Thứ bảy, 15/03/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gánh nặng của nền kinh tế “lười” tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gánh nặng của nền kinh tế “lười” tiêu dùng

Bà Naoko Masaki lo lắng về tương lai của gia đình sau khi chồng bà về hưu và tự tìm cách xoay sở. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) - Khi người dân Mỹ nghĩ đến việc thắt chặt chi tiêu, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nghĩ đến việc quay về thị trường nội địa. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, việc thúc đẩy một xã hội tiêu dùng quả thật không dễ.

Gia đình Takigasaki ở vùng ngoại ô Nakano, thủ đô Tokyo đang cố gắng tiết kiệm từng đồng. Mặc dù gia đình có sẵn tiền dự phòng nhưng bà Hiroko Takigasaki vẫn định mức khẩu phần ăn một cách cẩn thận. Bà Takigasaki, 49 tuổi, còn giúp việc nhà bán thời gian cho những người khuyết tật.

Chồng bà đang có một công việc lương cao tại tập đoàn điện tử Fujitsu. “Thật khó đoán biết khi nào tập đoàn này sẽ sụp đổ, vì vậy, chúng tôi cần phải tiết kiệm nhiều hơn nữa”, bà Takigasaki giải thích.

Ngày nay, mặc dù nền kinh tế Nhật đã phục hồi và phát triển, nhưng ngay cả các gia đình “có của ăn của để” ở nước này vẫn sử dụng nhà tắm cũ cho việc giặt giũ, một cách phổ biến để tiết kiệm các khoản chi phí thiết yếu.

Doanh số bán rượu whiskey - thức uống được ưa thích từ những năm 1980 của những người Tokyo có tiền - đã giảm đến 1/5 so với thời hoàng kim. Và quốc gia này đang mất dần niềm ưa thích xe hơi; số xe bán ra đã giảm gần một nửa kể từ năm 1990.

Khó kích cầu tiêu dùng nội địa

Giờ đây, khi xuất khẩu suy giảm do nhu cầu toàn cầu giảm, nền kinh tế Nhật càng gặp khó khăn bởi họ không thể dựa vào tiêu dùng trong nước để bù đắp sự sụt giảm này. Trong giai đoạn từ năm 2001-2007, chi tiêu tiêu dùng tính trên đầu người chỉ tăng 0,2%.

Nhà kinh tế Hideo Kumano thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận xét: “Nền kinh tế Nhật đã quá phụ thuộc vào xuất khẩu mà nhu cầu ở các thị trường nước ngoài này hiện giảm mạnh. Nước Nhật đang bước vào cuộc khủng hoảng thứ hai - khủng hoảng tiêu dùng”.

Theo các nhà kinh tế, việc chi tiêu ì ạch là do sự mất niềm tin vào cơ chế lao động ở Nhật. Bảng lương trung bình của một công nhân đã giảm trong những năm gần đây, ngay cả khi các công ty đã phục hồi và có lợi nhuận.

Thêm nữa, các công ty Nhật đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc và Đài Loan, nơi mà chi phí lao động còn thấp.

Để cạnh tranh tốt hơn, các công ty này đã giảm việc làm, giảm lương, thay thế phần lớn lực lượng lao động bằng lao động tạm thời - vốn không cần phải trả bảo hiểm và ít quyền lợi hơn. Lao động phi truyền thống hiện chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động của Nhật.

Những người trẻ tuổi cảm thấy gánh nặng của sự thay đổi này. Chỉ 48% công nhân dưới 24 tuổi làm công việc tạm thời và khi thị trường lao động gặp khó, họ phải chi tiêu dè dặt.

Theo một khảo sát hồi năm ngoái của Nhật báo Nikkei, những người trẻ có khuynh hướng chẳng mặn mà với xe hơi; chỉ 25% thanh niên Nhật ở độ tuổi hai mươi muốn mua một chiếc xe hơi so với tỷ lệ 48% của năm 2000. Phụ nữ Nhật cũng đánh mất niềm khát khao đối với hàng hiệu. Louis Vuitton cho biết doanh số của họ ở Nhật đã giảm 10% trong năm 2008.

Chị Risa Masaki, 20 tuổi, nói rằng: “Tôi không muốn chi nhiều tiền. Tôi chỉ muốn một cuộc sống bình dân”.

Còn bà Naoko, 52 tuổi cho biết chồng bà sẽ nghỉ hưu trong 5 năm nữa. “Tôi vô cùng lo lắng. Tôi muốn ông ấy tìm một công việc khác và làm cho đến lúc nào còn làm được. Chúng tôi phải tự lo cho mình”, bà Naoko còn phải lo cho hai đứa con vẫn chưa kết hôn. Bà cũng không hy vọng rằng một công chức như chồng bà có thể nhận bất kỳ sự trợ giúp nào từ quỹ hưu khổng lồ, thậm chí lương hưu có thể giảm.

MỸ HẠNH (theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới