Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

G8 và những lời hứa nửa vời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

G8 và những lời hứa nửa vời

Chánh Tài

Các nhà hoạt động của tổ chức từ thiện Oxfam đóng giả các nguyên thủ quốc gia G8 để chỉ trích các nước G8 thất hứa trong các cam kết viện trợ. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Hội nghị G8 hàng năm tại thành phố Deauville (Pháp) với sự góp mặt của các nguyên thủ từ tám cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Nhật, Canada và Nga vừa “kết thúc thành công” theo như đánh giá của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 27-5.

>>> G8 cam kết hỗ trợ 20 tỉ đô la Mỹ cho Tunisia và Ai Cập

Mặc dù hội nghị G20 là diễn đàn rộng lớn có tiếng nói hơn G8 trong các vấn đề về môi trường và kinh tế nhưng G8 vẫn là diễn đàn quan trọng về các vấn đề an ninh và địa chính trị trên thế giới.

Một điều không thể thiếu trong các cuộc họp G8 hàng năm là những cam kết viện trợ phát triển và cải cách kinh tế, chính trị cho các nước nghèo, kém phát triển. Năm nay, tâm điểm thảo luận của G8 là những thay đổi lịch sử về chính trị và dân chủ đã và đang diễn ra tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G8 đã cam kết hỗ trợ cho Ai Cập và Tunisia 20 tỉ đô la Mỹ để thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ.

Hứa dễ, thực hiện khó

Tuy nhiên, tờ Financial Times (Anh) chỉ ra viện trợ của G8 dành cho các nền dân chủ mới tại Trung Đông và Bắc Phi có thể bị tác động mạnh bởi những chính sách thắt lưng buộc bụng mà các nền kinh tế lớn đang thực hiện. G8 cam kết hỗ trợ 20 tỉ đô la Mỹ cho Ai Cập và Tunisia nhưng việc giải ngân phải căn cứ trên những tiến bộ dân chủ tại các nước này. Sự tiến bộ trên rất khó xác định và có thể thấy cam kết viện trợ chẳng qua là chính sách cây gậy và củ cà rốt, buộc chính phủ các khu vực trên phải đi theo mẫu mực bầu cử theo kiểu dân chủ phương Tây và loại bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nếu muốn nhận tiền viện trợ.

Nhưng điều oái ăm là các nước G8 chưa chắc đã có tiền để thực hiện lời hứa vì quốc hội các nước này có thể bác bỏ các khoản viện trợ. Chẳng hạn tại Mỹ, cuộc vận động thắt lưng buộc bụng, dè xẻn chi tiêu đã khiến các khoản ngân sách khổng lồ dành cho chương trình bảo hiểm y tế dành cho người nghèo (Mediaid) và quốc phòng bị nhiều nghị sĩ chỉ trích mạnh mẽ. Do vậy, thật khó để các nghị sĩ này đồng ý viên trợ tài chính cho những vấn đề ở ngoài nước.

Nước Mỹ từ lâu có chính sách ủng hộ cho các nền dân chủ nước ngoài thông qua viện trợ tài chính, hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật, vũ khí, xuất khẩu nông nghiệp…Tuy nhiên, với gánh nặng thâm hụt ngân sách, Mỹ không thể chi tiêu như kế hoạch đặt ra, chí ít là trong những cam kết viện trợ cho nước ngoài, dù đó là viện trợ vì lợi ích chiến lược quốc gia của Mỹ.

G8 vẫn còn “nợ” 19 tỉ đô la Mỹ

Hội nghị G8 cũng thừa nhận đến nay, các nước G8 vẫn còn “nợ” 19 tỉ đô la Mỹ trong các cam kết viện trợ đã đưa ra trong các hội nghị trước đây.

Hội nghị G8 năm 2005 tại Scotland hứa tăng viện trợ phát triển cho các nước nghèo lên 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010, một nửa trong số này sẽ dành cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ và phát triển chẳng hạn như Oxfam chỉ trích đến nay G8 vẫn còn “thiếu nợ” vì vẫn chưa thực hiện trọn vẹn lời hứa. Các nước châu Phi mới chỉ nhận được 11 tỉ đô la Mỹ trong số 25 tỉ đô la Mỹ theo cam kết viện trợ của G8.

Các tổ chức phi chính phủ xem đây là điều thất vọng và không thể chấp nhận được. Họ cảnh báo G8 có nguy cơ mất đi sự tín nhiệm.

Vấn đề “thất hứa” trong các cam kết viện trợ khiến Thủ tướng Anh David Cameron nóng mặt và lên tiếng nhắc nhở các nước G8. Ông nói sau khi hội nghị G8 tại Deauville kết thúc: “Nước Anh luôn giữ lời hứa và tôi nghiêm túc kêu gọi các đồng nghiệp giữ lời hứa… Mọi người nghĩ tại các hội nghị thượng đỉnh này, một nhóm người mặc đồ vét, đưa ra những lời hứa giúp đỡ người nghèo, sau đó ăn uống ngon lành và quên phéng lời hứa. Tôi sẽ không như vậy”.

Đến nay, Anh là nước duy nhất trong khối G8 đáp ứng đủ khoản viện trợ như đã hứa tại hội nghị G8 ở Scotland năm 2005.

Ông Cameron đảm bảo vào năm 2013, Anh là nước đầu tiên trong khối G8 đạt mục tiêu chi cho viện trợ phát triển ở nước ngoài 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện nay, mức viện trợ phát triển của Anh đạt 0,56% GDP, cao nhất trong số các nước G8.

Các tổ chức phi chủ thất vọng với G8

Ông Adrian Lovett, Giám đốc phụ trách chiện dịch toàn cầu của Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children, nói: “Gói hỗ trợ của G8 dành cho Ai Cập và Tunisia là kịp thời nhưng G8 không nên xao nhãng các lời hứa hiện tại cho những người nghèo nhất thế giới”.

Ông Samuel A. Worthington, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Liên minh các tổ chức phi chính phủ tại Mỹ InterAction, cho biết với tình hình khủng hoảng ngân sách hiện nay tại Mỹ, phải mất thời rất lâu, chính phủ mới chi ra khoản viện trợ như đã cam kết. Ông e ngại các mục tiêu viện trợ mà G8 đặt ra sẽ không thực hiện được.

Ông Robert Zachritz, Giám đốc quan hệ chính phủ của tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) tại Mỹ, cho biết ông đánh giá mức độ tín nhiệm trong việc thực hiện các lời hứa của G8 ở mức B-.

Ông thất vọng về việc chính phủ Mỹ quá chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết chống đói nghèo toàn cầu. Chỉ có 5% trong tổng số tiền Mỹ cam kết để chống đói nghèo toàn cầu được giải ngân vào năm ngoái. Theo ông, điều này không thể chấp nhận vì tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Ý năm 2009, Mỹ là nước đưa ra và thúc đẩy thông qua sáng kiến An ninh lương thực toàn cầu L’Aquila, trong đó cam kết viện trợ 22 tỉ đô la Mỹ cho các nước nghèo phát triển nông nghiệp trong ba năm. Cho đến nay, hai năm đã trôi qua nhưng chỉ có 22% của tổng số cam kết được giải ngân và 26% khác đang được giải ngân.

(Theo DPA, Mirror, Prweb)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới