Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế 25.380 tỉ đồng tính tới hết năm 2019

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế 25.380 tỉ đồng tính tới hết năm 2019

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Số lỗ 11.500 tỉ đồng trong năm 2019 đã góp phần nâng số lỗ lũy kế của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh – PV) lên mức 25.380 tỉ đồng, theo Bộ Tài chính.

Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế 25.380 tỉ đồng tính tới hết năm 2019
Một góc dây chuyền sản xuất thép tại Formosa Hà Tĩnh. (Ảnh: DNCC).

Các 'ông lớn' lĩnh vực sắt, thép loay hoay với các khoản nợ

Kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Bộ Tài chính thực hiện cho thấy, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỉ đồng trong năm 2019, tăng 11,7% so với năm 2018. Nhưng doanh nghiệp này lỗ hơn 11.500 tỉ đồng trong cùng năm, cao hơn 4,2 lần năm 2018.

Lỗ luỹ kế của Formosa Hà Tĩnh là 25.380 tỉ đồng tính tới hết năm 2019.

Đáng chú ý, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp khoảng 25.466 tỉ đồng, khiến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời chỉ ở mức 0,6 lần.

“Điều này cho thấy công ty đang sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn”, Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu của Formosa Hà Tĩnh và Công ty cổ phần thép Poso Yamoto Vina tăng từ 77.456 tỉ đồng lên 82.741 tỉ đồng, dù hai năm liền tình hình tài chính chịu tác động từ xu hướng giảm giá sắt, thép trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, số nộp ngân sách của hai doanh nghiệp giảm từ 101 tỉ đồng xuống 92,6 tỉ đồng cũng cho thấy đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Cũng theo cơ quan này, giá trị hàng tồn kho của Formosa Hà Tĩnh là 26.573 tỉ đồng tính tới cuối năm 2019 – chiếm tỷ trọng 68,26% tính trên trong tổng giá trị tài sản ngắn hạn, cùng việc nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn khiến hệ số thah toán nhanh của doanh nghiệp chỉ ở mức 0,19 lần.

Điều này khiến Bộ Tài chính cho rằng Formosa Hà Tĩnh đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ tới hạn.

Với Công ty cổ phần thép Poso Yamoto Vina ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Tài chính cho biết số lỗ là 2.780 tỉ đồng trong năm 2019, cao hơn gần 1.700 tỉ đồng so với mức lỗ năm 2018.

Số lỗ lũy kế của công ty Công ty cổ phần thép Poso Yamoto Vina là hơn 8.900 tỉ đồng.

Hệ số thanh toán hiện thời hệ số thanh toán nhanh của doanh nghiệp lần lượt là 0,71 và 0,56 – cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ tới hạn, theo Bộ Tài chính.

Hai doanh nghiệp thuộc Samsung báo lãi ‘khủng’

Bộ Tài chính cho biết, doanh thu của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) – hai doanh nghiệp lớn nhất trong 967 doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi quang học – chiếm 48% tổng doanh thu của toàn nhóm ngành.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) ghi nhận tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính ở mức 447.071 tỉ đồng, giảm nhẹ so với số thực thu năm 2018. Lợi nhuận trước và sau thuế thu nhập doanh nghiệp lần lượt ở mức 37.364 tỉ đồng và 35.029 tỉ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận chưa phân phối của SEV Bắc Ninh đã lên tới 205.424 tỉ đồng tính tới cuối năm 2019, chiếm tỷ trọng hơn 95% tính trên tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Với Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên), Năm 2019, tổng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của SEV Thái Nguyên đạt 657.613 tỉ, tăng 10% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của doanh nghiệp là 46.083 tỉ đồng.

Tương tự SEV Bắc Ninh, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SEV Thái Nguyên chiếm tỷ trọng hơn 95% tính trên tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, đạt mức 227.056 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2019 của hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Samsung lên tới hơn 1,104 triệu tỉ đồng. Lợi nhuận ròng sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 81.112 tỉ đồng.

Còn tổng lợi nhuận chưa phân phối của hai doanh nghiệp này trong năm 2019 khoảng 432.480 tỉ đồng – chiếm tỷ trọng 65% tính trên lợi nhuận chưa phân phối của nhóm ngành linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi quang học, theo thống kê của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của hai doanh nghiệp này đều ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, ROE của SEV Bắc Ninh và SEV Thái Nguyên lần lượt ở mức 16% và 20%, còn ROE của nhóm ngành này nếu không xét đến hai doanh nghiệp thuộc Samsun chỉ ở mức 15,5%.

Tương tự, ROA của SEV Bắc Ninh và SEV Thái Nguyên lần lượt ở mức 14% và 17%, còn ROA của nhóm ngành này nếu không xét đến hai doanh nghiệp thuộc Samsung chỉ ở mức 6%.

Tỷ suất sinh lời của Vĩnh Tân 1, AES Đông Dương cao hơn bình quân ngành

Trong lĩnh vực sản xuất, phân phối kinh doanh điện, Bộ Tài chính cho biết Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 đạt mức doanh thu hơn 15.200 tỉ đồng trong năm 2019, còn lợi nhuận trước thuế là trên 3.600 tỉ đồng.

Với Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương, doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp là 13.745 tỉ đồng. Còn lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 1.917 tỉ đồng và 1.915 tỉ đồng.

Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của AES Mông Dương là 1,13 lần, còn hệ số khả năng thanh toán nhanh là 0,91 lần – ở dưới ngưỡng hợp lý – cho thấy doanh nghiệp có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ, theo Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đánh giá tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hai doanh nghiệp này là tốt nhờ khả năng sinh lời cao hơn so với số liệu bình quân chung của nhóm ngành “sản xuất, phân phối, kinh doanh điện”.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới