Chủ Nhật, 4/06/2023, 17:18
35 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Gạo đặc sản Thái Lan thất thế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gạo đặc sản Thái Lan thất thế

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Gạo Thái Lan, đặc biệt là loại gạo đặc sản hom mali, hay còn gọi là gạo jasmine (gạo thơm hoa nhài) từ lâu thống trị thị trường thế giới nhưng giờ đây, đang đối mặt ba khó khăn ập đến cùng một lúc: đồng baht tang giá, sự cạnh tranh của các đối thủ tại châu Á và bất ổn chính trị ở Hồng Kông.

Khó khăn bủa vây gạo jasmine của Thái Lan

Nhu cầu gạo Thái Lan đang yếu đi rõ rệt ở các thị trường nước ngoài khi xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á rơi vào tình trạng trì trệ do đồng baht tăng giá gần 10% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất gạo lớn trong trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc.

Gạo đặc sản Thái Lan thất thế
Gạo Thái Lan đang thất thế trên thị trường quốc tế. Ảnh: Thai Lan Business News

Các thương nhân xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng các cuộc biểu tình chống chính quyền dai dẳng ở Hồng Kông, nơi 50% lượng gạo cao cấp được Thái Lan cung ứng, cũng làm giảm nhu cầu gạo jasmine của Thái Lan. Số lượng du khách nước ngoài đến thăm Hồng Kông giảm mạnh trong những tháng gần đây, từ con số 5,1 triệu người trong tháng 7-2019, xuống còn 3,1 triệu người trong tháng 9.

Trong 9 tháng đầu năm ngoái, Thái Lan Lan xuất khẩu 143.000 tấn gạo sang Hồng Kông nhưng con số này trong 9 tháng đầu năm nay rơi về còn 127.000 tấn.

“Gạo trắng đặc sản của Thái Lan chủ yếu phục vụ các du khách nước ngoài ở Hồng Kông. Nhưng chúng tôi chứng kiến hoạt động xuất khẩu gạo Thái Lan sang Hồng Kông giảm trong những tháng gần đây khi nhu cầu của các nhà hàng và khách sạn suy yếu”, Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), nói.

Theo Laothamatas, thị phần gạo của Thái Lan ở Hồng Kông đạt mức đỉnh 64% vào năm 2016 nhưng kể từ đó, con số này đã giảm về còn 52%.

Một nguồn tin từ Chaitip, công ty kinh doanh gạo Thái Lan đã xuất khẩu sang Hồng Kông hơn 100 năm qua, cho biết các đợt tăng giá gần đây của gạo jasmine của Thái Lan gây tổn thương cho nhu cầu gạo Thái Lan ở Hồng Kông ở mức lớn hơn các cuộc biểu tình. “Nhu cầu thấp hơn không phải vì bất ổn ở Hồng Kông mà là do gạo jasmine đang trở nên quá đắt đỏ”, nguồn tin nói.

Nguồn tin này cho biết hạn hạn xảy ra ở nhiều khu vực ở Thái Lan trong năm nay làm suy giảm sản lượng gạo jasmine, khiến giá của loại gạo đặc sản này tăng mạnh.

Kriangsak Tapananon, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy gạo Thái Lan, cho rằng đồng baht tăng giá mạnh so với đồng đô la và đồng nhân dân tệ cũng là nguyên nhân khiến giá gạo của Thái Lan trên thị trường quốc tế tăng lên đáng kể.

Nguy cơ mất ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới

Cho đến năm 2012, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gạo số một thế giới xét theo sản lượng xuất khẩu nhưng sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati (những loại gạo không phải là gạo đặc sản basmati, nước này đã tiếm ngôi đầu của Thái Lan

Sự thất thế của gạo Thái Lan bắt nguồn từ chương trình trợ giá cam kết mua lúa gạo của nông dân trong nước giá cao dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Chương trình này đẩy giá gạo của Thái Lan tăng lên trên thị trường quốc tế, dẫn đến nhu cầu suy giảm.

Chương trình này gây tổn thất 8 tỉ đô la Mỹ do tham nhũng, khiến phe quân đội tiến hành đảo chính và lật đổ chính quyền của bà Yingluck vào năm 2014.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2019 về mức dưới 8,5 triệu tấn, giảm so với con số thông thường từ 9-9,5 triệu tấn. Ảnh: AFP

Nipon Puapongsakorn, nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, nói rằng các chương trình trợ giá nông nghiệp là là một nỗ lực thiển cận nhằm duy trì sản lượng và tính cạnh tranh của nông sản Thái Lan.

Tuy nhiên, tháng trước, chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ chi trả tiền trợ giá cho các nông dân tham gia một chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ kéo dài đến tháng 10 năm sau. Chương trình này giúp các nông dân được trả phần chênh lệch khi giá gạo xuống dưới mức chuẩn do nhà nước quy định.

Puapongsakorn nhận định gạo jasmine của Thái Lan suy giảm sức hút đối với khách hàng quốc tế sau khi Ấn Độ phát triển các giống lúa gạo thơm lai tạo cũng như việc Việt Nam nghiên cứu các loại lúa gạo trắng mềm xuất khẩu.

Puapongsakorn nói: “Việt Nam đã giảm chi phí sản xuất lúa gạo và giá tiền đồng của nước này được kiểm soát tốt. Chính phủ Thái Lan cần phát triển các giống lúa mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường”.

Sự cạnh tranh của gạo Trung Quốc cũng khiến gạo Thái Lan gặp khó. Theo Puapongsakorn, sản lượng gạo của Trung Quốc ước đạt hơn 100 triệu tấn trong năm nay và nước này đang bán gạo sang các nước châu Phi với giá rẻ hơn, khiến các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan bị lép vế. Ông cho biết xuất khẩu gạo của Trung Quốc tăng hơn 70% vào năm ngoái nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ châu Phi với Bờ Biển Ngà là khách hàng lớn nhất.

Ông Laothamatas, Chủ tịch TREA, nói: “Cách đây 20 năm, gạo Thái Lan không vấp phải sự cạnh tranh nào cả, giờ đây, cạnh tranh xuất hiện khắp mọi nơi, từ Ấn Độ, Pakistan cho đến Myanmar và Campuchia”. Ông cho rằng Thái Lan cần phát triển các giống gạo đặc sản mới và giảm chi phí sản xuất để có thể cạnh tranh với các đối thủ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin Bloomberg, Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của TREA, cho biết kể từ đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đang giảm dần qua mỗi tháng và nếu tình hình không cải thiện, Thái Lan sẽ đánh mất ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới vào tay Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới hiện nay.

TREA đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2019 về mức dưới 8,5 triệu tấn, giảm so với con số thông thường từ 9-9,5 triệu tấn.

“Chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi đã nỗ lực giảm chi phí nhưng đồng baht cứ tăng, khiến gạo của chúng tôi có giá đắt hơn (ở nước ngoài). Nếu chúng ta chỉ biết ngồi quan sát như thế này, một số công ty xuất khẩu lúa gạo có thể phải ngưng hoạt động”,

Kriangsak Tapananon, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy gạo Thái Lan, dự báo xuất khẩu gạo jasmine của Thái Lan trong năm nay sẽ rơi về mức 1,2 triệu tấn và xuất khẩu gạo tổng thể của nước này sẽ giảm về 8 triệu tấn.

Theo SCMP

Tờ Bangkok Post hôm 18-11 đưa tin Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của TREA, đang kêu gọi Bộ Nông nghiệp Thái Lan ưu tiên phát triển và cải thiện các giống lúa gạo đặc sản sau khi gạo jasmine của Thái Lan thua cuộc tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần 11 tại Philippines, từ ngày 10 đến 13-11.

Gạo ST25 của Việt Nam thắng giải trong cuộc thi lần này, trong khi đó, gạo thơm Malys Angkor của Campuchia đạt ngôi quán quân trong cuộc thi năm ngoái. Gạo jasmine của Thái Lan từng thắng giải Gạo ngon nhất thế giới trong các năm 2009, 2010, 2014, 2016 và 2017.

Chookiat Ophaswongse cho rằng việc gạo jasmine thua cuộc trong hai năm liên tiếp vừa qua cho thấy các đối thủ đã liên tục cải thiện chất lượng gạo đặc sản của họ. Ông cũng lưu ý năng suất sản xuất gạo Việt nam của Việt Nam đang tăng lên, trong khi đó, chi phí sản xuất giảm xuống.

Ông nói: “Điều này khiến chúng tôi phải cảnh giác và Bộ Nông nghiệp Thái Lan nên tập trung phát triển và cải thiện các loại gạo đặc sản. Các nước láng giềng như Việt Nam và Campuchia đã gần bắt kịp với chúng ta”.


Box:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới