Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

G20 đạt thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu, ai được hưởng lợi?

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua thỏa thuận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% tại hội nghị thượng đỉnh Rome. Các nhà phân tích nói đây là điểm sáng của hệ thống thuế khóa quốc tế mới nhằm thu hẹp sức ảnh hưởng của các thiên đường thuế và cả lợi nhuận khổng lồ của một vài tập đoàn đa quốc gia. Nhưng việc thực thi biểu thuế mới này sẽ cần thời gian và không phải ai cũng có phần từ cái bánh khổng lồ được chia lại.

Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh cùng các nhân viên y tế tại trung tâm hội nghị La Nuvola tại Rome hôm 30-10. Hội nghị thượng đỉnh hai ngày lần này là cuộc gặp mặt đầu tiên của G20 kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2020. Ảnh: AP

Ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia giấu bớt lợi nhuận

Hồi tháng 7, các bộ trưởng tài chính G20 đã đồng ý khung thuế tối thiểu 15% và phải chờ sự chuẩn thuận chính thức tại hội nghị thượng đỉnh Rome hôm 30-10.

Riêng Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã ca ngợi bước đi của G20 là “mang lại lợi ích cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ”. Trong một thông cáo trước hội nghị Rome, bà Yellen nói rằng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu “sẽ chấm dứt cuộc đua tới đáy vô cùng nguy hiểm đối với thuế doanh nghiệp”.

Theo AP, mức thuế này không đúng như lời kêu gọi 21% của Tổng thống Joe Biden. Tuy vậy, ông Biden đã nói rằng ông hài lòng.

“Ngay tại G20, lãnh đạo của các nền kinh tế chiếm 80% GDP thế giới, dù rằng đồng minh hay đối thủ – đã tỏ rõ sự ủng hộ của họ đối với mức thuế tối thiểu cao trên toàn cầu. Điều này vượt hẳn một thỏa thuận về thuế. Đó là chính sách ngoại giao nhằm định hình lại kinh tế toàn cầu và phục vụ người dân”, Tổng thống Biden viết trên Twitter cá nhân.

Ngày nay, các công ty đa quốc gia có thể kiếm lợi nhuận lớn từ thương hiệu hay quyền sở hữu trí tuệ, và rồi chuyển lợi nhuận này cho một công ty con ở thiên đường thuế. Thỏa thuận này sẽ ngăn trở các tập đoàn đa quốc gia giấu bớt lợi nhuận ở các nước mà các tập đoàn chỉ trả rất ít hoặc không phải trả thuế.

Phát biểu với báo chí ngay khi hội nghị đang diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng “đây là dấu hiệu rõ nhất về công lý trong thời đại số hóa”. Từ trụ sở của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ở Paris, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh rằng: “Thỏa thuận Rome sẽ giúp các hệ thống thuế khóa quốc tế công bằng hơn và hoạt động tốt hơn trong nền kinh tế số hóa và toàn cầu hóa. Mức thuế tối thiểu sẽ xóa bỏ các nỗ lực của các doanh nghiệp trên thế giới tái cấu trúc hoạt động của họ nhằm chỉ trốn thuế”.

Ai sẽ hưởng lợi?

Thỏa thuận thuế Rome có hai mục đích chính. Một là, đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% lên doanh thu của các công ty lớn và sẽ tăng thêm doanh thu thuế cho phần lớn các nước tham gia. Hai là, thỏa thuận mới sẽ giúp đưa doanh thu thuế về nơi các công ty bán hàng, thay vì nơi doanh nghiệp đặt trụ sở như trước đây.

Các nhà lãnh đạo G20 được kỳ vọng sẽ chính thức khẳng định cam kết vào năm 2023. Tuy vậy, thỏa thuận Rome đã đến sớm hơn ít nhất là 15 tháng. Trước đó, nhóm G7 cũng đã thông qua thỏa thuận mức thuế tối thiểu 15% hồi tháng 6.

Nhưng đây lại là kết quả của quá trình đàm phán toàn cầu kéo dài hơn 30 năm qua do OECD làm trung gian điều phối. Có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đàm phán. Hồi đầu tháng 10, 136 nước và lãnh thổ khẳng định đồng ý tham gia, bốn nước bỏ phiếu trắng là Pakistan, Sri Lanka, Kenya và Nigeria. Theo OECD, các nước đang kỳ vọng sẽ đưa thỏa thuận đột phá này thành một công ước được ký kết vào năm 2022 và có hiệu lực vào năm 2023.

Mức thuế tối thiểu 15% sẽ giúp “tạo thêm mỗi năm 150 tỉ đô la tiền thuế thu trên toàn cầu, trong đó có 125 tỉ đô la từ khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất, có lợi nhuận nhiều nhất thế giới đang hoạt động ở các nước hiện có mức thuế thấp hơp 15%” – thông cáo của OECD đầu tháng 10 nêu rõ. Mức thuế tối thiểu này sẽ áp dụng đối với các công ty có doanh thu hợp nhất hàng năm từ 750 triệu euro, khoảng 867 triệu đô la.

Từ G7 đến nhóm 136 nước do OECD điều phối và nay là G20, có nghĩa là thế giới đã đạt được sự đồng thuận ở mức rất cao. Tuy vậy, giới quan sát nhận định các nước giàu sẽ là bên hưởng lợi chính của thỏa thuận mới.

Wall Street Journal phân tích rằng doanh thu thuế Mỹ sẽ nhận được thêm số bội thu từ thỏa thuận thuế gấp 15 lần so với số tăng thêm của Trung Quốc. Một báo cáo khác ước tính tổng doanh thu thuế bổ sung của 52 quốc gia đang phát triển từ hệ thống thuế mới ở khoảng 1,5-2 tỉ đô mỗi năm. Đây chỉ là một phần nhỏ so với lợi ích các nước giàu gặt hái được, bởi số này chỉ khoảng 1% mà OECD ước đoán.

Việc thực thi biểu thuế doanh nghiệp mới đòi hỏi các nước tham gia ban hành các quy định mới. Ngay cả đối với Mỹ, chuyện này cũng là một thách thức đối với nội các của Tổng thống Biden.

Các thành viên Đảng Cộng hòa đã cảnh báo dự luật nhằm thực tế hóa thỏa thuận trên sẽ cần 2/3 Thượng viện chấp nhận. Điều đó có nghĩa là ít nhất 17 đảng viên Cộng hòa sẽ phải ủng hộ những dự luật này. Chính quyền Biden có thể gặp trở ngại lớn để nhận được những phiếu bầu đó.

Tổ chức từ thiện Oxfam hoài nghi về mốc thời gian thực thi là năm 2023 do các công ước khác thường mất nhiều thời gian để ký kết, phê chuẩn. Cũng theo Oxfam, có nhiều ngoại lệ trong thỏa thuận khiến nó khó có thể đem lại lợi ích ngay lập tức.

Chẳng hạn Hungary được hưởng “giai đoạn chuyển tiếp” cho phép nước này duy trì mức thuế 9% trong 10 năm trước khi chuyển sang mức 15%. Mức thuế của Hungary thậm chí còn thấp hơn thuế suất 12,5% của Ireland – nơi vốn được coi là thiên đường thuế cho các hãng công nghệ.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 30 và 31-10 tại Rome, Ý. Ngoài biểu thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, G20 đã thảo luận về hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển thông qua chương trình Covax, cam kết thêm 100 tỉ đô la để giảm nợ hay xóa nợ cho các nước nghèo, và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Phần lớn các nhà lãnh đạo G20 sẽ tiếp tục hội nghị khí hậu toàn cầu COP26 do Liên hiệp quốc chủ trì tại Glasglow, Scotland khai mạc ngày hôm nay 31-10.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới