Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Gập ghềnh’ nuôi bò thịt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Gập ghềnh’ nuôi bò thịt

Hải Lý

(KTSG) – “Ngành nuôi bò thịt khó nhất là con giống. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết nhập con giống bò Úc. Từ năm 2019 trở về trước giá bò giống Úc khoảng 2,95 đô la Mỹ/cân hơi, nhưng từ năm ngoái đến nay đã tăng 25-30%. Giá thức ăn gia súc cũng đang tăng, trong khi tiêu thụ thịt bò giảm do nhà hàng, khách sạn đóng cửa vì dịch Covid-19. Sản lượng bò thịt của chúng tôi từ đầu năm đến nay giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Thời kỳ khó khăn đang đến” – tổng giám đốc một doanh nghiệp nuôi bò thịt cho biết.

'Gập ghềnh' nuôi bò thịt
Hy vọng sẽ không có ngày phải “giải cứu” thịt bò nuôi trong nước. Ảnh: H.P

Vết dầu loang

Năm 2014 tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố nuôi bò thịt với quy mô lớn, hàng trăm ngàn con để cung cấp cho thị trường nội địa. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, tập đoàn đã từ bỏ nuôi bò thịt vì kết quả không như mong đợi.

Nuôi bò thịt đối với các doanh nghiệp Việt thực chất là làm một trong những công đoạn trong chuỗi chăn nuôi: nhập bò từ 300 ki lô gam hơi trở lên, vỗ béo 100-200 ngày, đến khi con bò đạt 480-500 ki lô gam thì mổ và bán thịt ra thị trường. Cũng có những con bò có thể đạt trọng lượng 1 tấn tùy giống nhập về. Doanh nghiệp hưởng ở phần gia tăng trọng lượng.

Công ty chăn nuôi bò thịt của tập đoàn Hòa Phát, đơn vị lớn nhất thị trường trong lĩnh vực này với các trang trại quy mô, theo tiêu chuẩn của Úc ở Thái Bình, Quảng Bình và Đồng Nai, bắt đầu với số lượng hơn 10.000 con năm 2016, sau năm năm đã tăng lên 140.000 con. Vừa xây trang trại, vừa nuôi, tiếp xúc với khách hàng chốt giá bán, Hòa Phát kinh doanh bò thịt theo vết dầu loang. Cạnh tranh tốt, chỉ trong vòng sáu năm, Hòa Phát đã chiếm lĩnh áp đảo thị phần của những doanh nghiệp đi trước trong bối cảnh tăng trưởng của thị trường bò thịt ở mức 7%/năm.

Số hóa nuôi bò

Quy trình chăn nuôi bò thịt có nhiều tiêu chí liên quan đến an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, nguồn nguyên liệu phụ phẩm chăn nuôi như bã sắn, khô cọ, khô dừa, khô đậu tương, rỉ mật của ngành chế biến đường. Ngoài ra còn phải bổ sung thức ăn tinh như bắp hạt và thân cây bắp. Các doanh nghiệp thường liên kết với nông dân nhằm đảm bảo cung ứng nguồn thức ăn thô xanh cho các trang trại.

Đối với những doanh nghiệp đầu ngành như Chăn nuôi Hòa Phát, nuôi bò được kiểm soát bằng chuỗi ESCAS – tiêu chuẩn xuất quyền của Úc áp dụng tại Việt Nam từ khâu nhập con giống, chăn nuôi, vận chuyển cho đến lúc giết mổ xong. Chuỗi ESCAS đảm bảo quyền của gia súc được chết một cách nhân đạo, giữ chất lượng thịt tốt hơn vì con bò không bị stress.

Trước đây việc giết mổ bò dùng búa, bò đau nên tiết ra chất làm thịt không ngon. Ngày nay các lò mổ có súng gây choáng.

Trong Hiệp hội Bò của Úc có một bộ phận chuyên theo dõi về quyền của gia súc, gọi là súc quyền và một nhóm kiểm tra việc thực hiện các quy định của súc quyền. Họ lắp camera tại các lò giết mổ. Mỗi con bò nhập từ Úc về có một cái thẻ tai (mã số), như chứng minh thư và một cái chíp gắn với mã quét.

Khi con bò về trại, Úc có toàn bộ dữ liệu về con bò trong trại doanh nghiệp. Lúc con bò được xuất bán, ra khỏi trại, đi qua máy thu, đọc chíp, máy báo xuất về đâu, bao nhiêu con. Phía Úc kiểm soát đến tận lò mổ. Thậm chí ở lò mổ còn có camera và một nhân viên của công ty Việt Nam tại lò để kiểm tra con bò được chăm sóc, ăn uống, ngủ, nghỉ sạch sẽ cho đến khi giết mổ, đưa lên trường bắn, rồi phải theo đúng quy trình bao nhiêu giây, phút phải chết ngay. Để lâu quá là bị cảnh báo. Hiệp hội Úc đặt một văn phòng ở Indonesia. Sau khi con bò chết, máy quét chíp báo về Indonesia, con bò đã chết kèm hình ảnh quay lại toàn bộ. Tất cả được số hóa. Từ A-Z.

Số hóa nuôi bò thoạt nhìn phức tạp, tuy nhiên nó mang lại lợi ích đáng kể vì doanh nghiệp Việt Nam không lo bò mất, không lo bò bị đổi, quản trị ở trại là quản trị đến từng con, vào ngày nào, ra ngày nào, tăng bao nhiêu cân… Tốn kém nhưng đáng đồng tiền bát gạo.

Nhà nhà nuôi bò

Không phải tất cả doanh nghiệp nuôi bò thịt Úc đều tuân thủ các quy chuẩn ESCAS. Do thương lái biên giới phía Bắc thường xuyên mua bò giá cao, một số công ty cắt thẻ tai, cắt chíp, bán bò cho thương lái. Vì không thấy con bò được máy báo đã vào lò mổ, phía Úc vẫn ghi nhận còn bấy nhiêu con, mấy năm không giết mổ. Từ đây Úc sẽ không bán bò cho các doanh nghiệp như vậy nữa.

“Chúng tôi có bao nhiêu khách hàng mua thịt bò đều được Úc phê duyệt trong văn bản xác nhận đồng ý cho bán. Vào sân chơi ai làm tốt thì cạnh tranh được, còn không tức khắc bị loại ngay, mất thị phần vào tay doanh nghiệp khác. Muốn chiếm thị phần, phải làm đúng quy trình, bài bản” – đại diện Chăn nuôi Hòa Phát nhấn mạnh.

Hiện nay Việt Nam nhập từ Úc 200.000-300.000 con bò/năm để nuôi. Giá nhập dao động khoảng 38-45 triệu đồng/con. Bên cạnh bò Úc, các doanh nghiệp đang chuẩn bị nhập bò Brazil để đa dạng nguồn hàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Chính phủ Brazil để chuẩn bị có hiệp định về thú y và thỏa thuận liên quan đến thương mại hai nước.

Thị trường Việt Nam có nhiều nguồn bò khác nhau. Bò Úc chiếm 30% thị phần. Bò thịt Thái Lan xuất sang Việt Nam qua đường tiểu ngạch khoảng 200.000 con/năm. Ngoài ra còn có bò Campuchia, bò Myanmar đi qua đường biên mậu tầm 300.000 con/năm.

Bò ta chăn nuôi trong dân không ít. Nhưng nông dân chăn nuôi không khai báo nhiều, khó thống kê. Mới đây Nhà nước khuyến khích phát triển đàn gia súc, nuôi bò thịt của nông dân tăng lên, song vẫn mang tính chất nhóm hợp tác.

Các năm trước Việt Nam tiêu thụ xấp xỉ 1.500 con bò thịt/ngày. Nay giảm một nửa. một phần do thịt trâu Ấn Độ giá rẻ về nhiều, cạnh tranh với thịt bò. Phần khác giá gà, vịt, ngan, ngỗng đang thấp, nên người tiêu dùng chuyển sang các loại thịt này.

Liệu có “giải cứu” bò thịt?

Có thể kể ra hàng loạt doanh nghiệp nuôi bò thịt như Phú Lâm (Quảng Ninh), Đông Thành (Hà Nội), Hòa Phát, Lê Dũng Linh (Quảng Bình), Thadi thuộc tập đoàn Trường Hải, Thông Thuận Đạt (Bình Thuận), Sơn Thủy Hà (Đồng Nai), Anh Khải ký (Vũng Tàu), Kết Phát Thịnh (Long An), Sao Đỏ (Gia Lai), T&T 159…

Thời hoàng kim 5-7 năm trước tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trên một con bò khoảng 20-30%. Tuy nhiên chăn nuôi cần nhìn dài hạn. Một số doanh nghiệp thấy nuôi bò có lãi, lao vào làm, không quản lý được, dễ mất thị trường. Thịt bò đang được nhập thẳng từ nước ngoài về, thịt trâu giá rẻ (bán ngoài chợ từ 100.000-120.000 đồng/ ki lô gam) nhập từ Ấn Độ cạnh tranh quyết liệt với thịt bò nuôi trong nước. Thức ăn tăng, giá con giống tăng nhưng giá thịt bò nuôi bán ra không thể tăng tương ứng, biên lợi nhuận đang co lại.

Trong nông nghiệp, đặc biệt trong chăn nuôi cũng có “sóng”. Lúc giá thịt các loại lên, nhu cầu tiêu thụ cao, doanh nghiệp, nông dân đều phấn khởi, tăng đàn, nuôi ồ ạt. Cung tăng, cầu không theo kịp, giá lại xuống. Quy hoạch chăn nuôi đã tiến hành nhiều lần, song vẫn trồi sụt. Những doanh nghiệp khỏe là những doanh nghiệp đủ sức chịu được các “con sóng”, lấy lợi nhuận năm tốt bù đắp năm xấu. Còn tính toán không kỹ, đầu tư dàn trải, quản lý lỏng lẻo, thì nuôi bò thịt hay bất kỳ loại gia súc nào cũng có thể thất bại.

Chúng ta đã từng “giải cứu” rau củ, trái cây, hy vọng sẽ không có ngày phải “giải cứu” thịt bò nuôi trong nước. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới