Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gà ngoại “đá” gà nội  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gà ngoại “đá” gà nội  

Chăn nuôi gà trong nước đang bị cạnh tranh bởi gà nhập khẩu-Ảnh: TƯ LIỆU

(TBKTSG Online) – Chân, đùi, cánh gà ngoại nhập đang tràn vào thị trường Việt Nam và “đá” gà nội nhờ lợi thế giá rẻ, lại gặp thời do gà nội trong nước mấy năm nay lận đận với cúm gia cầm nên giá cao, có lúc khan hiếm, giá thức ăn đầu vào thì cao hơn các nước trong khu vực những 20-30%.  

Lợi nhuận là lực hút  

Theo Trung tâm Thú y vùng tại TPHCM, phụ trách kiểm dịch động vật nhập khẩu từ Ninh Thuận tới Tiền Giang, trước năm 2005, thịt gà ngoại nhập gần như rất hiếm, lâu lâu mới có một container hàng gà đông lạnh nhập khẩu qua cảng TPHCM. Nhưng từ năm 2005 trở đi, khi giá gà trong nước tăng cao do dịch cúm gia cầm tàn phá đàn gà trong nước, gà nhập khẩu bắt đầu thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam.  

Khi đó, việc các doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà chỉ với lý do khá đơn giản là khan hiếm nguồn gà trong nước, cộng với tâm lý người tiêu dùng hoang mang vì lo ngại dịch cúm gia cầm nên họ yên tâm hơn với thịt gà đông lạnh, đóng gói, hút chân không nhập khẩu từ Mỹ hay Brazil. Bước sang đầu năm 2006, lượng gà nhập khẩu ở các tỉnh phía nam, thực chất chủ yếu qua cảng TPHCM và tiêu thụ ở thị trường TPHCM, chỉ khoảng 100 tấn mỗi tháng nhưng sau đó, từ tháng 9-2006 trở đi, lượng nhập khẩu bắt đầu tăng vọt, lên 400 tấn và đầu năm 2007, dao động 1.000-2.000 tấn.  

Thực ra người tiêu dùng Việt Nam vốn không thích ăn thịt gà đông lạnh, thậm chí cả gà nuôi công nghiệp vì thịt bở. Tuy nhiên khi bùng nổ cúm gia cầm cùng bệnh cúm ở người, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, đùi, cánh hay chân gà ngoại nhập được Trung tâm Thú y vùng tại TPHCM kiểm dịch đầu vào, Chi cục Thú y TPHCM kiểm soát đầu ra khi bày bán, nên người tiêu dùng yên tâm và chấp nhận, mà bằng chứng chính là sự tăng vọt sản lượng nhập khẩu như đã nói trên.  

Giá cả cũng là yếu tố song hành. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, nhà chăn nuôi và giết mổ gà quy mô lớn của thành phố, cho biết đùi, cánh gà ngoại nhập vào Việt Nam trung bình khoảng 1 đô la Mỹ/kg, cộng thuế nhập khẩu hiện nay đã giảm từ 20% xuống 12%, chi phí hải quan, kiểm dịch, thuế VAT nhập khẩu, giá thành sẽ khoảng 21.000-22.000 đồng/kg, trong khi đùi gà công nghiệp của Việt Nam có giá bán 28.000-30.000 đồng/kg. Giá ở đây xem như là giá sỉ, giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ cao hơn.  

Chính vì giá thành khi về tới Việt Nam thấp hơn gà trong nước nên mức lợi nhuận dành cho nhà nhập khẩu thịt gà khá cao, 20-30%, theo giới kinh doanh tiết lộ. Và đây mới chính là nguyên nhân chính để thịt gà nhập khẩu có cơ hội tràn vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước đua nhau nhập khẩu thịt gà và thời gian gần đây, sản lượng đã vọt lên 5.000-6.000 tấn/tháng, cao gấp hàng chục lần so với 3 năm trước.  

Phụ phẩm thành chính phẩm  

Ông Wichan Chumnanya, Giám đốc điều hành ngành kinh doanh thực phẩm của Công ty TNHH chăn nuôi C.P Việt Nam ở Đồng Nai, cho rằng sở dĩ thịt gà ngoại nhập có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam chẳng qua là do thị hiếu tiêu dùng khác nhau giữa người Mỹ, Brazil hay Aghentina với người châu Á, trong đó có Việt Nam.  

Với các nước xuất khẩu đùi gà, cánh gà như Mỹ chẳng hạn thì đùi và cánh gà là thứ có giá rẻ nhất trong một con gà, thậm chí họ còn xem đùi và cánh là phụ phẩm, còn hàng chính phẩm của con gà chính là ức gà, ngược lại với Việt Nam, ức gà thì quá rẻ nếu so với đùi hay cánh. “Thị hiếu trái ngược nhau mới chính là cơ hội cho thịt gà nhập ngoại”, ông Chumnanya khẳng định.

Vì đùi, cánh gà của họ là phụ phẩm nên giá rẻ, còn đùi, cánh gà của Việt Nam thì giá cao do thị hiếu ưa chuộng của người tiêu dùng, nên khi nhập về Việt Nam, giá đùi, cánh gà luôn thấp hơn hàng cùng loại trong nước.   Thậm chí chân gà không những là phụ phẩm, mà là phế phẩm trong quá trình giết mổ gà ở các nước phương Tây, nhưng với người Việt, chân gà chiên nước mắm, chân gà luộc, hấp cũng là món khoái khẩu.

Và cũng vì thị hiếu này mà các nhà xuất khẩu thịt gà nước ngoài khá bất ngờ khi thấy doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng nhập khẩu cả chân gà, thứ mà họ chỉ có vứt đi, giá rẻ như cho.  

Cơ hội cho người tiêu dùng hay thiệt hại cho nhà chăn nuôi?  

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, nhà chăn nuôi và giết mổ gà quy mô lớn của thành phố, cho biết trước kia, thịt gà nhập khẩu chỉ chiếm 3-5% thị phần thịt gà của thành phố thì không đáng quan ngại nhưng nay thì giới kinh doanh thịt gà bắt đầu phập phòng.  

Không phập phồng sao được khi bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 250 tấn thịt gà các loại mà hiện nay, gà nhập khẩu đã tung ra thị trường thành phố từ 50 tấn/ngày trước kia, nay đã lên hơn 100 tấn, các tỉnh ĐBSCL hay miền trung chỉ tiêu thụ vài tấn thì nay cả chục tấn/ngày.

Tác động dễ thấy nhất của thịt gà nhập khẩu là hơn hai tháng trước, giá gà lông (gà sống) hai tháng trước còn ở mức hơn 30.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 21.000-23.000 đồng/kg gà công nghiệp, sau khi các doanh nghiệp nhập khẩu gà ồ ạt để trữ cho mùa Tết.  

Với tư cách là đại diện cơ quan quản lý nhà nước ngành thương mại, ông Trương Trung Việt, Phó giám đốc Sở Thương mại TPHCM, cho rằng thịt gà nhập khẩu là cơ hội để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Ông cho biết, trên thị trường hiện nay, giá gà theo thứ tự cao nhất là gà ta, gà thả vườn Tam Hoàng, gà công nghiệp và cuối cùng là đùi, cánh gà nhập khẩu với những thị phần khác nhau làm phong phú thêm sự lựa chọn của bà nội trợ.  

“Gà ta, gà Tam Hoàng thì dành cho tầng lớp có thu nhập trung bình trở lên, còn đùi, cánh gà nhập khẩu thì có thị phần riêng, nhắm tới người tiêu dùng có thu nhập thấp, các bếp ăn công nghiệp, quán ăn bình dân”, ông nói. Ngoài ra, ông cũng thừa nhận chính gà nhập khẩu đã phần nào giúp bình ổn giá gà trên thị trường mỗi khi khan hiếm gà trong nước do dịch bệnh hay bão lũ tác động.  

Còn ông Văn Đức Mười, Phó tổng giám đốc Vissan, nhà chế biến thịt gia súc thì cho rằng, công ty của ông nhập khẩu thịt gà để phân phối trong hệ thống các cửa hàng, siêu thị mini của công ty, là để phong phú thêm mặt hàng cho lựa chọn của người tiêu dùng. Hệ thống phân phối thịt của Vissan hiện có bán gà trong nước của Phú An Sinh lẫn gà nhập khẩu.  

Ngay chính cả các công ty chăn nuôi và chế biến gà trong nước nổi tiếng lâu nay như Phú An Sinh hay Huỳnh Gia Huynh Đệ, cũng vừa giết mổ và bán gà trong nước, vừa kết hợp nhập khẩu đùi, cánh gà nhập khẩu với quan niệm phong phú mặt hàng và đáp ứng nhiều thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng.  

Ông Wichan Chumnanya thì nghĩ khác. “Nếu nhập khẩu thịt gà quá nhiều sẽ phá vỡ toàn bộ cấu trúc của ngành chăn nuôi gà quy mô lớn trong nước, từ trại nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi”, ông nói. Ông lấy trường hợp hiện nay giá thành chăn nuôi gà công nghiệp khoảng 23.000 đồng/kg nhưng giá bán sỉ trên thị trường đã dưới mức này, chỉ còn 21.000-22.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Việt cho biết việc Việt Nam giảm thuế nhập khẩu gà một phần nằm trong chương trình ưu đãi thuế quan với các nước Asean, một phần là các cam kết với Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới