Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gặp khó tại thị trường Nhật vì động đất – sóng thần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gặp khó tại thị trường Nhật vì động đất – sóng thần

Ban Mai

(TBKTSG) – Nhật là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thảm họa động đất-sóng thần vừa xảy ra ở quốc gia này đang bắt đầu ảnh hưởng đến những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. TBKTSG ghi lại ý kiến của một số doanh nhân nhiều năm “làm ăn” tại Nhật về cách giảm thiểu những rủi ro cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang đây.

Ông Phạm Xuân Hồng – Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3:

Thảm họa vừa xảy ra ở quốc gia này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành may xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường Nhật chiếm đến 50% tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty mỗi năm với kim ngạch xuất khẩu gần 40 triệu đô la Mỹ. Ngày 14-3-2011, chúng tôi đã có buổi làm việc với những nhà nhập khẩu dệt may của Nhật. Họ vẫn yêu cầu công ty thực hiện các đơn hàng đã ký kết một cách bình thường. Những lô hàng của May Sài Gòn 3 vẫn đang trên đường đến cảng Osaka và Tokyo. Chúng tôi tiếp tục cập nhật và theo dõi sát những diễn biến mới nhất của vụ việc và sẽ đưa ra những kế hoạch điều chỉnh cụ thể cho thị trường này trong thời gian tới.

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, trong khi nhu cầu nhập khẩu ở nhiều thị trường giảm sút thì thị trường Nhật vẫn duy trì được sức mua cao. Tuy nhiên, qua thảm họa này, chắc chắn nền kinh tế Nhật sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu. Hàng dệt may ở dòng sản phẩm cao cấp sẽ gặp khó ở thị trường này. Ngược lại, dòng sản phẩm trung bình sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào Nhật. Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn tập trung vào phân khúc sản phẩm giá trung bình ở thị trường Nhật, nên công ty sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Về lâu dài, công ty có thể điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng tỷ trọng xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ. Hiện hai thị trường này vẫn chiếm 50% năng lực xuất khẩu của công ty.

Đối với mặt hàng dệt may, tình hình thị trường tiêu thụ vẫn đang diễn biến tốt, với nhiều đơn hàng trong năm 2011, nên việc điều chỉnh tỷ trọng là điều không quá khó khăn với ngành may Việt Nam. Việc chuyển hướng từ thị trường Nhật qua những thị trường khác sẽ dễ dàng hơn, do tiêu chuẩn chất lượng hàng dệt may xuất khẩu vào Nhật luôn ở mức cao. Những doanh nghiệp đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe ở thị trường Nhật sẽ dễ dàng thâm nhập những thị trường khác.

Ông Lê Văn Quang -Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú:

Dù chưa có tác động cụ thể nào đối với ngành thủy sản Việt Nam, nhưng về lâu dài ngành xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sẽ gặp khó. Người tiêu dùng Nhật sẽ tiết kiệm hơn để vượt qua khó khăn. Vì thế những mặt hàng thủy sản xuất khẩu cao cấp như tôm đông lạnh của Việt Nam sẽ giảm ở thị trường này.

Nhật vẫn là quốc gia nhập khẩu tôm của Việt Nam nhiều nhất. Nhiều năm qua, Việt Nam liên tục đứng đầu về thị phần tôm nhập khẩu tại Nhật, chiếm hơn 20,1% về khối lượng và 20,9% về giá trị trong tổng nhập khẩu tôm của Nhật. Tính đến tháng 11-2010, Việt Nam xuất sang Nhật 57.236 tấn tôm, trị giá 528,127 triệu đô la Mỹ, tăng 8,2% về khối lượng và gần 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Riêng Công ty Minh Phú, lượng tôm xuất khẩu sang Nhật chiếm gần 20% trong tổng cơ cấu xuất khẩu mỗi năm. Sau khi thảm họa xảy ra, chúng tôi đã gửi thư thăm hỏi, động viên những đối tác nhập khẩu ở Nhật sớm vượt qua khó khăn, nhưng vẫn chưa có phản hồi. Chúng tôi đang lo nhu cầu nhập khẩu tôm ở thị trường Nhật sẽ giảm trong thời gian tới.

Để chuẩn bị những rủi ro sắp tới, công ty đã tính đến việc chuyển hướng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thị trường ẩm thực nước này có nhiều nét tương đồng với Nhật, nên những sản phẩm thủy sản của Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào đây.

Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nhật Bản đạt hơn 16 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 4,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 24,4% so với năm 2009.

Nhật tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật trong năm 2010 chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm (chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch nhập khẩu), hải sản chiếm gần 2%, may mặc 5,1%, gỗ và sản phẩm từ gỗ 1,4%…

Bên cạnh đó, Nhật còn là thị trường quan trọng đối với ngành dệt may và da giày của Việt Nam.

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Những sản phẩm thủy sản qua chế biến phổ biến ở thị trường Nhật như sushi, nobashi cũng đang được nhiều thị trường ưa chuộng. Đây sẽ là lợi thế để hàng thủy sản của Việt Nam tìm kiếm thị trường mới. Thời gian gần đây, các quốc gia nhập khẩu thường xuyên đặt những mặt hàng này để cung cấp cho các nhà hàng Nhật ở nước của họ.

Điều đáng lo là khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật giảm sẽ ảnh hưởng đến giá cả xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, vì nguồn cung tăng sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm giá ở các thị trường khác.

Năm 1995 xảy ra thảm họa động đất ở tỉnh Kobe của Nhật, nhiều doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đã điêu đứng khi sức mua sút giảm. Điều cần nhất vào lúc này là các doanh nghiệp trong nước cần bình tĩnh để đối phó với tình hình hiện nay.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, giữ liên lạc thường xuyên với đối tác nhập khẩu để sớm đưa ra những thương thảo cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích cho cả hai. Cụ thể, trong thời gian tới, có thể thị trường Nhật sẽ ưu tiên chọn những sản phẩm thủy sản qua chế biến sâu với hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn. Bởi những nhà nhà máy chế biến thủy sản của Nhật (nhập nguyên liệu của Việt Nam) có thể ngưng hoạt động để khắc phục sự cố. Doanh nghiệp cần chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu này của thị trường Nhật. Đây cũng là một trong những cách giảm thiểu khó khăn.

Ngành du lịch mất khách

Du khách Nhật trong một tour tham quan thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam. Ảnh: Đào Loan.

Các doanh nghiệp lữ hành đã khởi đầu năm 2011 không mấy suôn sẻ khi phải hủy hàng loạt tour đến Ai Cập, Dubai hồi tháng trước. Nay họ tiếp tục đón tin xấu từ thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật.

Trong hai ngày đầu sau khi thảm họa xảy ra, khách chỉ hỏi thăm tình hình. Đến ngày thứ ba, khi các phương tiện truyền thông đưa tin về khả năng nhiễm phóng xạ do vụ nổ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, khách bắt đầu hủy tour.

Công ty Du lịch Samurai dự định sẽ có ba đoàn đi Tokyo và Osaka ngắm hoa anh đào vào tháng 4 nhưng đến nay rất nhiều khách đã hủy tour. Công ty đang thuyết phục khách để có thể tổ chức một đoàn nhỏ 7-8 người.

Ông Nguyễn Thế Khải, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, cho biết Nhật là thị trường lớn thứ hai của công ty sau Mỹ. Công ty dự kiến tổ chức tour đi Nhật cho 70 người vào cuối tháng 3 nhưng đến nay đã có 16 người hủy tour. “Khách không sợ sóng thần, động đất vì chương trình tour không đến những điểm này nhưng sợ nhiễm phóng xạ. Khách vẫn đang tiếp tục hủy tour nhưng chúng tôi không thể bắt bồi thường. Hỏi đối tác bên Nhật thì chỉ được trấn an là “cứ bình tĩnh””, ông Khải nói.

Một số công ty khác đang thuyết phục khách thay vì hủy tour thì chuyển điểm đến sang nước khác. “Chúng tôi vẫn chờ quyết định của khách. Nếu khách hủy tour cũng đành chịu vì đây là trường hợp bất khả kháng”, ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng giám đốc Fiditourist, nói.

Tại Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, khoảng 100 khách mua tour sang Nhật vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đã quyết định dời lịch khởi hành. Tuy nhiên, dời đến khi nào thì cả nhà điều hành tour và khách vẫn chưa biết vì phụ thuộc vào tình hình ở Nhật.

Tương tự, Bến Thành Tourist cũng thuyết phục một đoàn khách dời lịch khởi hành thay vì hủy tour. Tình hình hủy và hoãn tour cũng xảy ra tại một số công ty có lượng khách ít hơn.

Thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 là mùa làm ăn của các công ty du lịch đưa khách đến Nhật ngắm hoa anh đào. Tour ngắm hoa anh đào còn được bán theo các chương trình liên tuyến đến Hàn Quốc và Mỹ. Vì thế, thảm họa trên đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Đến sáng 15-3, Tổng cục Du lịch Việt Nam chưa có cảnh báo du lịch đến Nhật.Không chỉ mảng du lịch nước ngoài bị ảnh hưởng, mảng khách quốc tế đến Việt Nam cũng bị tác động. Tuy không ồ ạt nhưng một số khách sạn tại TPHCM đã nhận được yêu cầu hủy phòng từ Nhật.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc khách sạn Majestic, cho biết khách Nhật đã hủy 10 phòng đặt tại khách sạn từ cuối tuần qua đến giữa tuần này. Những du khách nước ngoài quá cảnh tại Nhật trước khi sang Việt Nam cũng hủy phòng do một số sân bay tại đây ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch APEX, cho biết một số đoàn đã hủy chuyến, có đoàn báo trước là vài chục người nhưng khi ra sân bay đón thì chỉ có vài khách mà đối tác không thể thông báo với công ty.

“Người Nhật làm ăn rất uy tín. Chúng tôi rất thông cảm vì họ không còn lựa chọn nào khác. Cũng may là các khách sạn chưa phạt tiền vì cũng hiểu đây là trường hợp bất khả kháng”, ông nói.

APEX là công ty liên doanh có số lượng khách Nhật lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa thể nhận định về thị trường Nhật trong thời gian tới vì ngay cả đối tác bên Nhật cũng chưa biết tình hình như thế nào để có những thông tin cụ thể.

Chiều thứ Ba 15-3, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng miễn phí trong việc hoàn, đổi vé cho khách đã mua vé trên các chuyến bay đi và về từ Nhật từ ngày 11-3 đến 10-5.

Trong khi đó, các công ty du lịch cho biết học chưa nhận được thông tin liên quan từ các hãng hàng không khác.

Đào Loan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới