Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gần 40% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gần 40% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải

Văn Nam

Gần 40% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải
Phát hiện hành vi xả thải chưa đạt yêu cầu của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (KCN Long Thành) – Ảnh: Nguồn từ C49.

(TBKTSG Online) – Tính đến tháng 6-2012, cả nước có 232 khu công nghiệp (KCN) hoạt động với tổng lượng nước thải hơn một triệu m3/ngày, tuy nhiên chỉ có 143 KCN có hệ thống xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ khoảng 61%; các khu còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an (C49), cho biết tại hội thảo về xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp trên cả nước do C49 tổ chức ngày 30-7 tại TPHCM.

Ông Lý thừa nhận các KCN đóng góp rất lớn, tạo ra trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, đóng góp trên 60% hàng hóa xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động, giúp doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ sản xuất mới từ nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng bên cạnh những đóng góp, thời gian qua, vì lợi ích cục bộ nên nhiều địa phương trải thảm đỏ thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp bằng mọi giá, bất chấp môi trường nên giờ đây để lại nhiều hậu quả về ô nhiễm môi trường, sức khỏe người dân bị đe dọa.

Cục trưởng C49, ông Nguyễn Xuân Lý cho biết hiện nay đang có tình trạng tranh mua, tranh bán chất thải nguy hại khá rầm rộ tại nhiều khu công nghiệp trên cả nước… bởi xử lý chất thải nguy hại đang thuộc ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

Có doanh nghiệp còn nhập khẩu cả chất thải nguy hại, dầu thải từ Đài Loan về để xử lý.

Nghiêm trọng hơn, theo C49, thời gian qua số lượng người dân cũng như các lao động chính trong các KCN mắc các bệnh về đường hô hấp, đường ruột, tim mạch  … có chiều hướng gia tăng do ô nhiễm môi trường tại các KCN.

Chưa kể việc khai thác KCN đang ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, nhiều “bờ xôi ruộng mật” bị lấy làm khu công nghiệp.

Chất lượng nước mặt tại những vùng chịu tác động của nguồn nước thải từ các khu công nghiệp đã bị suy thoái. “Bằng việc chôn ống ngầm và xả thải trực tiếp ra lưu vực sông nên bây giờ lưu vực sông Đáy đã chết, các sông Cầu, Đồng Nai, Sài Gòn cũng gần chết”, ông Lý nói.     

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Đại Thủy, Phó phòng cảnh sát môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh này có khoảng 1.200 dự án đang hoạt động với tổng vổn đầu tư khoảng 16 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên nhiều dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu kéo theo nước thải xử lý không triệt để.

Ông Thủy cho biết qua kiểm tra, cảnh sát môi trường Đồng Nai phát hiện nhiều hành vi vi phạm tinh vi của doanh nghiệp như bơm nước thải lên bồn phòng cháy chữa cháy sau đó bơm xuống đất quanh công ty, bơm xuống giếng được đào sẵn để chứa nước thải, pha loãng với nước giải nhiệt trước khi thải ra môi trường, bơm nén thủy lực nước thải xuống lòng đất hoặc lợi dụng trời mưa để xả thải.

Về các biện pháp xử lý các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vi phạm môi trường thời gian tới, Cục trưởng C49 Nguyễn Xuân Lý cho biết theo Luật xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, vi phạm môi trường có những tình tiết nặng sẽ bị xử phạt lên đến 2 tỉ đồng, chứ không phải tối đa 500 triệu đồng như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, xây dựng Pháp lệnh về cảnh sát môi trường Việt Nam dự kiến sẽ được ban hành trong quí 3-2013.

Tại hội thảo sáng nay, ông Lý cũng yêu cầu Phòng cảnh sát môi trường (PC49) trong thời gian tới, tập trung điều tra cơ bản công tác bảo vệ môi trường tại toàn bộ các khu công nghiệp trên cả nước. Sắp tới, tổng cục sẽ ký lệnh khởi tố một số trường hợp vi phạm về môi trường tại các KCN theo Thông tư 04 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. 

Giả danh cảnh sát môi trường làm tiền doanh nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49, cho biết vừa qua cơ quan chức năng phát hiện một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa cảnh sát môi trường đến doanh nghiệp xin tài trợ, xin quảng cáo, xin tiền ủng hộ.

Ông Lý khẳng định tổng cục không hề có chủ trương này, nếu ai phát hiện trường hợp giả danh cảnh sát môi trường làm tiền doanh nghiệp, nhanh chóng báo cho công an địa phương bắt giữ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới