Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gây nhiễu thông tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gây nhiễu thông tin

Dương Minh Trị

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: TL.

(TBKTSG) – Sau khi đọc bài “Giúp nông dân nuôi cá hiệu quả”, TBKTSG ngày 15-4-2010, và tham khảo thêm bản tiếng Anh “Mazzetta wants to buy Vietnam’s best tra fish” trên Saigon Times Weekly, tôi thấy cần nói rõ thêm.

Về dự án hỗ trợ nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL, tôi nghĩ đây là một cách tiếp thị của những nhà sản xuất thức ăn nuôi cá hay nhà nhập khẩu mà thời gian sẽ trả lời cho chúng ta về mục đích thật sự hay hiệu quả của nó. Tôi chỉ xin có ý kiến về nhận xét của nhà nhập khẩu Mỹ Tom Mazzetta khi mô tả hiện trạng ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam. Nhận xét của ông ta rõ ràng hàm chứa nhiều quy kết vội vàng.

Trong chuyến đi thực tế ở An Giang, không biết ông đã gặp gỡ được bao nhiêu hộ nuôi cá tra, ghé thăm được bao nhiêu nhà máy chế biến cá tra, mà đã vội phát biểu “quy trình nuôi và chế biến vẫn chưa hợp lý và an toàn”, “đại diện những nhà máy chế biến đều không trả lời được câu hỏi của tôi là vì sao có tình trạng bơm tạp chất vào sản phẩm cá?”.

Có thể mục đích của ông Mazzetta là nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho những sản phẩm và dịch vụ của công ty ông nhưng phát biểu kiểu này không những không đúng thực tế mà còn gây nhiễu thông tin, tạo bất lợi cho người nuôi cá và các nhà chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Thực tế là ngày 27-4-2010, Hiệp hội người nuôi cá Catfish của Mỹ (Catfish Farmers of America) đã đăng nguyên một trang quảng cáo trên một tờ báo của Mỹ với tiêu đề lớn: Nhà nhập khẩu Mỹ cho rằng cá tra của Việt Nam không an toàn, và tiếp tục nói xấu cá tra của Việt Nam như họ đã làm từ nhiều năm nay.

Thời gian qua, tuy sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam có bấp bênh do nhiều nguyên nhân, song quy mô và kỹ thuật nuôi trồng, chế biến của chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ.

Có thể khẳng định là cá tra nuôi tại các tỉnh ĐBSCL ngày nay đã đạt mức an toàn thực phẩm cao nhất so với các loại cá thịt trắng nuôi tại các nơi trên thế giới. Nhiều rào cản kỹ thuật được nhiều nước lập ra nhưng cũng không cản được con cá tra của chúng ta, một sản phẩm ngon, an toàn vệ sinh, giàu đạm thực phẩm, dinh dưỡng cao, giá cả hợp lý. Để làm được điều này nhiều người, từ nông dân nhỏ lẻ đến trang trại quy mô lớn, từ viên chức khuyến ngư đến chuyên gia các viện, trường đã không ngừng học hỏi nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi an toàn và hiệu quả.

Về chế biến thành phẩm xuất khẩu, 100% nhà máy chế biến đều áp dụng các quy trình như HACCP, SSOP, GMP trong sản xuất, đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm hàng đầu. Việc xử lý phụ gia được kiểm soát, hóa chất xử lý đều thuộc nhóm phụ gia thực phẩm an toàn (GRAS: Generally recognized as safe) được FDA (Mỹ) và EU cho phép sử dụng. Tùy theo thị trường và quy cách hàng hóa thống nhất trước với khách hàng, mức độ xử lý, tỷ lệ tăng trọng được kiểm soát phù hợp.

Bộ Thương mại Mỹ có Chương trình Kiểm tra thủy sản (US DOC Seafood Inspection Program) với các tiêu chuẩn kiểm soát và thẩm tra nghiêm ngặt song đã có hai nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam là Công ty Vĩnh Hoàn và Công ty QVD được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn.

Nêu lên vài ý kiến trên, tôi mong TBKTSG cần cẩn trọng hơn đối với thông tin có thể bị lợi dụng gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta. Các nhóm có quyền lợi xung đột, đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thủy sản luôn tìm mọi cơ hội, tận dụng từng thông tin để quy chụp, nói xấu hàng thủy sản của chúng ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới