Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê không tăng trong cơn khủng hoảng tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê không tăng trong cơn khủng hoảng tài chính

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và hoảng loạn tại sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa nguyên liệu. Với cà phê robusta, đồng bản tệ mất giá của các nước cạnh tranh trên thị trường làm họ dễ chấp nhận giá để bán ra. Giá cà phê trong nước và trên sàn kỳ hạn xuống thấp, xuất khẩu cà phê Việt Nam chậm lại. Hình như chưa có biện pháp giải vây cho hạt cà phê xuất khẩu đang lao đao.  

Thị trường tài chính: Bức tranh nhòe màu

Giá cà phê không tăng trong cơn khủng hoảng tài chính
Biểu đồ 1: Lợi suất nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa giảm giá sau trưng cầu dân ý của Hy Lạp (nguồn: investing.com)

Nhân dân Hy Lạp quả quyết nói “không” với các yêu cầu thắt lưng buộc bụng của chủ nợ qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7-2015. Cứ tưởng Thủ tướng Hy Lạp sẽ dùng kết quả ấy để dễ bề thuyết phục các vị lãnh đạo khối sử dụng đồng euro (eurozone). Nhưng trước sức ép của chủ nợ phải cải cách kinh tế, Hy Lạp mấy ngày gần đây phải nhượng bộ để nhận gói cứu trợ nhằm đưa hệ thống ngân hàng mở cửa hoạt động trở lại sau nhiều ngày đóng cửa vì hết tiền. Như vậy, khả năng Hy Lạp ở lại eurozone vẫn còn. Thị trường tạm thời quên “Grexit”, từ ám chỉ Hy Lạp ra khỏi eurozone. Điều này làm giúp vơi đi tâm lý đè nặng trên đồng euro bị mất giá so với đồng đô la Mỹ.

Cùng thời gian ấy, thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) chứng kiến một đợt bán tháo chưa từng có. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, thị trường tại đó mất trên 3.200 tỉ đô la Mỹ. Tâm lý hoảng loạn lây lan qua các sàn kinh doanh tài chính khác đã góp phần làm chồn chân thị trường hàng hóa.

Đồng euro trong cơn khủng hoảng, các sàn chứng khoáng hoang mang, giá trị đồng đô la Mỹ được dịp tăng mạnh làm lao đao nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa như giá dầu thô giảm mất 8% chỉ trong thời gian ngắn. Chỉ vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, giá nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa đua nhau giảm, trong đó các sàn cà phê cũng chịu chung số phận (xem xem biểu đồ lợi suất đầu tư của một số sàn kỳ hạn phía trên).

Mới vài ngày qua, chính quyền các nước và giới tài chính cố gắng hiệu chỉnh tình hình nhưng bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn còn nhòe nhoẹt, khó nhận diện.

Giao dịch cà phê yếu, bán ra chậm

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)

Thật vậy, vừa có kết quả trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, giá kỳ hạn cà phê Ice London ngày đầu tuần mất ngay 37 đô la/tấn chỉ còn lại 1711 đô la/tấn so với giá đóng cửa ngày thứ Sáu 3-7 và mới vực nhẹ lên lại khi có tin Hy Lạp đã chịu nhượng bộ và theo hướng cải cách. Mặt khác thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đang cố gắng gượng lại.

Giá kỳ hạn cà phê arabica New York không sáng sủa hơn, nay đang ở quanh mức 125 xu/cân Anh (cts/lb), là mức thấp nhất tính từ cả năm nay.

Giá trên sàn kỳ hạn yếu, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu nên lượng bán ra không nhiều. Trong những ngày cuối tuần qua, giá cà phê nguyên liệu trên các tỉnh Tây Nguyên quanh mức 36,5 triệu đồng/tấn, mất chừng 1 triệu đồng/tấn so với tuần trước.

Của mình chê, người khác lấy

Dù xuất bán không nhiều, giá trên các thị trường vẫn không tăng do hàng robusta tại các nước cạnh tranh như Indonesia và Brazil đang ra mùa. “Indonesia và Brazil đang thay thế Việt Nam bán mạnh robusta trên thị trường,” đại diện một công ty kinh doanh cà phê nước ngoài có văn phòng tại TPHCM cho biết.

“Dù ở đây chúng tôi trả giá xuất khẩu cho loại 2,5% mức cộng 50-60 đô la/tấn, vẫn khó mua hàng. Trong khi tại Indonesia, hàng cùng chất lượng, giá rẻ hơn chừng 10-20 đô la/tấn, vẫn có cà phê để mua thay thế”, vị đại diện nói.

Tin trên mạng dẫn nguồn của một hãng thông tấn uy tín nước ngoài cho biết rằng chỉ trong quí 1-2015, do Việt Nam giữ hàng chờ giá, Indonesia đã tranh thủ bán được 59.590 tấn, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biểu đồ 3: Đồng Real Brazil mất giá so với đồng USD làm hạ giá nhiều hàng hóa nông sản (nguồn: investing.com)

Một nhà phân tích thị trường tại TP HCM cũng cho biết rằng Brazil bán robusta khá mạnh từ cả năm nay. Tính đến hết tháng 6-2015, nước này xuất khẩu chừng 4 triệu bao cà phê robusta cho thị trường thế giới. Nhà phân tích cũng cho biết khi các nhà xuất khẩu chúng ta “không mua hàng được để giao vì không khớp giá được với nhà nhập khẩu, các hãng kinh doanh đã đua nhau qua Brazil mua hàng để đưa sang châu Âu,” ông nói.

Tính đến ngày 6-7, khối lượng cà phê được sàn kỳ hạn cấp giấy chứng nhận chất lượng đạt 191.550 tấn, tuyệt đại bộ phận tồn kho đạt chuẩn ấy có xuất xứ từ Brazil. “Khác với trước đây, khi khối lượng tồn kho loại này tại sàn kỳ hạn ở mức gần 420.000 tấn, cà phê robusta Việt Nam chiếm gần 400.000 tấn”, ông giải thích.

Giá kỳ hạn cà phê robusta đóng cửa phiên cuối tuần chốt mức 1.723 đô la/tấn, giảm 25 đô la/tấn; sàn arabica đóng cửa ở mức 126.15 cts/lb, giảm 1,25 cts/lb so với tuần trước (xin xem biểu đồ 2).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới