Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá đắt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá đắt

Hải Lý

Giá vàng sáng 26-2 tăng lại sau khi giảm 4 ngày liên tiếp – Ảnh: Thanh Thương.

(TBKTSG) – Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã nhập cả thảy sáu tấn vàng kể từ ngày 5-2-2010, thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức can thiệp vào thị trường vàng nhằm đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá quốc tế. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tuyên bố cho phép SJC nhập vàng không hạn chế nếu cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngoại tệ cho SJC để nhập. SJC cho biết có thể còn nhập thêm trong trường hợp Nhà nước yêu cầu.

Ai là người mua vàng khi Nhà nước can thiệp và vì sao phải đưa giá vàng nội địa ngang bằng với giá quốc tế? Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhận xét tuần trước Tết Nguyên đán đối tượng mua vàng nhiều nhất là các ngân hàng và doanh nghiệp. Người dân có mua, nhưng không nhiều. Còn theo SJC, đến ngày đóng cửa nghỉ Tết, doanh nghiệp này bán ra bình quân khoảng 2.500-3.000 lượng/ngày, chủ yếu bán lẻ cho doanh nghiệp.

Hiện nay công suất chế tác của SJC khoảng 15.000 lượng/ngày, tương đương chừng 550-600 ki lô gam vàng/ngày. Xí nghiệp dập vàng miếng của SJC chạy ba ca, hết công suất, nhưng nhiều khách hàng cho biết vẫn phải chờ, không thể cứ giao vàng nguyên liệu là có vàng miếng ngay. Sức dân liệu có tiêu thụ hết lượng vàng lớn như vậy hàng ngày? Nhu cầu đầu tư, tích trữ vàng của dân cư là có, nhưng chắc chắn không thể liên tục ở mức cao và thường xuyên.

Một số ngân hàng và doanh nghiệp mua vàng mạnh xuất phát từ nhu cầu cân bằng trạng thái vàng trong nước và vàng tài khoản ở nước ngoài. Bây giờ, các doanh nghiệp và ngân hàng chỉ có thể bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài, đưa trạng thái về bằng không và đóng tài khoản trước ngày 30-3-2010. Tuy nhiên, đối tượng này chỉ bán vàng ở tài khoản nước ngoài nếu giá vàng nội và ngoại bằng nhau. Giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế, họ lời, ngược lại họ lỗ. Cho đến trước ngày 5-2-2010, theo NHNN, phần lớn trạng thái vàng trong nước của các ngân hàng là âm và tổng mức âm chung ước khoảng 25 tấn.

Chính vì thế khi Nhà nước can thiệp và SJC bán vàng ra với mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua là 25 triệu đồng/lượng (giá chiều ngày 5-2-2010 tại TPHCM), các ngân hàng và doanh nghiệp đã không bỏ lỡ cơ hội mua vào. Đấy là thời điểm mua vào thuận lợi vì giá quốc tế giảm xuống dưới 1.080 đô la Mỹ, thậm chí có lúc còn 1.065 đô la Mỹ/ounce. Sau đó giá quốc tế lên lại rất nhanh, khiến giá vàng trong nước tăng theo và sức mua chậm lại. Ngoài ra việc NHNN điều chỉnh tỷ giá hối đoái, đẩy tiền đồng rớt giá 3,36% vào ngày 11-2-2010 cũng khiến giá vàng tăng lên.

Động thái can thiệp của Nhà nước không bất ngờ vì trước đó, trong cuộc họp với các ngân hàng tại TPHCM cuối tháng 1-2010 Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã phát đi những tín hiệu mở cho thanh khoản của các tổ chức tín dụng, trong đó nhấn mạnh sẽ tiến hành giải pháp bình ổn giá vàng. Nhưng các ngân hàng và doanh nghiệp đã bất ngờ có lẽ vì họ không tin NHNN lại “ra tay” nhanh như vậy. NHNN đã chọn đúng thời điểm can thiệp khi giá vàng quốc tế giảm nhiều.

Vấn đề còn lại sau Tết là Nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp mạnh đến mức độ nào nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn giá vàng nội cao hơn giá quốc tế, qua đó xóa bỏ nhập vàng lậu, đồng thời tạo nền tảng để bình ổn tỷ giá, rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá niêm yết của ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do. Ngay cả thời điểm SJC bán ra cấp tập, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá quốc tế khoảng 500.000 đồng/lượng.

Việc bình ổn thị trường vàng đang đòi hỏi những giải pháp đồng bộ xuất phát từ hai nút chính. Thứ nhất là khi ngân hàng và một số doanh nghiệp mua vàng để bù trạng thái, họ đưa số vàng này vào kho cất giữ, trở thành “bất động”. Thứ hai, chúng ta đang thiếu những quy định cụ thể về huy động, cho vay vàng phù hợp, cập nhật tình hình hiện tại. Nói cách khác đầu cơ vàng vẫn bị buông lỏng. Chưa có khung pháp lý nào chế tài đầu cơ vàng. Thí dụ nếu một doanh nghiệp nào đó nhận định giá vàng quốc tế tháng 3-2010 sẽ lên đến 1.200 đô la Mỹ/ounce, trong khi giá hiện tại xoay quanh 1.115-1.120 đô la Mỹ/ounce, thì họ sẽ mua vàng trong nước để nắm giữ (nếu họ không có hạn ngạch nhập vàng). Nhà nước không thể ngăn cản doanh nghiệp ấy mua vàng vì đó là quyền kinh doanh của họ.

Để giúp các ngân hàng và doanh nghiệp cân bằng trạng thái vàng trong và ngoài nước, nguồn tin từ giới tài chính cho biết, có thể trong tuần này NHNN sẽ cho phép các đơn vị âm trạng thái vàng trong nước nhập khẩu vàng. Số lượng nhập phụ thuộc vào nhu cầu cân bằng trạng thái của từng ngân hàng, doanh nghiệp.

Cái giá của sự can thiệp vào thị trường vàng của NHNN là khá đắt, nó đang được trả bằng lượng ngoại tệ mà chúng ta phải bỏ ra để nhập vàng. Sự can thiệp đó đã có thể không xảy ra nếu từ hai, ba năm trước NHNN quản lý và kiểm soát chặt việc cho vay vàng trong nước cũng như kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới