Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

GDP quí 3-2021 giảm sâu nhất từ khi Việt Nam tính GDP đến nay

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – GDP quí 3-2021 ước tính giảm sâu đến 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý đến nay. Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trên diện rộng và việc đình đốn sản xuất, giãn cách xã hội đã gây ra những hệ lụy lớn.

Giãn cách xã hội tại TPHCM và các tỉnh phía Nam làm sản xuất, lưu thông ngưng trệ. Thiệt hại kinh tế trên quy mô cả nước được phản ánh vào các con số thống kê quí 3 năm nay. Trong ảnh minh họa là một nhà máy tại Bình Dương thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: TTXVN

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) hôm 29-9, GDP quí 3-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quí 3-2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

GDP 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74% ( đóng góp 23,52%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57% ( đóng góp 98,53%); khu vực dịch vụ giảm 0,69% (làm giảm 22,05%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm nay đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: tốc độ tăng 6,05%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Hoạt động thương mại dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Đây là ngành có tăng trưởng âm trong 9 tháng năm nay ở một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%…. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%.

GSO cũng cho biết thêm: Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9-2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 ngàn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỉ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 ngàn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

1 BÌNH LUẬN

  1. Số liệu này cho thấy rõ đây là dấu hiệu của hôi chứng 3D (Divive/ Disrupt/ Disaster – Chia cắt/ Đứt gãy/ Khủng hoảng). Cần phải hành động nhanh, có hiệu quả, tính tập trung cao để xử lý tình huống xấu này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới