Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

FWD bành trướng thị trường bảo hiểm Đông Nam Á bằng M&A

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

FWD bành trướng thị trường bảo hiểm Đông Nam Á bằng M&A

Việt Dũng

(TBKTSG Online) – Thông tin tập đoàn FWD sắp đạt thỏa thuận mua Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif thuộc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với giá khoảng 400 triệu đô la Mỹ gây chú ý trên thị trường tài chính. Nhìn lại hoạt động gần đây, có thể thấy doanh nghiệp này đang từng bước xâm chiếm thị trường bảo hiểm Đông Nam Á bằng những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giá trị lớn.

FWD bành trướng thị trường bảo hiểm Đông Nam Á bằng M&A
FWD sắp đạt thỏa thuận mua Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif thuộc Vietcombank

Mới đây, theo thông tin trên Bloomberg, Tập đoàn FWD sắp hoàn thành thỏa thuận thanh toán khoảng 400 triệu đô la cho một đơn vị của Vietcombank, cùng một thỏa thuận phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng. Theo hãng tin này, FWD đã trả giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác, trong đó có Prudential.

Trong một thỏa thuận bancassurance (cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và ngân hàng thông qua một kênh phân phối chung cùng một cơ sở khách hàng), công ty bảo hiểm thường thanh toán một khoản trả trước để có thể độc quyền bán sản phẩm tại các chi nhánh của ngân hàng đối tác. Là một phần của thỏa thuận, FWD sẽ mua lại công ty Vietcombank Cardif Life Insurance, thuộc sở hữu của Vietcombank và đơn vị bảo hiểm nhân thọ Cardif của BNP Paribas SA.

Đây là một phương án mở rộng kinh doanh phổ biến ở Đông Nam Á, một khu vực chủ yếu tập trung các nền kinh tế đang phát triển với dân số trẻ.

 FWD là doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century Group (PCG) có trụ sở tại Hồng Kông được thành lập bởi ông Richard Li, con trai út của tỉ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hồng Kông. Trong khi đó chi nhánh ở Việt Nam đang được điều hành bởi CEO nổi tiếng trong giới bảo hiểm Huỳnh Thanh Phong. 

Được biết, tập đoàn này bước chân vào lĩnh vực bảo hiểm vào năm 2013 bằng cách mua lại doanh nghiệp bảo hiểm của Tập đoàn ING tại Hồng Kông, Macao và Thái Lan với giá 2,1 tỉ đô la. Sau đó, doanh nghiệp này mở rộng thị phần sang các thị trường châu Á khác với sự hiện diện trên 9 quốc gia với tổng tài sản 30 tỉ đô la.

Chỉ trong 2 năm gần đây, chiến lược thâm nhập vào các thị trường đang phát triển được tập đoàn này đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Thị trường Đông Nam Á đang được chú trọng với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn còn thấp, có nhiều cơ hội để phát triển.Theo thống kê, ông lớn bảo hiểm này đã chi hơn 6 tỉ đô la cho 6 giao dịch mua lại trong 6 năm qua nhằm mở rộng dấu ấn tại khu vực châu Á.

Phương thức chủ yếu cho các thương vụ này là trở thành đối tác bancassurance với các ngân hàng nội địa. Hiện nay tập đoàn này là đối tác của nhiều ngân hàng lớn tại Đông Nam Á như ecurity Bank Corporation (Philippines), HSBC (Malaysia), Commonwealth of Australia (Indonesia)…

Vào tháng 7 vừa qua, FWD gây tiếng vang khi thực hiện thương vụ mua lại có giá trị lớn nhất ngành bảo hiểm Đông Nam Á. Tập đoàn này chi  92,7 tỉ baht (tương đương 3 tỉ đô la) để mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ SCB Life Assurance của Siam Commercial Bank (SCB), ngân hàng có tài sản lớn nhất Thái Lan, sau gần 4 tháng đàm phán.

Đối với thị trường Việt Nam, FWD chính thức gia nhập vào thị trường bảo hiểm Việt Nam vào năm 2016 sau khi mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam và đổi tên thành Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam. Sau đó, FWD đã nhanh chóng kí kết hợp tác triển khai mô hình bancassurance với hai ngân hàng là ABBank và Nam A Bank. Và gần đây nhất là thỏa thuận mua lại Vietcombank-Cardif nói trên.

Tập đoàn FWD bắt đầu gây dấu ấn khi thể hiện tham vọng lớn của mình trở thành đối tác cạnh tranh trong thương vụ giành quyền phân phối độc quyền bảo hiểm qua mạng lưới Vietcombank.

Thương vụ đang trong quá trình đàm phán và chưa có kết quả cuối cùng, tuy nhiên theo những thông tin được rò rỉ mới nhất thì với tiềm lực tài chính từ Tập đoàn PCG và kinh nghiệm nhiều vụ M&A lớn tại thị trường châu Á, FWD là công ty có nhiều ưu thế cạnh tranh với các đối thủ khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới