Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gạo Việt nhiều cơ hội xuất khẩu sang châu Phi

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023, để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm 2023.

Nguồn cung gạo chính của châu Phi tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo của châu Phi trong niên vụ 2022-2023 dự báo đạt 24,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với niên vụ 2021-2022; trong đó khu vực Bắc Phi ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 23,7% và khu vực châu Phi hạ Sahara ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 1,2%.

Ngoài ra, sản lượng gạo tiêu thụ và dự trữ toàn châu Phi trong năm 2023 đạt trên 42,2 triệu tấn, tăng hơn 570.000 tấn so với năm 2022; trong đó, khu vực Bắc Phi đạt khoảng 4,4 triệu tấn, tăng 50.000 tấn; khu vực châu Phi hạ Sahara đạt khoảng 37,5 triệu tấn, tăng 300.000 tấn.

Nhiều năm qua, mặc dù diện tích gieo cấy lúa tại châu Phi đã được mở rộng nhưng sản lượng gạo sau thu hoạch tại các nước thuộc châu lục vẫn ở mức thấp so với thế giới và bị hạn chế bởi một số yếu tố. Sản xuất gạo của châu Phi dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực.

Để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn. Thời gian tới, nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm.

Theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600.000 tấn, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Côte d’Ivoire, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập… Thị hiếu tiêu thụ gạo của thị trường châu Phi là gạo hạt dài, khi nấu rời hạt (không dính), gạo đồ, gạo thơm, trong khi với Ghana, Senegal, người dân lại thích gạo cứng.

Cơ quan này khuyến nghị đối với thị trường châu Phi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần củng cố thị phần các loại gạo trắng, hạt dài, rời hạt, gạo cứng, gạo đồ, gạo thơm… đồng thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường này bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng và các điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước châu Phi.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới