Giá cả ăn hết vào lương
Tâm An
![]() |
Bữa cơm trưa của một số công nhân xây dựng. Ảnh: TUỆ DOANH. |
(TBKTSG) – Tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền xăng xe đi lại cứ tăng liên tục trong khi lương chỉ tăng được một phần nhỏ khiến đời sống người công nhân ở các thành phố luôn chật vật, mệt mỏi. Giá cả đang ăn hết vào lương là cảm nhận chung của nhiều người lao động hiện nay.
Cuộc sống tối thiểu
“Con cá lóc hai chục ngàn, rau cũng hết năm bảy ngàn cho một bữa. Rồi còn gạo, dầu ăn, mắm muối… Gas một bình (loại bình gas du lịch) bây giờ sáu ngàn đấy. Ông tính coi mỗi ngày tiền ăn thôi đã hết nhiêu? Tháng ông đưa tôi hai triệu bạc mà kêu là nhiều. Ông cứ cầm tiền đi chợ một ngày rồi biết”, tiếng người vợ trong căn nhà trọ ở khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM vang lên, át tiếng người chồng đang càm ràm về chuyện tiền nong thừa thiếu. Bức tranh cuộc sống của người công nhân nơi thành phố không có nhiều sắc màu tươi vui khi áp lực công việc, tiền bạc luôn đè nặng lên mỗi người.
Hai vợ chồng trên đều là công nhân một công ty may nằm cách nhà trọ chừng năm phút chạy xe. Gọi họ là vợ chồng cũng không chính xác cho lắm, mà đúng ra, như lời chị vợ tên Hiền kể là “rổ rá cạp lại”, không có đăng ký kết hôn gì. Họ quyết định dọn về ở với nhau vì cùng cảnh ngộ và cũng là cách tiết kiệm tiền trọ. Hàng ngày, hai người đều đi làm từ sáng đến chiều tối mới về. Những hôm tăng ca thì phải tới hơn 9 giờ. Lo chợ búa, cơm nước, dọn dẹp xong là khuya, lại lo đi ngủ để sáng hôm sau đi làm. Cả tuần, hai vợ chồng nghỉ được chiều ngày thứ Bảy, ngày Chủ nhật nếu không tăng ca và đa phần ở trong nhà trọ, tranh thủ ngủ bù.
Chị Hiền nói rằng, lương của chị, cả tăng ca là 3,5-3,7 triệu mỗi tháng. Lương của anh chồng, cũng ở mức đó nhưng mỗi tháng anh chỉ đưa cho chị 2 triệu, coi như là lo tiền ăn, chị lo phần tiền nhà và các việc linh tinh. Cái phòng trọ bé xíu, như lời chị Hiền nhận xét, với 15 mét vuông tính cả gác xép ở vùng ngoại thành mà giá đã tới 1 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, tiền nước. Chị Hiền gần như không dám mua sắm gì cho riêng mình vì còn phải dành tiền, gửi về cho cha mẹ dưới quê nuôi đứa con riêng của chị. Nhắc về đứa con nhỏ vắng mẹ, chị Hiền sụt sùi “không dám mang nó lên thành phố vì không có thời gian chăm sóc, không biết xin cho nó học cách nào”.
Cách đó vài căn, qua lối đi nhỏ ven bờ kè là phòng trọ của Loan. Loan ở Vĩnh Long, lên TPHCM làm công nhân cũng đã được bốn năm. Lương công nhân ở Công ty May Donna của Loan, nếu tăng ca thì được 3,9 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng, như Loan nói, mỗi tháng cô chẳng dành dụm được bao nhiêu dù không dám mua sắm, tiêu pha gì nhiều. Để tiết kiệm, Loan không nấu ăn vì phòng trọ chật chội, toàn ăn cơm công ty và ra quán. Bữa nào không tăng ca, về sớm thì cũng chỉ ăn đỡ mì gói, tối nếu đói thì ra đầu hẻm ăn hủ tiếu xe đẩy 10.000 đồng/tô. Không biết có phải vì vậy mà cô gái 23 tuổi này ốm nhách, cao kều.
Cuộc sống ở khu nhà trọ này diễn ra lặng lẽ. Họ lặng lẽ đi làm, lặng lẽ về lục cục những bữa cơm đơn giản rồi lặng lẽ đi ngủ. Trò giải trí duy nhất của cả vợ chồng chị Hiền là thi thoảng sang phòng trọ kế bên, góp tiền mua đồ về nấu lên lai rai rồi hát karaoke với nhau.
Giá cả ăn hết vào lương
Nói như chị Hiền, ai chẳng muốn được ăn tiêu, vui chơi thoải mái nhưng lương hướng vầy, giá cả vầy nên không đủ vừa ăn tiêu cho mình, vừa nuôi con. “Khổ lắm, bữa nào ra chợ cũng rảo tới rảo lui xem mua gì cho rẻ. Nhưng cái gì cũng mắc, nhất là mỗi lần xăng tăng giá là biết ngay, đi chợ mắc hơn hôm trước mấy ngàn dù vẫn chừng đó đồ ăn”, chị Hiền than.
Anh Lại Đức Nam, quản đốc ở Công ty TNHH Minh Mẫn, chuyên về in điện tử, có trụ sở tại quận 12, TPHCM so sánh: hồi năm 2010, một phòng trọ 15 mét vuông ở khu vực quận 12 có giá 500.000 đồng/tháng cho ba người ở. Vậy nhưng hiện nay đã là 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tiền điện lên 3.000 đồng/kWh, tiền nước 18.000 đồng/mét khối. Thịt heo năm 2010 chỉ 40.000 đồng một ki lô gam thì nay đã 80.000 đồng. Trong khi đó, lương thử việc của một công nhân mới vào chỉ tăng từ 1,8 triệu đồng (năm 2010) lên mức 2,5 triệu đồng như hiện nay. “Giá cả tăng như thế thì lương nào tăng cho lại”, anh Nam nói.
Vì vậy, theo anh Nam, đời sống người lao động chật vật phần nhiều là do giá cả chứ không hẳn do lương thấp. Như lương trung bình của công nhân thạo việc ở công ty anh Nam, từ 3,5-5 triệu đồng/tháng là tạm xứng đáng với sức lao động và thuộc dạng trung bình khá trong mặt bằng chung. Vậy nhưng, các chi phí cho cuộc sống lại đang quá cao, và tăng liên tục khiến lương không đủ bù đắp. “Ai đời, một phòng trọ ọp ẹp, nhìn vào đã không muốn ở mà chủ nhà hét 800.000/tháng. Nhưng vì cầu nhiều hơn cung nên cũng phải nhắm mắt thuê”, anh Nam kể chuyện tìm nhà trọ của một đồng nghiệp. Kể cả anh Nam, thu nhập của quản đốc mỗi tháng được 11 triệu, nhưng vẫn phải tằn tiện lắm, không dám có nhu cầu du lịch, giải trí gì mới đủ trang trải cuộc sống gia đình gồm hai vợ chồng và cô con gái bảy tháng tuổi.
“Thực sự, công nhân chúng tôi cũng không quan tâm bao nhiêu đến tăng giảm lương tối thiểu đâu. Quan trọng là mỗi tháng, chúng tôi nhận được bao nhiêu và giá cả ngoài chợ kia đừng tăng vùn vụt để biết đường chi tiêu. Chứ giá cả cứ ăn hết vào lương thế này thì người lao động luôn chật vật”, anh Nam nói.
Tăng lương tối thiểu: cả doanh nghiệp và người lao động đều thiệt Đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang: Nếu tăng lương tối thiểu thì người lao động bị trừ tiền đóng bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp nhiều hơn. Còn với doanh nghiệp, tăng thêm 35% thì phần đóng bảo hiểm đội lên tương ứng, đẩy giá thành tăng lên. Vậy nhưng, trong tình hình này, hàng hóa bán chậm thì đâu thể tăng giá. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, tăng khó khăn cho sản xuất kinh doanh và lại gây áp lực lên người lao động, lương thưởng không được cao như lúc “ăn nên làm ra”. Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nội thất D’Furni: Tôi biết có những doanh nghiệp đề nghị tăng giá đơn hàng 10% nhưng chỉ được đối tác nước ngoài chấp nhận 2-3% trong khi các chi phí đầu vào đều đã tăng nhiều. Doanh nghiệp vẫn tăng lương hàng năm cho người lao động trên cơ sở tính toán cân đối giữa doanh thu thực tế, tình hình lạm phát và các quy định về lương cơ bản. Nhà nước thường có quy định tăng lương tối thiểu gần như hàng năm, cân theo lạm phát. Nhưng tôi nghĩ, lần tăng đề nghị 35% này không dựa vào tiêu chí nào cả. Mức tăng 35% là con số quá lớn đối với doanh nghiệp cả thời điểm này lẫn đầu năm sau. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Hiện tại, doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động trên 3 triệu đồng/tháng/người, cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu quy định. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, khiến doanh nghiệp tốn thêm một số tiền lớn, nhất là những doanh nghiệp đông công nhân. Với những doanh nghiệp có từ 2.000-3.000 công nhân, tiền đóng bảo hiểm y tế, xã hội lên đến cả tỉ đồng mỗi tháng. Nếu tăng lương tối thiểu thêm 35% như đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì con số này sẽ tăng thêm trên 300 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, người lao động, đối tượng mà chính sách hướng đến lại không được hưởng lợi từ việc tăng lương do phần lương thực nhận sau khi trừ các khoản lại giảm xuống so với trước khi tăng lương tối thiểu. Lương nằm trong cơ cấu giá thành của sản phẩm, đã được tính toán. Tăng lương tối thiểu lúc này sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng thêm, trong lúc sức tiêu thụ ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều đang gặp khó. Tôi nghĩ, cần phải coi sức lao động là hàng hóa và để thị trường quyết định chứ không phải bằng các mệnh lệnh hành chính. Tăng lương tối thiểu vào đầu năm tới, không phải là quyết định đúng thời điểm, đẩy doanh nghiệp thêm khó mà cũng không có lợi cho người lao động. |