Gắn chíp xe hút hầm cầu vì quản lý không nổi?
Võ Minh Duy, TPHCM
![]() |
Thật phi lý khi phải gắn chíp mới quản lý được xe hút hầm cầu (Ảnh chỉ có tính minh họa) – Ảnh: Văn Nam. |
(TBKTSG Online) – Nếu đúng như Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đăng tải qua tin “TPHCM: Xe chở bùn hầm cầu phải gắn thiết bị định vị” thì quả thật, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã giúp ích nhiều cho đời sống, đặc biệt là trong quản lý nhà nước. Nhưng cũng chính từ đây, nó đặt ra cho người dân phải suy ngẫm về năng lực quản lý của các cơ quan chức năng.
Chuyện gắn chíp điện tử để định vị toàn cầu, phục vụ cho nhà quản lý không hề mới ở Việt Nam. Nhiều năm trước, trước sức ép của dư luận lẫn các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, cũng như các công ước quốc tế cấm buôn bán các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng mà Việt Nam tham gia, Cục Kiểm lâm đã gắn chíp điện tử cho gấu nuôi nhốt trái phép.
Tôi không nhớ chính xác lắm nhưng vào đầu những năm 2000, cơ quan kiểm lâm đã thống kê số lượng gấu nuôi nhốt trái phép cả nước chừng 3.000 – 4.000 con nhưng nếu thu hồi thả về rừng thì cơ quan kiểm lâm không đủ sức, còn ngăn cản việc mua bán trái phép loài động vật này thì chế tài của luật pháp cũng không đủ mạnh để răn đe.
Vậy nên giải pháp của kiểm lâm là bắt buộc các chủ trại nuôi gấu phải đăng ký số lượng nuôi thực tế, tức nhà nước không truy cứu nguồn gốc trước đó, để cơ quan kiểm lâm gắn chíp điện tử. Tất nhiên tiền bỏ ra mua chíp điện tử cùng hệ thống máy móc theo dõi đàn gấu sau khi gắn chíp thuộc về nhà nước.
Lúc ấy, một chuyên gia về động vật hoang dã đã thốt lên: “Chủ trại nuôi gấu buôn bán bất hợp pháp gấu, rồi hút mật bán kiếm lời nhưng người dân phải bỏ tiền thuế của mình ra để trả cho sự yếu kém của cơ quan kiểm lâm”.
Nay thì TPHCM cũng làm tương tự, cũng phải chi tiền ra để mua chip gắn vào các xe chở bồn cầu để theo dõi đường đi nước bước qua vệ tinh (hệ thống định vị toàn cầu GPS). Theo tin mà báo đã đăng thì toàn thành phố có 70 xe hút hầm cầu nhưng phần đông, các xe hút hầm cầu xong thay vì đổ ở nơi quy định để xử lý thì lại đổ trộm, đổ lén ra môi trường làm ô nhiễm môi trường sống mà lâu nay báo chí nói tới nhiều, nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân TPHCM cũng có nhiều đại biểu của dân thắc mắc, chất vấn mấy năm qua.
Tôi thấy lạ là thành phố ngày càng văn minh hiện đại, luật pháp ngày càng hoàn thiện, công nghệ thông tin hỗ trợ cho quản lý khá nhiều vậy mà chỉ có 70 chiếc xe hút hầm cầu nhưng các cơ quan chức năng vẫn không quản lý xuể, phải dùng tới tiền của dân để mua chíp, gắn máy móc theo dõi xe chở bồn cầu có đổ bậy hay không.
Chắc chắn rằng việc gắn chíp để theo dõi gấu nuôi nhốt di chuyển ra sao hay xe bồn cầu chạy đi đâu là không hề rẻ, bởi hệ thống định vị toàn cầu mà rẻ thì chắc nhiều người đã dùng công nghệ này vào cuộc sống.