Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fitch: Xếp hạng tín nhiệm VN tăng, nợ công chẳng giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fitch: Xếp hạng tín nhiệm VN tăng, nợ công chẳng giảm

Đức Tâm

Fitch: Xếp hạng tín nhiệm VN tăng, nợ công chẳng giảm
Cán cân thanh toán của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB-.

Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia, xếp hạng phát hành trái phiếu không đảm bảo bằng nội tệ và ngoại tệ cũng được tăng một bậc, lên mức BB-. Triển vọng nền kinh tế cũng được chuyển thành mức "ổn định". Trong khi đó, xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ ngắn hạn được giữ nguyên ở B.

Fitch cho rằng Việt Nam đã có bước tiến trong ổn định kinh tế vĩ mô với tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức khả quan trung bình khoảng 5,6% trong 3 năm so với mức trung bình 3,7% của hạng ‘BB’. Lạm phát tính đến tháng 10/2014 là 3,2%, giảm so với mức trung bình 6,6% năm 2013.

Bên cạnh đó, cán cân thanh toán được cải thiện từ mức thâm hụt 3,7% năm 2010 lên mức thặng dư được dự báo đạt khoảng 4,1% năm 2014. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) duy trì ổn định với mức trung bình 4,5% so với GDP giai đoạn 2011-2013 đã đóng góp vào thặng dư cán cân thanh toán và tăng lượng tích lũy dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài ròng (net external debt) chiếm 14% GDP, thấp hơn một chút so với mức trung bình khoảng 16% của các quốc gia xếp loại ‘BB’ khác.

Mặc dù xếp hạng tín nhiệm được tăng một bậc nhưng Fitch vẫn đánh giá nợ công của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

Theo tính toán của Fitch, thâm hụt tài khóa thường xuyên và bội chi sẽ khiến nợ Chính phủ tăng lên 44% GDP năm nay. "Các chính sách tài chính gần đây, như giảm thuế doanh nghiệp, có thể khiến vấn đề nợ thêm trầm trọng. Mặc dù nhà nước đã đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách cho đến năm 2020 và khống chế tỷ lệ nợ trên GDP dưới mức trần là 65% nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn chưa có khung chính sách tài chính trong trung hạn.", theo đánh giá của Fitch.

Quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng chưa thuyết phục. Tổng dư nợ các doanh nghiệp này hiện ở mức cao, tương đương 42% GDP. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước, trong đó nhà nước vẫn giữ hơn 50% cổ phần khiến cho Fitch nghi ngờ về tính hiệu quả trong những thay đổi cách thức quản trị công ty. 

Bên cạnh đó, mức vốn chủ sở hữu ngân hàng cũng được đánh giá khá mỏng. Các nhà băng Việt Nam báo cáo tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 4,2%; trong khi con số này được cho rằng cao hơn, ít nhất từ 9% (theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đến 15% (theo Fitch). Nếu tỷ lệ nợ xấu lên đến 15% như Fitch ước tính thì vốn chủ sở hữu thật sự của các ngân hàng chỉ còn 10 tỉ đô la Mỹ thay vì 32 tỉ đô la Mỹ như tính toán hiện nay.

Thang điểm mà Fitch dùng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn gồm 20 bậc, trong đó mức tín dụng cao nhất ở vị trí số 1 tương ứng với AAA, mức tệ nhất là D, ở vị trí số 20.

B+ (thuộc nhóm B, gồm B-, B và B+) đứng vị trí số 14 và BB- (thuộc nhóm BB, gồm BB-, BB và BB+) ở vị trí số 13.

Theo định nghĩa của Fitch, mức B tương ứng với có rủi ro thanh toán vẫn có nhưng ở mức an toàn; các cam kết tài chính vẫn được thực hiện. Tuy nhiên khả năng trả nợ liên tục có thể bị ảnh hưởng khi môi trường kinh doanh xấu đi. Mức BB thì các cam kết tài chính được hỗ trợ thực hiện tốt hơn. 

Fitch là một trong ba công ty đánh giá tín dụng lớn nhất thế giới hiện nay. Hai công ty còn lại là Standard & Poor's (S&P) và Moody's.

Xem thêm:

Chính phủ lên tiếng về nợ công, nợ xấu

Trả nợ công

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới