Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gạo đồ Việt Nam có ưu thế hơn Thái Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gạo đồ Việt Nam có ưu thế hơn Thái Lan

Thái Hằng thực hiện

Gạo đồ Việt Nam có ưu thế hơn Thái Lan
Ông Arup Kumar Gupta – Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Công ty TNHH Lương thực VAP, liên doanh giữa Tổng công ty lương thực miền Nam, Auro Capital và Phoenix Commodities dự tính sẽ có lô gạo đồ thành phẩm xuất khẩu đầu tiên vào tháng 7-2013.

Ông Arup Kumar Gupta, Tổng giám đốc VAP, cho biết thêm thông tin về liên doanh này cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo đồ do Việt Nam sản xuất. 

TBKTSG Online: Ông có thể chia sẻ thông tin về nhà máy của liên doanh dự tính sẽ đi vào hoạt động tháng 7 này?

– Ông Arup Kumar Gupta: Nhà máy có diện tích hơn 10 héc ta tại Mộc Hóa, Long An, giáp sông Vàm Cỏ Tây, cách TPHCM 110 km. Công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn lúa/ngày, thi công qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thực hiện năm 2013 và giai đoạn 2 vào năm 2015. Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 vào khoảng 15 triệu đô la Mỹ.

Chúng tôi quản lý từ giai đoạn cung ứng cho đến lúc ra thành phẩm. Nhà máy có địa thế thuận lợi cho tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào từ các tỉnh trồng lúa lân cận, tiếp giáp với sông nên dễ dàng cho công tác chuyên chở nguyên liệu và thành phẩm.

Công ty sẽ tìm kiếm khách hàng như thế nào và thị trường gạo đồ trên thế giới hiện nay ra sao, thưa ông?

– Thương mại gạo trên toàn cầu vào khoảng 35 đến 36 triệu tấn, trong đó gạo đồ chiếm khoảng 1/5-1/6 trên tổng số. Thái Lan và Ấn Độ là hai quốc gia xuất khẩu gạo đồ lớn nhất, cung cấp khoảng 70% tổng sản lượng.

Gạo đồ được tiêu thụ nhiều ở khu vực Tây Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và một số quốc gia châu Á. Thị trường tiêu thụ gạo thành phẩm của VAP sẽ khác với thị trường gạo trắng truyền thống của Việt Nam. Đối với vấn đề tiêu thụ, với việc tham gia của Phoenix Commodities, tập đoàn chuyên mua bán nông sản và các loại hàng hóa trong liên doanh, chúng tôi không phải lo lắng nhiều về việc tìm kiếm khách mua hàng.

Với kinh nghiệm hơn 4 năm làm việc ở Thái Lan trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, đặc biệt là gạo, ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh gạo đồ của Việt Nam so với Thái Lan?

– Gạo đồ Việt Nam có ưu thế về giá hơn gạo Thái Lan vì giá lúa gạo nguyên liệu của Thái Lan rất cao, kể cả trước khi chính phủ Thái có chính sách trợ giá đối với nông dân trồng lúa gạo. Một điểm nữa là hạt gạo Thái Lan dài khoảng 6,8 milimet, dài hơn so với gạo Việt Nam chỉ vào khoảng 6,2 milimet. Do vậy, khả năng đáp ứng của gạo Việt Nam với nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng cao hơn.

Tương tự là Ấn Độ, mặc dù giá gạo nước này rất cạnh tranh nhưng chính sách xuất khẩu “giật cục” của nước này cũng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh sản phẩm của họ.  

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là quốc gia có truyền thống sản xuất xuất, khẩu lúa gạo, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động này của khá tốt. Phẩm cấp gạo Việt Nam cũng đạt yêu cầu với nhiều chủng loại khác nhau.

Quá trình chế biến phức tạp hơn, vốn đầu tư cao hơn nhưng giá trị của gạo đồ có gì khác so với gạo trắng?

– Tùy thuộc vào tình hình thị trường nhưng giá gạo đồ thường cao hơn từ 30-50% so với gạo trắng. Do quy trình chế biến đặc biệt, trải qua các công đoạn ngâm, hấp, sấy khô, làm cứng hạt gạo, tạo nên lớp bảo vệ khỏi mối mọt tấn công, làm ảnh hưởng phẩm chất. Quá trình chế biến cũng giữ lại nhiều dưỡng chất mà việc xay xát, đánh bóng gạo trắng thông thường đã làm mất đi. Do vậy gạo đồ có thể được giữ lâu đến 4 năm.

Nhà máy có thể sẽ gặp khó khăn gì thưa ông?

– Đó là lúa không có sẵn quanh năm mà theo thời điểm. Do vậy, chúng tôi buộc phải lưu trữ để phục vụ cho sản xuất. Công tác thu mua lúa cũng khá khó khăn do hệ thống đường xá ở địa bàn này không thuận tiện để đi sâu vào các cánh đồng thu mua lúa. Do vậy, chúng tôi có đội ngũ chuyên thu mua lúa để đi khảo sát các vùng nguyên liệu.

VAP có ý định đầu tư vào vùng nguyên liệu không?

– Hiện tại thì chưa nhưng chúng tôi có thể thay đổi kế hoạch sau khi đi vào hoạt động một thời gian.

Liên doanh với Tổng công ty Lương thực miền Nam mang lại lợi thế gì thưa ông? 

– Tổng công ty là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với khối lượng xuất khẩu đạt khoảng 40% tổng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam và có thế mạnh am hiểu thị trường nội địa lẫn quốc tế. Với những liên doanh bình thường, việc xây dựng nhà máy có thể mất đến 4-5 năm nhưng với liên doanh này chúng tôi chỉ cần hơn 2 năm.

Khoản đầu tư vào nhà máy sẽ hoàn vốn vào thời gian nào, thưa ông?

Theo tính toán của tôi với kịch bản kinh doanh không "thuận buồm xuôi gió" thì thời gian hoàn vốn trong khoảng 5 năm.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới