Thứ Bảy, 1/04/2023, 08:24
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giá bông vải lên mức cao nhất trong một thập niên

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá cotton (bông vải) tương lai đang giao dịch với mức giá cao nhất trong một thập niên khi Trung Quốc đẩy mạnh gom nguồn cung từ Mỹ và các nước khác. Là nguyên liệu quan trọng của ngành dệt may, chi phí cotton cao rốt cục sẽ đẩy tăng giá các sản phẩm thời trang.

Giá bông vải đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9-2011. Ảnh: Bloomberg

Hôm 5-10, các hợp đồng tương lai bông vải được giao dịch với khối lượng nhiều nhất trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) ở New York (Mỹ) tăng 3,8% lên mức 1,09 đô la Mỹ /pound (0,453 kg), cao nhất kể từ tháng 9-2011. Giá bông vải đã tăng 22% trong 11 phiên giao dịch gần nhất.

Giá các nguyên liệu thô, chẳng hạn như gỗ xẻ, tăng vọt trong năm nay do nhu cầu cao và chuỗi cung ứng không ổn định, khiến hàng hóa không đến được với những khách hàng cần chúng. Giá các mặt hàng nông sản, chẳng hạn như ngô và lúa mì, cũng tăng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt do thời tiết khô hạn ở Mỹ và ở nhiều nước khác. Tuy nhiên, giá bông vải tăng cho thấy những tác động bất ngờ từ chính sách trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã cấm các công ty Mỹ nhập khẩu quần áo và các sản phẩm khác làm từ bông vải có nguồn gốc từ vùng Tân Cương, khu vực sản xuất bông vải lớn nhất của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ cho biết có bằng chứng cho thấy bông vải ở Tân Cương được sản xuất bằng bằng cách cưỡng bức lao động đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, một cáo buộc mà Trung Quốc nhiều lần bác bỏ.

Các công ty Mỹ vẫn có thể nhập các sản phẩm thời trang làm từ sợi cotton của Trung Quốc nếu như chúng có nguồn gốc ở những nơi khác bên ngoài Tân Cương. Vì vậy, các công ty dệt may Trung Quốc phải nhập bông vải của Mỹ để sản xuất áo quần và xuất khẩu ngược trở lại vào Mỹ và các thị trường khác.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), kể từ đầu tháng 8 khi niên vụ kinh doanh mới bắt đầu, doanh số xuất khẩu bông sang Trung Quốc tăng nhanh hơn 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Peter Egli, Giám đốc quản lý rủi ro của Công ty Plexus Cotton (Anh), cho biết: “Nếu bạn không thể sử dụng bông từ vùng Tân Cương, bạn buộc phải nhập khẩu thêm rất nhiều bông và sợi”. Ông nói thêm rằng Trung Quốc cũng mua bông vải từ các nước khác bao gồm Ấn Độ.

Theo báo cáo nghiên cứu gần đây nhất của ​​USDA, tiêu thụ bông ở Trung Quốc trong niên vụ hiện tại dự kiến ​​đạt 41 triệu kiện, tương đương khoảng 8,9 triệu tấn. Con số này tăng 24% trong 2 năm qua, một phần là do nhu cầu hàng tiêu dùng tăng vọt sau khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

USDA cho biết vụ thu hoạch bông trên toàn quốc đã hoàn thành 13% và 62% trong số bông đã thu hoạch có chất lượng ở mức tốt đến hoàn hảo, cao hơn so với mức 40% vào cùng kỳ năm ngoái,

Jack Scoville, nhà phân tích ở Công ty Price Futures Group, cho biết Trung Quốc đang tích cực mua bông vải trên thị trường quốc tế và Mỹ có thể cung cấp số lượng và chất lượng bông vải theo mong muốn của các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với bông vải và các nguyên liệu thô khác có thể giảm xuống trong thời gian tới. Các vụ cắt điện đã lan rộng khắp các tỉnh của Trung Quốc và các chính quyền địa phương đôi khi buộc các nhà máy phải đóng cửa để tiết kiệm điện.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp của Công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Việc hạn chế sử dụng điện ở Trung Quốc sẽ kìm hãm các hoạt động sản xuất công nghiệp cho đến khi nhu cầu suy yếu đến mức đưa thị trường điện trong nước trở lại trạng thái cân bằng”.

Bên cạnh yếu tố Trung Quốc, các nhà phân tích nhận định giá bông vải tăng một phần là do thời tiết khô hạn ở Mỹ, đe dọa sản lượng suy giảm ở nước xuất khẩu bông vải lớn nhất thế giới.

Các quỹ đầu tư tăng đặt cược lớn vào xu hướng tăng giá của bông vải, theo Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ khi nông dân trồng bông ở Mỹ bắt đầu thu hoạch mùa màng.

Robert Yawger, nhà phân tích ở Công ty Mizuho Securities, cho rằng các thương nhân ở Phố Wall đang đẩy giá bông vải lên cao hơn trong những ngày gần đây. Ông nói: “Các nhà đầu cơ bắt đầu nhập cuộc, càng khiến nguồn cung trên thị trường thêm căng thẳng”.

Giá bông vải tăng rốt cục sẽ tác động đến người tiêu dùng vì các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ tăng giá bán quần jean, áo thun và các sản phẩm thời trang khác để bù đắp chi phí. Tại Mỹ, theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của chính phủ, giá quần áo tăng 4,2% trong 12 tháng qua với áo sơ mi nam tăng 4,4%, quần dài và quần short nam tăng 6,6%, đầm nữ tăng 11,9%.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới