Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giả danh nhà nước thì không thể là chuyện đùa

Quỳnh Đan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nhiều người than rằng từ khi cuộc sống dần dần trở lại bình thường nhờ đại dịch lắng xuống từ đầu năm đến nay, cứ vài tuần họ lại nhận được một cú điện thoại từ những người xa lạ với nội dung không bình thường chút nào.

Thông thường, các cuộc gọi từ người lạ phần nhiều là quảng cáo – tiếp thị, từ giới thiệu dự án mới đến mời mọc cho vay. Tuy có phần bực mình, nếu không muốn tiếp tục nghe và không cần tỏ ra lịch sự, cứ ngắt cuộc gọi. Nhưng giờ đây nhiều khi các số lạ đó lại gây lo lắng cho người nghe.

Cách cây không lâu, một người ở Sài Gòn bỗng nhận được điện thoại từ người lạ nói giọng bắc tự xưng là “nhân viên của Công ty Điện lực TPHCM” thông báo rằng đương sự đang nợ Điện lực Hà Nội hơn 70 triệu đồng tiền điện chưa trả, nếu không thanh toán sẽ bị cắt điện. “Nhân viên” tự xưng nói mình có nhiệm vụ thu hộ Điện lực Hà Nội. Cuộc gọi chấm dứt giữa chừng sau khi người trả lời rất kiên quyết không thực hiện yêu cầu của người gọi. Sau đó, không thấy ai gọi để nhắc nhở gì nữa và cũng không có chuyện cắt điện.

Điều đáng nói là “nhân viên tự xưng” kể ra vanh vách tên họ, địa chỉ và số chứng minh nhân dân của người nhận điện thoại khiến người này không khỏi hoang mang không hiểu sao phía bên kia đầu dây lại có được thông tin cá nhân của mình.

Câu chuyện trên là một trong vô số những cuộc gọi tương tự được thực hiện để lừa đảo người nghe. Đáng lo hơn, trước đây các kiểu lừa đảo qua điện thoại phần lớn liên quan đến ngân hàng hay quà biếu từ nước ngoài, thì hiện nay, kẻ xấu thực hiện hình thức lừa đảo này lại thường giả danh các cơ quan nhà nước – từ cơ quan điện lực đến cấp nước – thậm chí đến cả công an, tòa án, cũng không chừa.

Điển hình cho hình thức lừa đảo mạo danh kiểu này là một vụ xảy ra mới đây đã làm người bị hại mất sạch 4,3 tỉ đồng trong tài khoản – như báo Tuổi Trẻ tường thuật(1). Theo bài báo, một phụ nữ ở Bình Định đã bị kẻ giả danh “Thanh tra Bộ Công an” và “Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao” hù dọa làm theo hướng dẫn của chúng để chiếm đoạt trót lọt số tiền nói trên.

Cũng báo Tuổi Trẻ hồi tháng 5 có bài viết cảnh báo về nạn lừa đảo giả danh công an. Bài này lại được đăng trong mục “Công nghệ” bởi lẽ nó liên quan ít nhiều đến nội dung công nghệ thông tin khi các đối tượng lừa đảo thiết kế và thực hiện trang web giả mạo có giao diện y hệt trang mạng của Bộ Công an. Trang web giả danh, rất công phu, đăng tải cả lệnh bắt tạm giam y như thật với thông tin cá nhân của người liên quan nhằm tăng sự thuyết phục.

Dĩ nhiên, trước hết, người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình. Như đã được giải thích, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung không làm việc chỉ qua điện thoại. Do vậy, khi nhận được điện thoại có nội dung đe dọa như trên, người nghe không được cung cấp thông tin cá nhân gì theo hướng dẫn của kẻ xấu, mà phải bình tĩnh thực hiện các bước kiểm tra cần thiết.

Về phần mình, các cơ quan nhà nước liên quan cần đưa ra các thông báo hướng dẫn người dân thực hiện các bước kiểm tra, các quy trình làm việc để người dân có thể tự bảo vệ tốt hơn. Nếu phát hiện lừa đảo, các cơ quan nhà nước cần thông báo rộng rãi đến người dân.

Hơn nữa, khi biết về các vụ lừa đảo mạo danh liên quan đến mình, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, tìm ra thủ phạm cho bằng được để xử lý đích đáng. Công an, viện kiểm soát, tòa án là là đại diện cho pháp luật nhà nước, là chỗ dựa vững chắc cho người dân trong công tác an ninh xã hội.

Cần làm cho bọn tội phạm kiểu này hiểu rằng một khi giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để thực hiện lừa đảo là họ đã phạm đến chế độ và mọi vi phạm như vậy sẽ bị điều tra đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm theo pháp luật. Không như các loại lừa đảo khác, giả danh nhà nước – đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật – không phải là chuyện thường hay chuyện đùa có thể làm một cách tùy tiện.

Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng cần đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn với loại tội phạm mạo danh kiểu này nhằm tăng tính răn đe.

————

(1) https://tuoitre.vn/nghe-cuoc-goi-tu-can-bo-thanh-tra-bo-cong-an-gia-mao-mat-sach-4-3-ti-trong-tai-khoan-20220602181631602.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Giả danh/ mạo danh thì không có sự phân biệt nào, kể cả lớn hay nhỏ, cao hay thấp. Quan trọng là “người trong cuộc” phải luôn duy trì được sự chính danh của tổ chức/ cá nhân, để từ đó không có ai dám và muốn mạo danh mình cả. Đối với “người ngoài cuộc” thì phải luôn tỉnh táo, thận trọng, bởi lẽ không có mối quan hệ nào là an toàn 100% cả, trừ khi bạn biết chấp nhận cuộc sống luôn có nguy cơ rủi ro !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới