Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cả đang “leo thang” nhanh hơn  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cả đang “leo thang” nhanh hơn  

Giá thịt, cá, rau quả ở chợ tăng mạnh, từ 10-20% – Ảnh: HỒNG VĂN

(SGTO) – Việc tăng giá xăng thêm 1.700 đồng/lít cách đây vài ngày càng khẳng định giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường sẽ càng “leo thang” nhanh hơn, đặc biệt trong thời điểm mua sắm cuối năm. Các phóng viên của SGTO đã ghi nhận thực tế cũng như trao đổi thêm với các nhà quản lý thị trường.  

>> Mời bạn đọc bấm vào đây để cùng bình luận về cơn “sốt” giá cả cuối năm này.  

Hội đồng tư vấn thông tin- Bộ Công Thương đưa ra dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước 11 tháng đầu năm tăng tới 8,52%. Như vậy, mục tiêu kiềm chế CPI thấp hơn chỉ tiêu GDP cả nước năm 2007 là 8,5% mà Quốc hội mới biểu quyết ngay trong tháng 11 đã thất bại.  

Một chuyên gia kinh tế phân tích rằng, chưa đến tháng cao điểm nhất trong năm (tháng 12) mà cơn bão tăng giá đã dồn dập bị đẩy lên thì chắc chắn CPI cả nước năm 2007 sẽ là hơn 9%. Không có cách gì để CPI thấp hơn mục tiêu tăng trường GDP 8,5% mà các đại biểu Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn đạt được.  

Ở xa nơi nghị trường, chợ luôn là “nhiệt kế” đo các cơn “sốt” giá, ngay khi giá xăng mới vừa niêm yết. Tại các chợ ở Hà Nội, giá thực phẩm tươi sống tăng hàng ngày, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn (giá thịt thăn hiện đã tăng từ 60.000đồng/kg lên 65.000đồng/kg). Mặt hàng dầu ăn, nhóm hàng công nghệ phẩm thiết yếu, lại tiếp tục một đợt tăng giá mạnh, thêm từ 10% đến 15%; mỗi lít dầu ăn đến tay người tiêu dùng đã “gánh” thêm 2.000 đồng.

Thống kê của Sở Thương mại Hà Nội cho thấy, trong mười nhóm hàng chính để tính chỉ số giá, nhóm lương thực thực phẩm tăng cao nhất (1,59%). Mặt khác, đây lại là lúc nhu cầu của người dân đang tăng; dự báo nhu cầu lương thực trong tháng Tết cho riêng thị trường này phải cần thêm 50.000 tấn.  

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nói: “Kiềm chế tốc độ tăng giá là nhiệm vụ số một của chúng tôi để hạn chế sự đầu cơ, liên kết, độc quyền… trên thị trường”. Thế nhưng, theo một số chuyên gia kinh tế nhận định, như một tác động dây chuyền, việc tăng giá xăng dầu sẽ càng làm nhiều mặt hàng “ăn theo” tăng giá mà vốn trước đó cũng đã tăng giá. Từ nay đến Tết, một số nhóm hàng nhạy cảm như dịch vụ ăn uống, thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng… được dự đoán là sẽ  tiếp diễn câu chuyện tăng giá vào cuối năm; nhất là sau những diễn biến không ổn định của thị trường thế giới, cùng với thiên tai và dịch bệnh liên tục xảy ra trong nước những tháng qua.  

Theo dự báo của ông Chu Quang Vũ, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Thép Hòa Phát (đơn vị đang nắm giữ việc cung cấp khoảng 48% thị phần thép cho các công trình xây dựng phía Bắc), giá thép thành phẩm có thể lên đến 13 triệu đồng/tấn trong tháng 12 (tăng thêm 1 triệu đồng/tấn so với hiện tại) do kết thúc mùa mưa và các công trình đều phải đẩy nhanh tiến độ để giải ngân. Trong khi ấy, nguồn nguyên liệu chính của ngành thép là phôi thép nhập khẩu (nhu cầu nhập từ 70% đến 90%) lại phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi đã tăng thêm 10% giá xuất khẩu phôi thép và 5% giá hàng thành phẩm từ hai tháng qua.  

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thì chỉ ra rằng, giá dầu mazut tăng, chi phí nhiên liệu “đội” thêm 95.000đồng/tấn thép. Như vậy, với số lượng 400.000 tấn thép dự kiến sẽ tung ra thị trường dịp cuối năm, chi phí sẽ tăng thêm 38 tỉ  đồng.  

Trước tình hình tăng giá mạnh, tuần trước, Sở Thương mại Hà Nội đã họp với các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn để lên kế hoạch dự báo nhu cầu thị trường và khả năng cung cấp hàng hoá nhằm tránh bị động. Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết sở sẽ kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.    

Trong khi ấy, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái (nhà phân phối lớn nhất cho hệ thống các siêu thị ở phía Bắc) cho biết doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất từ bốn tháng trước để ổn định giá, đặc biệt là chú trọng hàng thực phẩm, tiêu dùng, hoa quả tươi.  

Ông Chu Xuân Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nói: “Chúng tôi cũng tìm và khai thác nguồn hàng để cung ứng cho hệ thống bán lẻ Hapro mart, khai thác hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh lân cận. Dự trữ sớm là một biện phá tích cực để kiềm chế tăng giá”.  

Ông Ngô Trí Long, Tổng biên tập Bản tin thị trường (Viện Nghiên cứu giá cả thị trường) phân tích rằng Bộ tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu 18 mặt hàng nhưng chưa thấy tác động giảm giá (ngoại trừ các mặt hàng do nhà nước quy định). Việc đoàn kiểm tra của Bộ tài chính mới đây thu hồi 350 triệu đồng từ các doanh nghiệp được giảm thuế mà không giảm giá thực tế không thấm vào đâu so với những gì mà các doanh nghiệp này được hưởng lợi.  

Trong khi ấy, theo một chuyên gia kinh tế nhận định, giá bán mặt hàng là do doanh nghiệp quyết định nhưng cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả ở mức hợp lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng bối cảnh giá cả leo thang để cố tình tăng giá; hoặc do doanh nghiệp không có cơ chế kiểm soát tốt chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm, dẫn đến hễ giá đầu vào tăng là giá bán tăng theo.   

“Giá cả vẫn còn biến động mạnh tăng từ nay đến cuối năm”- Ông Long nói: “Vấn đề hiện tại là cần bình ổn giá lương thực và thực phẩm vì hai nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong các nhóm hàng chính của chỉ số CPI”.   Cách gì đi nữa thì người dân cuối cùng vẫn phải gánh chịu cơn “bão” giá. Và bình ổn được giá đã được xem như thành công, dù không nhiều hy vọng.  

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới