Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cả vẫn khó lường!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cả vẫn khó lường!

Minh Tâm

Khách hàng chọn mua đường tại siêu thị Co.opMart – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cục Thống kê TPHCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của thành phố với mức tăng cao nhất từ đầu năm: 1,73% so với tháng 10. Các cơ quan quản lý đang tập trung thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm kềm giữ giá, tuy nhiên theo nhiều dự đoán, thời gian tới tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đường vẫn mua theo định mức, giá thịt heo vẫn tăng

Đầu tuần trước, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức cuộc họp đột xuất với đại diện một số siêu thị trên địa bàn và ba doanh nghiệp nhận vốn vay hỗ trợ để làm nhiệm vụ bình ổn giá mặt hàng đường là Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM và Công ty cổ phần Thành Thành Công. Nguyên nhân là do thị trường đường liên tục “nóng”, nhiều siêu thị phản ánh không được giao đường với giá bình ổn.

Tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải giữ nguyên giá bán như cam kết đồng thời đưa hàng xuống các siêu thị theo định mức. Bà Đào khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện thiếu đường. Các doanh nghiệp đã cam kết giữ giá và dự trữ đủ hàng. Trong thời gian tới, nguồn cung trên thị trường cũng sẽ dồi dào hơn khi các nhà máy vào vụ sản xuất”.

Tuy nhiên, một tuần trôi qua nhưng thị trường đường xem ra vẫn còn rất nóng. Theo khảo sát của TBKTSG, các siêu thị hiện vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp bán theo định mức nhằm ngăn chặn tình trạng tiểu thương vào thu gom mang ra ngoài bán hưởng chênh lệch.

Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ vào chiều ngày 21-11, kệ bán đường chỉ còn khoảng chục gói RE Biên Hòa loại 1 ki lô gam với giá niêm yết: 22.700 đồng/ki lô gam. Loại đường Bon – su giá 20.000 đồng/ki lô gam không còn gói nào. Tương tự, hai loại đường RE của Công ty Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và Thành Thành Công (đường thuộc diện bình ổn giá) không hề có hàng. Khách hàng dù mua loại nào cũng chỉ được 1 ki lô gam/người/ngày. Tương tự, tại siêu thị Maximark Cộng Hòa, kệ bán đường trống trơn, chỉ có một số ít đường RE Biên Hòa để trong bao lớn trên sàn. Giá bán loại đường này được niêm yết 23.000 đồng/ki lô gam, tuyệt nhiên không thấy đường thuộc diện bình ổn. Đại diện Big C và Maximark lý giải: nhà cung cấp giao hàng đúng cam kết nhưng do nhu cầu mua quá cao, hàng đưa ra bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Với mặt hàng thịt heo, sau một thời gian dài ở mức thấp do tác động của dịch bệnh heo tai xanh, từ hai tuần nay đã tăng giá thêm từ 5.000-10.000 đồng/ki lô gam tại các chợ lẻ và một số siêu thị. Thịt ba rọi tăng từ mức 72.000-75.000 đồng lên trên 80.000 đồng/ki lô gam; sườn non tăng từ 90.000 đồng/ki lô gam lên 95.000-98.000 đồng/ki lô gam; nạc vai tăng lên 78.000-80.000 đồng/ki lô gam… Chị Nhi, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, cho biết nguyên nhân tăng là do giá tại chợ đầu mối tăng. “Loại nào cũng tăng. Mà còn tăng liên tục. Đợt đầu thì tăng vài ngàn, bây giờ thì tăng cả chục ngàn đồng mỗi ki lô gam. Mua vào đắt nên bắt buộc bán ra giá phải cao hơn”, chị Nhi nói.

Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cũng xác nhận, giá thịt heo về chợ đã bắt đầu điều chỉnh từ ngày 5-11. Giá heo hơi loại 1 tăng từ 33.000 đồng/ki lô gam lên 34.000 đồng/ki lô gam rồi lên 36.000 đồng/ki lô gam, 36.500 đồng/ki lô gam và hiện đang là 38.000 đồng/ki lô gam (thời điểm ngày 22-11). Giá heo hơi tăng đã đẩy giá các loại thịt pha lóc tăng thêm từ 5-15% so với cách đây một tháng.

Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phấm Phú An Sinh (PASFOOD), ở khu vực miền Đông Nam bộ, có những thời điểm thương lái Trung Quốc đã đẩy giá mua lên tới 38.000-40.000 đồng/ki lô gam heo hơi để gom hàng đưa về Trung Quốc. Ông Minh nói: “Hiện giá heo trên thị trường TPHCM và khu vực miền Đông Nam bộ đang ở mức 36.000 đồng/ki lô gam do thương lái Trung Quốc bắt đầu chuyển địa bàn xuống miền Tây khi nhiều tỉnh ở khu vực này công bố hết dịch”.

Giữ được đến đâu thì giữ

Theo ông Minh, giá thịt heo từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục căng thẳng do phải chịu nhiều áp lực. Cụ thể, giá đầu vào bao gồm thức ăn chăn nuôi, con giống, chi phí thú y đều đang tăng mạnh. Giá thức ăn chăn nuôi từ giữa tháng 10 đến nay đã năm lần điều chỉnh đẩy giá các loại nguyên liệu như bắp tăng từ 5.000 đồng lên 6.600 đồng/ki lô gam; khoai mì khô lên mức gần 5.000 đồng/ki lô gam… Con giống khan hiếm sau dịch bệnh cũng tăng giá theo giá heo thịt (do cách tính giá heo giống bằng hai lần heo thịt). Ở đầu ra, ông Minh cho rằng tình trạng thương lái gom hàng đưa ra phía Bắc đã khiến nguồn cung ít đi trong khi vào dịp cuối năm nhu cầu luôn tăng cao.

Với nhiều mặt hàng tiêu dùng, sau đợt tăng giá vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, bắt đầu từ ngày 15-11 lại có thêm đợt điều chỉnh giá mới. Theo các siêu thị, đợt tăng giá này diễn ra ở hầu hết các mặt hàng với mức tăng từ 5-15%.

Theo bà Trần Ngọc Tuyết Thu, Phó giám đốc marketing của hệ thống siêu thị Vinatex (Vinatexmart), đơn vị này vẫn đang phải thương lượng với nhiều nhà cung cấp trước yêu cầu tăng giá. Tuy nhiên, giữ được đến lúc nào thì chưa thể nói trước.

Hiệu quả chính sách kiểm soát giá: chưa thể đo lường

Với mục tiêu kềm giá, các cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt biện pháp kiểm soát thị trường. Bộ Tài chính yêu

cầu các sở tài chính kiểm soát việc đăng ký giá của các mặt hàng có trong danh mục phải đăng ký giá với địa phương theo Thông tư 122/TT-BTC; kiên quyết không cho tăng giá bất hợp lý. Mới đây nhất, bộ này cũng đã ra quyết định tổ chức 16 đoàn để kiểm tra việc đăng ký giá tại 16 doanh nghiệp ở các lĩnh vực: sữa, phân bón, mía đường… Từ nay đến cuối năm, bộ cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra xuống từng địa phương giám sát việc thực hiện kiểm soát giá như chỉ đạo.

Tại TPHCM, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng tạo sốt ảo. Phó chủ tịch UBND thành phố, bà Nguyễn Thị Hồng, yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tăng cường người tại các điểm bán hàng bình ổn để giám sát, loại trừ các đối tượng mua hàng bình ổn để bán ra bên ngoài hưởng chênh lệch. Trong khi đó, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá phải tăng cường thêm các điểm bán hàng theo hướng phân bổ rộng, đều; đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người có thu nhập thấp. Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương TPHCM phải phối hợp với các quận, huyện xây dựng các cửa hàng bán tập trung tám mặt hàng bình ổn giúp người dân thuận tiện mua sắm.

Tuy nhiên, hiệu quả kềm giá đến đâu vẫn chưa rõ. Một viên chức của Sở Tài chính TPHCM nói: “Chúng tôi chỉ có thể tăng tần suất kiểm tra với mục tiêu có kiểm tra, người bán sẽ dè chừng, không tăng giá vô tội vạ. Còn về giá, chắc chắn không thể bắt tiểu thương phải bán theo một mức nào đó”. Do vậy, kềm giữ giá cũng chỉ đạt được trong khả năng nào đó, còn thực tế thị trường đã tăng thì không thể dùng biện pháp hành chính hay kiểm soát để giữ giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới