 101 công ty Fintech có tốc độ tăng trưởng tốt nhất

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM – IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay, 22 công ty làm về Blockchain, Crypto và Remittance… Trong năm 2020, theo báo cáo của IDC Financial Insights về lĩnh vực Fintech ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có 5 đại diện trong nhóm Fintech Fast 101 (101 công ty Fintech có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2020), gồm Payoo, Moca, Momo, Tima và ZaloPay. Bốn trong số năm công ty này sở hữu ví điện tử, trong đó Moca, Momo và ZaloPay chiếm tới hơn 90% thị phần ví điện tử tại thị trường Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới