Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gạo Việt Nam chỉ ‘nóng’ trong ngắn hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gạo Việt Nam chỉ ‘nóng’ trong ngắn hạn

Phan Đình Mạnh

(TBKTSG Online) – Sự kiện giá gạo Việt Nam cao vượt hơn các mặt hàng cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ chủ yếu xuất phát từ các yếu tố ngắn hạn.

Gạo Việt Nam chỉ 'nóng' trong ngắn hạn
Từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vươn lên dẫn đầu thế giới. Ảnh: Trung Chánh

Cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vươn lên dẫn đầu thế giới. Bảng giá gạo xuất khẩu của VFA ngày 14-8 cho thấy gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 – 497 đô la Mỹ/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 đô la/tấn, Pakistan 70 đô la/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 đô la/tấn.

Việc giá gạo Việt Nam hiếm hoi cao hơn các mặt hàng cùng loại của Thái Lan là một kết quả cộng hưởng của nhiều nguyên nhân.


Cầu tại thị trường Philippines tăng mạnh

Trong năm 2019, Việt Nam xuất sang Philippines hơn 2 triệu tấn gạo, chiếm gần 90% lượng gạo nhập khẩu của thị trường này. Trong nửa đầu năm 2020 này, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu một lượng gạo lớn vào Philippines, đạt gần 1,5 triệu tấn, chiếm đến 35% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm nay. Do vậy, 1/3 biến động trong giá gạo của Việt Nam được quy cho thị trường Philippines. Hay nói cách khác, những hắt hơi, sổ mũi của thị trường gạo Philippines đều ảnh hưởng đến giá cả của mặt hàng gạo Việt Nam.

Theo hãng tin Reuters, đến cuối năm 2020, Philippines cần một lượng gạo dự trữ 3,3 triệu tấn (tương đương 92 ngày tiêu dùng), một con số cao kỷ lục trong vòng 10 năm. Trong khi đó, lượng sản xuất của nước này có thể giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên cho thấy nhu cầu gạo của Philippines trong năm nay là tương đối cao trong khi tình hình Covid-19 có thể khiến các nước cân nhắc hoạt động xuất khẩu gạo của mình.

Tuy nhiên, tại sao gạo Ấn Độ không thể hiện diện nhiều tại thị trường Philippines? Nguyên nhân là do nước này áp mức thuế lên đến 180% cho mặt hàng gạo đối với các nước ngoài khối ASEAN, còn các quốc gia nội khối có thể được hưởng mức thuế 35%. Mức thuế này có thể đẩy giá gạo của Ấn Độ cao gấp đôi và làm giảm tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo của nước này.

Phương thức tính giá (FOB) và chi phí vận chuyển giảm

Một nguyên nhân khiến giá gạo tăng là do cách tính giá và chi phí vận chuyển giảm. Theo đó, hầu hết các hợp đồng gạo của Việt Nam đều được tính theo giá FOB (công ty Việt Nam chỉ giao gạo đến cảng biển xuất khẩu còn đối tác sẽ thực hiện khâu vận chuyển quốc tế và nội địa nước họ).

Trong khi đó, theo đánh giá của một số tổ chức, đơn vị nghiên cứu ngành hàng hải, trong vòng 10 tuần đầu năm nay, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán, ngành vận tải biển thế giới đã sụt giảm hơn 1,7 triệu TEUs. Giá cước vận tải đường biển trung bình tiếp tục sụt giảm tới 80% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (kèm theo đó là do giá dầu giảm nên chi phí vận tải cũng giảm).

Những con số trên cho thấy người nhập khẩu đã có một loạt các thuận lợi để giảm chi phí vận tải. Do vậy, họ cũng sẵn sàng trả cho người bán Việt Nam với mức giá cao hơn.

Ngoài ra, việc Việt Nam – đối tác xuất khẩu chính của Philippines – mới bỏ quy định hạn chế xuất khẩu gạo cũng ảnh hưởng phần nào đến việc tăng giá do tâm lý cung hạn chế.

Vấn đề tỷ giá

Tỷ giá là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan và Ấn Độ. Yếu tố này đã ảnh hưởng đến giá cả xuất khẩu và nhập khẩu trong ngắn hạn.

Tại Thái Lan và Ấn Độ, từ đầu năm đến nay, đồng baht và rupee bị mất giá. Trong khi tại Việt Nam, giá tiền đồng giữ ổn định so với năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên cao hơn so với Thái Lan và đặc biệt là Ấn Độ (do đồng Ấn Độ mất giá nhiều hơn). Nếu giữ cố định các nguyên nhân khác thì đây là một bất lợi cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, vì Việt Nam xuất khẩu đến 35% lượng gạo sang Philippines nên thị trường này lại là điểm cộng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khác với Ấn Độ và Thái Lan, đồng peso của Philippines tăng giá so với đồng đô la Mỹ trong những tháng gần đây khiến hàng nhập khẩu vào Philippines rẻ hơn trước đây.

Gạo Việt Nam chưa hoàn toàn thắng thế

Bằng những nỗ lực không ngừng, gạo Việt Nam đang ngày càng tạo dựng được một chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Năm 2019, gạo ST 25 của Việt Nam được công nhận là thương hiệu gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 ở Manila (Philippines). Tuy nhiên, chuyện giá gạo tăng mới chỉ xuất phát từ một vài yếu tố ngắn hạn, chưa thể tính đến sự đóng góp của thương hiệu gạo Việt.

Giá gạo Việt Nam tăng là gạo 5% tấm và các loại gạo khác. Gạo ST 25 của Việt Nam và gạo Hom Mali Thái Lan hiện vẫn còn so kè nhau; và gạo Việt Nam chưa hoàn toàn thắng thế. Điều đó cho thấy do nhu cầu ngắn hạn, các nhà nhập khẩu cần một lượng lớn gạo dự trữ nên họ nhập nhiều. Tuy nhiên, quan trọng là họ không thay đổi trong hành vi tiêu dùng từ gạo cấp thấp lên gạo cao cấp và vì thế gạo Việt Nam chưa hoàn toàn giải được bài toán chất lượng. Ngoài ra, độ lan tỏa thương hiệu không phải là vấn đề một sớm một chiều mà là vấn đề dài hạn trong năm, bảy năm hoặc nhiều năm. Thương hiệu ST 24, ST 25 do vậy cần thời gian để lan tỏa và thẩm thấu.

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực tế, lĩnh vực xuất khẩu gạo được tạo nhiều cơ hội. Việt Nam có thể xuất khẩu đến 80.000 tấn gạo cho EU mỗi năm. Đây là một tin tốt, tuy nhiên, EVFTA chỉ mới có hiệu lực gần đây, không hoàn toàn là nguyên nhân ảnh hưởng đến giá gạo. Về dài hạn, giá cả do giá trị thị thực của mặt hàng đó quyết định (trong trường hợp này là chất lượng của chính hạt gạo và dịch vụ xuất nhập khẩu quyết định).

Tóm lại, giá gạo thế giới tăng trong thời gian do nhu cầu dự trữ tăng cao trong bối cảnh các nước e ngại dịch Covid-19 kéo dài. Riêng giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan và Ấn Độ chủ yếu do yếu tố ngắn hạn là tỷ giá tại Philippines có lợi cho mặt hàng xuất khẩu (đặc biệt là gạo) từ Việt Nam vào nước này.

Tuy nhiên về dài hạn, vẫn cần có những giải pháp căn cơ để giữ được khả năng cạnh tranh bền vững cũng như đạt được lợi ích tối đa trong giao thương. Những đề xuất đó là:

Thứ nhất, tăng xuất khẩu theo giá CIF thay vì giá FOB như hiện nay. Với giá CIF, người bán kiêm luôn việc thuê tàu và mua bảo hiểm, trong khi giá FOB thì không. Doanh nghiệp sẽ chủ động cả việc giao hàng với giá CIF và hưởng được phần giá trị do giảm giá trong hoạt động thuê tàu cũng như nhiều lợi ích khác lớn hơn.

Để đảm bảo được các hoạt động xuất khẩu giá CIF, doanh nghiệp cần phát triển nguồn nhân lực có nghiệp vụ tốt trong hoạt động thu xếp hợp đồng xuất khẩu, mua bảo hiểm và thuê tàu cũng như các nghiệp vụ tài chính và vận tải quốc tế khác. Tuy đây là hoạt động rủi ro hơn xuất khẩu giá FOB nhưng là những lợi ích lâu dài không chỉ cho ngành xuất khẩu mà còn cho các ngành khác như bảo hiểm và vận tải thủy quốc tế. Nó cũng thể hiện năng lực quản lý của doanh nghiệp và do vậy có ích trên bàn đàm phán thương mại quốc tế, vay vốn hay các hoạt động kinh doanh khác.

Thứ hai, cần nâng cao hoạt động sản xuất và xuất khẩu theo chuỗi từ khâu gieo trồng, chế biến và xuất khẩu để nâng cao chất lượng, hình ảnh thương hiệu, giảm giá thành trung gian và qua đó giảm giá thành cuối cùng cho sản phẩm.

Cũng giống như hoạt động xuất khẩu theo giá CIF, hoạt động xuất khẩu theo chuỗi đòi hỏi sự điều động, liên kết và phân phối hợp đồng cũng như các hoạt động xuyên suốt của nhiều bên. Với sự phát triển của khoa học (công nghệ truy xuất nguồn gốc), công nghệ sinh học trong sản xuất (giảm hóa chất), hệ thống quản lý tự động (nông nghiệp chính xác) thì quá trình liên kết và truy xuất nguồn gốc sẽ được thúc đẩy và đầy triển vọng phát triển. Khi hoạt động sản xuất theo chuỗi được thúc đẩy, vấn đề tạo dựng thương hiệu gạo Việt cũng sẽ được giải quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới