Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê: Liệu có cơ hội tăng cao hơn đầu vụ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê: Liệu có cơ hội tăng cao hơn đầu vụ?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá kỳ hạn và giá cà phê robusta trong nước tăng lên mức cao nhất tính từ hai tuần nay nhưng vẫn chưa bằng đầu vụ vào tháng 10-2014. Liệu còn cơ hội tăng bằng hay cao hơn chăng? Nhiều khi giá xuống, nhiều người trên thị trường trong nước đổ lỗi cho bạn hàng bên mua vì nghi họ ép giá. Đâu là (một phần) sự thật? 

Giá cà phê: Liệu có cơ hội tăng cao hơn đầu vụ?
Biểu đồ: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu (tác giả tổng hợp)

Rộn ràng giá lên

Thị trường cà phê trong nước trở nên nhộn nhịp hơn khi giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên tăng lại lên mức 39 triệu đồng/tấn trở lên. Lượng bán ra không nhiều vì chủ yếu từ người sản xuất bán một ít để đủ lấy tiền trang trải các khoản tưới tắm và phân bón. Trong khi đó, hàng trong tay các nhà đầu tư “tay ngang” vẫn phải nằm yên do ở các mức giá hiện nay vẫn chưa đủ “sở hụi” vì giá đầu vào cộng với các chi phí, hao hụt tự nhiên của cà phê tích trữ nay tính phải trên 41-42 triệu đồng/tấn mới đến điểm hòa vốn.

Đúng vậy, người mua đi bán lại đã mua lỡ cà phê lúc giá cao nay đang mong từng ngày giá làm sao lên trên 40 triệu đồng/tấn để bung hàng, giúp giảm hoặc may lắm là thoát lỗ. “Giá cà phê kiểu này chịu hết nổi rồi. Mong giá lên dù không hơn cũng phải bằng giá đầu vụ. Nếu không thì dân buôn bán như tôi sẽ vỡ nợ mất. Đầu mùa, thấy giá 40,2 triệu đồng/tấn, nghĩ là rẻ, tôi mua vào 100 tấn. Chưa tính chi phí làm giá thành còn cao hơn, nhưng giá vẫn chưa lên. Mong sao giá lên bằng hoặc thêm được chút đỉnh để cứu lại một ít…,” một người lấy tên Thái Hà phát biểu trên mạng thông tin cà phê như thế.

Thực tế khác ước vọng

So với nhiều nhà đầu tư mua trữ, người sản xuất còn hàng trong tay rõ ràng có lợi thế nhiều hơn vì họ chỉ cân đối giữa giá thị trường với giá thành sản xuất. Hơn nữa, trừ người ở trong vùng đang bị hạn hán hoành hành và chịu các trận mưa đá như mới đây tại tỉnh Lâm Đồng, một số vùng nhận được những cơn mưa “vàng” đem ẩm mát về cho cây cà phê bắt đầu nao núng, mất tính kiên trì sau khi trữ hàng đã hơn sáu tháng, tính từ đầu niên vụ 1-10-2014 đến nay, dù giá chưa lên mạnh vẫn phải bán ra một ít trang trải các chi phí sản xuất.

Như vậy, trên thị trường người sản xuất xem ra thực tế hơn vì nếu cần tiền, ở lúc nào thấy thuận tiện là họ đưa hàng ra bán chủ yếu để tái đầu tư. “Bán kiểu này cũng chẳng ảnh hưởng đến giá vì bán rỉ rả không tạo nên lực bán mạnh gây sức ép lên giá”, một chuyên gia thị trường nhận xét.

Trong khi đó, những người hiện trữ hàng vì ước vọng giá tăng, thị trường thường gọi là đầu cơ “tay ngang”, luôn phập phồng lo âu nhưng nếu giá không tăng bằng “sở hụi”, đành phải bó tay ngồi chờ trong thế thụ động.

Nhà đầu cơ thường phải mong ngóng giá kỳ hạn tăng đúng “khất” mới có cơ hội bán ra, khác với nhà nông – cứ thấy giá trong nước được là bán, nhiều hay ít còn tùy nhu cầu tiền mặt của gia đình.

Rủi ro khi đầu cơ mua trữ cà phê cũng nằm ở đây. Khi người đầu cơ “cầu mong” giá lên 1.950-2.000 đô la/tấn trên sàn kỳ hạn để bán, thì có thể có người phỗng tay trên, bán khi mức giá 1.850-1.900 đô la/tấn rồi.

“Cà phê ảo” làm chao đảo “cà phê thực”

Một số người khi trao đổi trên mạng nhiều lần cho rằng giá nội địa không lên nổi vì người mua hàng ép giá trên sàn. Điều đó chỉ đúng trong một số ít trường hợp. Ở nhiều lúc khác, chính những nhà đầu tư tài chính nhỏ to trên sàn kỳ hạn mua bán cà phê “hợp đồng ảo” hay còn gọi là thị trường hàng giấy (paper market) chỉ thấy giá nhích lên có lời đôi chút là họ bán ra hay mua vào, thậm chí có lúc đầu cơ nhỏ rủ nhau mua là mua chung, bán là bán chung, nên khi thiệt hại, không chỉ họ chịu thua tiền mà hàng họ còn trữ trong kho không thể nào bung được, do ảnh hưởng ấy, nông dân cũng khó bán hàng.

Giá sàn robusta châu Âu đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua 11-4 chốt mức 1.837 đô la/tấn, là mức cao nhất tính từ hai tuần nay (xin xem biểu đồ). Giá kỳ hạn phải lên 1.900 đô la/tấn để đạt mức tương đương 40 triệu đồng/tấn. Nhưng, có ai biết rằng khi giá kỳ hạn đạt mức 1.850-1.870 đô la/tấn, lực lượng mua bán “hàng ảo” trên mạng trong và ngoài nước bán ra ào ạt, thậm chí có thể bán khống để đón giá xuống vì có thể họ nghĩ rằng giá khó lên chẳng hạn, “đổ tội” hiện tượng này cho người mua hàng thực (physical market) rõ ràng là chưa thấu hiểu chín chắn cách vận hành của thị trường cà phê hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới