Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê tăng ngay thời điểm Brexit

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê tăng ngay thời điểm Brexit

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Ngày cuối cùng của tháng 1-2020, người dân Vương Quốc Anh mừng lễ đánh dấu ngày rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau gần 50 năm hai bên gắn bó. Cùng lúc, giá cà phê phái sinh Robusta đóng tại London bùng phát tăng mạnh, không phụ lòng mong đợi của nhà vườn và các nhà xuất khẩu.

Một tuần lận đận và đầy lo lắng

Nếu như tối ngày 31-1 người dân Anh reo mừng vì ước mong ra khỏi EU (Brexit) của Anh chính thức trở thành hiện thực, thì người làm cà phê Robusta khắp nơi cũng được chia phần vui nhờ giá cà phê London tăng ngược trở lại.

Giá cà phê tăng ngay thời điểm Brexit
Giá cà phê phái sinh Robusta đóng tại London tăng mạnh ngay sau khi Anh chính thức rời khỏi EU, khiến người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vui mừng. Ảnh minh họa: voh.com.vn

Nhiều nhà vườn và chủ vựa cà phê ở Tây Nguyên sáng 1-2 đã điện thoại hỏi nhau chuyện mua bán đầu năm trong tiếng cười tươi tắn.

Số là giá cà phê phái sinh London đã chạy một mạch từ đỉnh 1.374 đô la Mỹ/tấn lập vào đêm Giao thừa Tết Canh Tý xuống đáy 1.287 phiên 30-1, ngày thực hiện Brexit 31-1 còn chạm 1.292 đô la nhưng rồi bật nhanh liền sau đó để có đỉnh 1.339 và cuối phiên đóng cửa ở 1.334 đo la/tấn.

Trong những ngày vui Tết Nguyên đán, các nhà đầu tư trên sàn bán tháo mạnh sau khi dịch bệnh viêm phổi do chủng mới virus corona (nCoV) ngày càng lan rộng, điều này đẩy giá càng giảm sâu. Tâm lý thị trường tài chính càng tiêu cực khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31-1 công bố dịch viêm phổi xuất phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

“Không có ngày Brexit, chắc chúng tôi vẫn sống trong tâm trạng lo lắng vì giá cà phê giảm. Sàn London sau đúng một tuần giao dịch, giá cứ tuột không ngớt cho đến sáng 31-1-20 giờ London”, anh Ba Tiến, một chủ vựa cà phê nói qua điện thoại từ TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông với niềm vui mừng. Anh nói tiếp: “Thật ra, giá chưa lấy lại đỉnh của ngày Giao thừa, nhưng đối với bọn tôi, giám bớt được áp lực ghê gớm”.

Thật vậy, cà phê mua vào trước Tết Nguyên đán chưa kịp bán thì bị “trật chuyến” vì đợt nghỉ kéo dài, gặp phải lúc giá trên sàn cà phê London liên tục giảm, nhiều chủ vựa ngồi trên cà phê như ngồi trên đống lửa. “Có lúc người ta chỉ trả 30,5 triệu đồng/tấn trong khi trước Tết đã thu vào 31,5-32,5 triệu đồng/tấn, dịch virus corona tai hại làm bọn tôi không viêm phổi cũng phải “xốp phổi!”, anh Ba Tiến ví von.

Giá cà phê còn nhiều ly kỳ

Một số người có kinh nghiệm về thị trường cà phê cho rằng giá tăng trong ngày Brexit không phải là chuyện ngẫu nhiên. “Brexit là ngày đã được lên lịch. Trước đó cả tháng, giá hai sàn phái sinh bán tháo nên theo chiều giảm là chủ yếu. Có thể người tham gia trên hai sàn muốn chờ đợi đến tận giờ phút cuối tháng, khi tiếng chuông Big Ben đổ, bấy giờ mới hứng chí mua lại để làm kỷ niệm và gởi một lời chào mừng”, một chuyên gia giải thích như trích từ truyện tiểu thuyết.

Hy vọng hứng khởi giá tăng nhờ Brexit kéo dài đôi ba ngày. Nhưng trước mắt còn chưa hết ly kỳ lắm, vị này nói.

Thật vậy, thị trường cho rằng do dịch viêm phổi 2019-nCoV, nhịp độ mua bán hàng hóa trên toàn cầu có thể còn yếu nữa, nhất là TQ là nước tiêu thụ nguyên liệu nhiều gồm cả nông sản. Nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam và các nước lân cận sang TQ đang “tắc đường” do dịch bệnh quái ác đang hoành hành, đặc biệt tại TQ.

Chính vì vậy, sức mua cả hàng thực lẫn hàng giấy trên các sàn thương phẩm có khả năng rớt tiếp. Thị trường cà phê sau 3 năm liên tục giảm, nay không thoát khỏi cảnh lận đận. Tại Trung Quốc, nhiều chuỗi hàng cà phê đa quốc gia lớn như Starbucks, McDonald đều tạm ngừng phục vụ do sợ bệnh lây lan.

Mặt khác, tại Brazil, chỉ còn 2 tháng nữa là ra mùa cà phê Robusta vụ mới 2020-2021. Đánh giá ban đầu của các đơn vị định mức cho thấy năm này cà phê Brazil được mùa lớn.

Dù sao, chuyện mùa lớn mùa nhỏ chưa quan trọng. Điều đáng ngại là do tình hình kinh tế-tài chính toàn cầu có nhiều bất ổn, từ y tế đến khủng hoảng địa chính trị tại Iran, sợ các quỹ đầu tư tài chính trên sàn bán tháo làm giá cà phê không dễ thoát được khó khăn.

Tháng đầu năm tính đến 31-1-2020, giá cà phê phái sinh sàn arabica New York mất 20,86% hay 27,05 cts/lb tức 596 đô la/tấn (129.70-102.65 cts/lb); sàn robusta, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, giảm 48 đô la/tấn (1.382-1.334). Giá cà phê nội địa ngày 1-2 mua bán quanh mức 32-32,5 triệu đồng/tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới