Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gánh nặng thuế, phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gánh nặng thuế, phí

Tư Giang thực hiện

(TBKTSG) – Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, chuyên gia kinh tế tài chính cao cấp của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trao đổi với TBKTSG về những lo ngại ngày càng tăng gần đây của người dân, doanh nghiệp về thu thuế và phí.

TBKTSG: Ông có quan tâm đến những quyết định/đề xuất tăng phí phương tiện giao thông gần đây của Bộ Giao thông Vận tải?

TS. Đặng Văn Thanh: Trước hết phải thừa nhận tình trạng này: việc sử dụng khoản thu phí lâu nay chưa được công khai, minh bạch gây ra nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân.

Khi còn ở Quốc hội, tôi cũng từng nghe một vài ý kiến đòi tăng thuế suất, chẳng hạn thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan thuốc lá, rượu bia… Tuy nhiên, tôi nhớ chưa từng có việc đưa ra quá nhiều loại phí đánh trên đầu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) dồn dập như của Bộ Giao thông Vận tải gần đây. Phí hạn chế phương tiện cá nhân là quá sốc so với mức thu nhập của người dân. Phí này nói là để hạn chế ùn tắc giao thông nhưng đã tính đến tác động tới đời sống xã hội và gây bất ổn kinh tế vĩ mô hay chưa? Tôi cho là Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ càng trước đề xuất này.

TBKTSG: Ông nhìn nhận thế nào về thực tế là thu ngân sách ở Việt Nam luôn đạt tỷ lệ 28% GDP, cao  nhất trong các nước khu vực?

– Mấy năm qua, thu ngân sách nhà nước luôn ở mức 27-28% GDP, làm giảm tiêu dùng của người dân và đầu tư của doanh nghiệp. Vì thế, theo tôi, những năm tới Nhà nước nên giảm dần mức độ huy động từ thu nhập quốc dân, vì ba lý do.

Thứ nhất, đã đến lúc Nhà nước phải khoan sức dân và đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp vốn tích lũy. Vì thế, cần giảm bớt các sắc thuế, và các mức thu, ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm xuống (hiện nay là 25%/năm).

Thứ hai, hiện nay chi tiêu của Nhà nước thường có hiệu quả kinh tế thấp nhất, xảy ra nhiều thất thoát, lãng phí. Theo tôi, kinh tế nhà nước phải thu hẹp để dành không gian phát triển cho kinh tế dân doanh. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nên thu hẹp lại, Nhà nước cần có chủ trương giảm bớt chi tiêu của Chính phủ, cắt giảm chi tiêu công.

Thứ ba, chính sách thuế phải vì mục tiêu đảm bảo nguồn thu lâu dài, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tích lũy. Về lâu dài điều này có lợi cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, mức thu ngân sách chỉ nên ở mức 20% GDP, sau đó giảm xuống 16-17% GDP, thậm chí có thể thấp hơn.

TBKTSG: Vì sao mấy năm gần đây, mức thu vượt so với dự toán của Chính phủ cao như vậy, luôn ở mức 4-5 tỉ đô la Mỹ/năm?

– Vượt thu ngân sách lớn là do chất lượng dự báo và dự toán rất thấp. Hơn nữa, ở Việt Nam, người ta vẫn luôn coi trọng chủ nghĩa thành tích. Các địa phương, các ngành xây dựng chỉ tiêu ngân sách thấp, để khi vượt thu sẽ được thưởng, được thành tích. Hơn nữa, thu nội địa được khoảng 50-60%, còn lại là dựa vào kinh tế đối ngoại. Vì thế, khi ở ngoài biến động, đặc biệt là giá dầu thô chỉ cần tăng vài đô la mỗi thùng, là ngân sách có thêm hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa tính hết được các nguồn lực trong nước.

TBKTSG: Liên quan đến việc sử dụng ngân sách, ông nhìn nhận thế nào về việc Thủ tướng yêu cầu chủ tịch của tám tỉnh kiểm điểm vì đã báo cáo không trung thực về chi tiêu công?

– Với lãnh đạo các tỉnh, việc khai gian số thiệt hại của địa phương, khai gian nhu cầu ngân sách để lấy tiền nhiều hơn là hành vi không thể chấp nhận được. Việc phê bình của Thủ tướng là cần thiết, nhưng vẫn còn nhẹ.

Điều này đã được phản ánh khá rõ trong kết luận của thanh tra, kiểm tra. Tình trạng gian lận ngân sách của các cấp, các ngành, các đơn vị diễn ra khá phổ biến. Theo Kiểm toán Nhà nước, con số này lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Tôi cho rằng, đây là tình trạng đáng báo động.

Tôi đang lo việc Quốc hội cho phép một số tỉnh được chi tiêu từ số thu vượt dự toán, mà có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, mỗi tỉnh. Ví dụ, họ công bố chi nạo vét kênh mương, hay cấp vốn cho người nghèo có nhà bị lốc cuốn. Họ sử dụng tiền này thế nào, có chi đúng mục đích không? Tôi lo có thất thoát trong việc này. Quốc hội và các cơ quan dân cử nên giám sát. Ủy ban nhân dân ở các địa phương có tình trạng này cần giải trình về những hành vi liên quan đến sử dụng ngân sách của mình.

TBKTSG: Chính phủ vẫn báo cáo với Quốc hội hàng năm là vượt chi ngân sách nhà nước rất lớn, nhưng đâu lại vào đấy. Ông nghĩ gì về tình trạng này?

– Phải nói sòng phẳng là Quốc hội chưa lần nào không phê chuẩn quyết toán ngân sách, dù rất nhiều năm có nơi này, nơi khác, hay khoản này khoản kia chi vượt dự toán mà Quốc hội phê chuẩn tới 50%. Điều này là đặc thù của ngân sách Việt Nam, thể hiện sự không nghiêm trong thực thi luật.

Tất nhiên các địa phương lý giải sự phát sinh, nhưng theo Luật Ngân sách, thì mọi khoản chi tăng, giảm so với dự toán phê chuẩn đều buộc phải báo cáo với Quốc hội, với hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất để xác định được lý do. Lúc đó, cơ quan lập pháp sẽ quyết định. Nhưng chúng ta không làm được việc này. Nhiều năm số thực tế chi ngân sách đều lớn hơn số mà Quốc hội hay hội đồng nhân dân cho phép. Số vượt chi này lên tới vài chục phần trăm, thậm chí có khoản tăng gấp đôi. Đây là điều không nghiêm trong kỷ luật ngân sách Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới