Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gần 600.000 khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 được miễn, giảm lãi vay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gần 600.000 khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 được miễn, giảm lãi vay

Vân Phong

(TBKTSG Online) – Khoảng 590.000 khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được miễn, giảm lãi suất cho vay với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.

Gần 600.000 khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 được miễn, giảm lãi vay
Hàng triệu tỉ đồng nợ, lãi vay đã được miễn giảm nhằm giảm bớt gánh nặng cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. (Ảnh: TTXVN).

Hàng trăm nghìn khách hàng được gia hạn trả nợ, giảm lãi vay

Chia sẻ tại cuộc họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – cho biết các tổ chức tín dụng đã gia hạn thời điểm trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ngoài ra, khoảng 590.000 khách hàng được miễn, giảm lãi suất cho vay với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng cho hơn 390.000 khách hàng vay mới với mức lãi suất ưu đãi – thấp hơn, phổ biến từ 0,5 đến 2,5% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 – với doanh số lũy kế đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng, trong khoảng thời gian từ 23-1-2020 đến nay.

Tương tự, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách hàng với dư nợ 4.183 tỉ đồng và cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỉ đồng, dù không thuộc đổi tượng điều chỉnh của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Theo FiinPro, tỷ trọng nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 của các ngân hàng lần lượt đạt mức 31,8%, 19,6% và 48,6% so với tổng nợ xấu, ở thời điểm cuối quý 3-2020 – tăng lần lượt 30,5% và 2,7% về tỷ trọng nợ ở nhóm 3, nhóm 4, và giảm 3,4% ở nhóm 5 khi so so sánh với quý 2-2020.

Còn tỷ lệ tạo mới nợ xấu – thay đổi tổng nợ nhóm 3–5 trong quý chia cho dư nợ trung bình quý – ở mức 0,12% trong quý 3-2020, cao hơn 0,02% so với mức 0,1% trong quý 2.

Trước đó, báo cáo của FiinPro cho biết, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 21 ngân hàng niêm yết có thể cao hơn mức 1,82% và 0,12% tính tới cuối quý 3-2020, nếu không có Thông tư 01/2020 – cho phép các ngân hàng quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Báo cáo của SSI Research cũng cho thấy tác động của dịch Covid-19 đã được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng khi tỷ lệ nợ xấu của 13 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán tăng từ mức 1,68% trong quý 2-2020 lên 1,77% trong quý 3-2020, dù chi phí dự phòng trong quý 3 – phần lớn được sử dụng cho mục đích xóa nợ – đã tăng 18% so với quý 2.

“Ngoại trừ Techcombank có tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại khác đều tăng từ 0,2% tới 0,7%. Tổng nợ xấu tại các ngân hàng thương mại tính tới 30-9-2020 là 91.200 tỉ đồng, tăng 7,5% so với quý trước”, SSI Research cho biết.

Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu tín dụng

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 10,14% trong giai đoạn từ cuối năm 2019 tới 21-12-2020. Mức tăng trưởng này được ông Tuấn Anh đánh giá là thấp hơn so với những năm trước, do nhu cầu tín dụng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và thiên tai, mưa lũ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Còn thống kê của FiinPro cho biết, tốc độ tăng trưởng của mảng cho vay khách hàng đã thấp hơn mảng tiền gửi của khách hàng trong ba quý đầu năm 2020.

“Điều này khác với xu hướng các năm trước, cho thấy ảnh hưởng của Covid-19 đến cầu tín dụng đến của các ngành kinh tế ở mức khá lớn”, FiinPro nhận định.

Nhưng Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú vẫn dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt mức 11% trong bối tình hình cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Không hạ chuẩn cho vay

Chia sẻ về định hướng năm 2021, ông Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhưng chuẩn cho vay sẽ không được hạ xuống nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Ông Đào Minh Tú chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: Đức Khanh).

“Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng”, ông Tú cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới