Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cước tàu chở dầu tăng vọt trước thềm lệnh cấm vận dầu Nga của EU

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi phí vận chuyển dầu giữa các cảng trên thế giới đang tăng nhanh khi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận dầu của Nga vào đầu tháng 12 tới. Diễn biến này đã hỗ trợ cho thị trường năng lượng ngay cả khi triển vọng kinh tế ảm đạm đã kéo giá dầu thô xuống gần mức thấp nhất trong năm nay.

Gần đây, các tàu chở dầu trên thế giới đã mất nhiều thời gian hơn để di chuyển giữa cảng đi và cảng đến. Ảnh: Zuma Press

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động của nó đã cắt đứt nhiều tuyến đường giao thương dầu mỏ ngắn qua biển Baltic và Biển Bắc ở châu Âu. Giờ đây, khi châu Âu chạy đua tìm nhà cung cấp mới và Nga tìm cách gửi hàng xuất khẩu đi nơi khác trước thềm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến triển khai vào ngày 5-12 tới, các tàu chở dầu đang mất nhiều thời gian hơn trên biển trước khi đến các cảng đích.

Các nhà khai thác tàu chở dầu và giới phân tích cho biết, nhiều chuyến hàng dầu thô hiện mất nhiều thời gian hơn gấp 5 lần để đến các nhà máy lọc dầu hoặc nhà bán buôn so với trước khi xảy ra xung đột. Kết quả là có ít tàu công suất lớn trên các tuyến đường dài hơn, trong khi đội tàu chở dầu toàn cầu cũng có ít triển vọng mở rộng quy mô nhanh chóng. Điều này giúp các công ty vận hành tàu chở dầu được hưởng lợi lớn.

Theo Công ty môi giới vận tải biển Clarksons, có trụ sở tại London, các tàu chở dầu trên thế giới kiếm được trung bình hơn 40.000 đô la Mỹ/ngày trong bốn tháng gần đây, khoảng thời gian kiếm được mức thu nhập cao như vậy của họ là dài nhất trong 15 năm qua.

Giá cước giao ngay đối với các tàu chở dầu hiện đại, còn được gọi là siêu tàu dầu, dài hơn 3 lần chiều dài sân bóng đá và có công suất chở 2 triệu thùng dầu trở lên, vượt qua mức 115.100 đô la Mỹ/ngày vào ngày 18 -11. Mức giá cước đó cao gấp 11 lần so với mức giá cước trung bình của loại tàu dầu này vào năm ngoái.

Đà tăng mạnh của giá cước tàu chở dầu diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với thị trường dầu mỏ, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu sẽ nhóm họp vào ngày 4 -12 trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm và các căng thẳng với Mỹ. Một ngày sau đó, EU sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, một động thái có thể thúc đẩy các công ty kinh doanh hàng hóa chuyển hướng nhiều lô hàng dầu thô hơn sang các tuyến đường biển dài.

Chi phí vận chuyển dầu tăng cao diễn ra cùng lúc với đà tăng của giá cước tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này trái ngược với giá cước giảm mạnh đối với các tàu container.

Christian Ingerslev, Giám đốc điều hành hãng vận tải biển Maersk (Đan Mạch), nói: “Bản đồ cung cấp dầu của thế giới đang được vẽ lại hoàn toàn”.

Theo Kevin Mackay, Giám đốc điều hành Công ty tàu chở dầu Teekay Tankers, các tàu chở dầu khởi hành từ cảng Primorsk của Nga, có thể đến cảng Rotterdam của Hà Lan trong khoảng bốn ngày. Nhưng hiện nay, nhiều chuyến hàng dầu của Nga đã được chuyển hướng sang các hành trình kéo dài khoảng 26 ngày để vượt qua Biển Địa Trung Hải và qua Kênh đào Suez trước khi đến đểm giao hàng ở bờ biển phía tây Ấn Độ.

Để thay thế những thùng dầu đó của Nga, khách hàng châu Âu cũng đang chuyển sang các nhà sản xuất dầu nằm ở những nơi xa hơn bao gồm Trung Đông, Mỹ và khu vực Nam Mỹ.

Mackay cho biết một chuyến tàu chở dầu từ Houston (Mỹ) đến Rotterdam kéo dài khoảng 17 ngày. Một số nhà phân tích nhận định lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của EU đầu tháng tới cũng như lệnh cấm tương tự đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga bao gồm diesel được ấn định vào ngày 5-2-2023, có thể càng kéo dài các hành trình vận chuyển dầu mỏ trên biển.

Mackay nói: “Trong tương lai, sau khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, chúng tôi cho rằng Nga sẽ tìm cách chuyển nhiều thùng dầu hơn sang châu Á”.

Các nhà phân tích cho biết phí vận chuyển tăng cao đã làm tăng thêm một vài đô la Mỹ vào chi phí của mỗi thùng dầu thô, tùy thuộc vào quãng đường chúng di chuyển. Các hợp đồng tương lai của dầu Brent đóng cửa hôm 22-11 ở mức 88,36 đô la Mỹ/thùng sau khi đợt bán tháo kéo giá xuống gần mức thấp nhất trong năm vào đầu tuần này.

Tác động về chi phí vận chuyển năng lượng trên biển từ lệnh cấm vận của EU có thể còn lớn hơn nếu tính đến các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như dầu diesel, nhiên liệu quan trọng cho nông nghiệp, vận tải và sản xuất. Các nhà phân tích của Goldman Sachs ghi nhận chi phí vận chuyển những loại nhiên liệu như vậy qua Đại Tây Dương đã tăng gấp ba lần lên khoảng 5 đô la Mỹ/thùng trong năm nay. Họ ước tính con số đó có thể tăng gấp đôi vào đầu năm tới.

Natasha Kaneva, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng J.P. Morgan, cho biết: “Đó là nơi công suất vận chuyển  thắt chặt thực sự”. Theo Kaneva, Nga dường như có đủ tàu chở dầu để vận chuyển dầu thô của mình nhưng lại đang đối mặt với tình trạng thiếu tàu chuyên dụng để vận chuyển các chế phẩm dầu mỏ.

Giá cước tàu chở dầu thỉnh thoảng tăng vọt để đối phó với các cú sốc địa chính trị, chẳng hạn như khi Mỹ trừng phạt hàng chục tàu chở dầu của một công ty hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2019 với cáo buộc công ty có liên quan đến các hoạt động buôn bán dầu bất hợp pháp của Iran.

Omar Nokta, nhà phân tích vận tải biển tại Ngân hàng Jefferies, cho biết các nhà khai thác tàu chở dầu đánh giá cao những năm như thế này khi họ kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, họ không mong muốn sử dụng vận may hiện tại để đặt hàng các tàu mới.

Theo Anthony Gurnee, Giám đốc điều hành Công ty tàu chở dầu Ardmore, điều này có nghĩa là các tàu chở dầu mới sẽ không xuất hiện trong vài năm tới, làm tăng nguy cơ chúng sẽ lạc hậu về mặt công nghệ. Thay vào đó, Ardmore, có trụ sở tại Bermuda, đang cân nhắc việc mua tàu chở dầu cũ, một thị trường mà một số nhà phân tích cảnh báo cũng có thể thắt chặt nếu các công ty có liên kết với Nga chạy đua mua các tàu dầu cũ để giúp né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.

Gurnee nhận định, với quá nhiều biến động trên thị trường, “dường như không có bất kỳ giới hạn tăng thêm thực tế nào về giá cước tàu chở dầu của chúng tôi”.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới