Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu cao, canh bạc cho kinh tế thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu cao, canh bạc cho kinh tế thế giới

Chánh Tài

Một phiên giao dịch căng thẳng trên thị trường dầu thô New York, Mỹ. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Những bất ổn gia tăng tại Libya, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thế 18 thế giới, khiến giá dầu Brent ở mức cao trên 100 đô la Mỹ/thùng liên tiếp trong 8 ngày qua.

Giá dầu đã lên đến mức có thể kìm hãm đà hồi phục tạm thời của kinh tế toàn cầu với khả năng đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới, dù yếu nhưng nguy cơ thấy rõ là tình hình lạm phát đang gây áp lực lên nhiều nước.

Nếu việc tăng giá dầu vẫn kéo dài, sớm muộn gì các ngân hàng trung ương – vốn đang lo ngại giá lương thực tăng – phải chịu thêm áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ, một động thái làm giảm tính thanh khoản đang hỗ trợ quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới. Giá dầu tăng cao cũng ảnh hưởng đến các khu vực và các nước theo những cách khác nhau tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế cơ bản, cũng như các nước hoặc khu vực đó là nơi sản xuất hay nhập khẩu dầu.

Ít có nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích kinh tế lo sợ về tác động của giá dầu. Họ cho rằng giá dầu tăng cao do tình hình bất ổn tại Libya cũng như lo ngại nguồn cung bị gián đạn trên diện rộng, không liên quan gì đến những yếu tố cơ bản của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, giá dầu đã lên cao đến mức đủ để đưa ra một viễn cảnh bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Ngày 1-3, giá dầu Brent trên thị trường London tăng 1,74 đô la Mỹ/thùng, lên mức 113,54 đô la Mỹ/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent tăng tiệm cận 120 đô la Mỹ/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8-2008. Giá dầu duy trì ở mức cao do lo ngại những xung đột đẫm máu tại Libya, vốn đã khiến sản lượng nước dầu này sụt giảm 1/4, có thể lan sang các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác, bao gồm Ảrập Saudi.

Bộ phận phân tích của ngân hàng Deutsche (Đức) cảnh báo giá dầu lên đến 120 đô la Mỹ/thùng có thể tạo ra điểm uốn cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới vì lúc đó chi phí cho giá dầu sẽ chiếm 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, dẫn đến áp lực cho tăng trưởng toàn cầu. Các chuyên gia phân tích kỹ thuật dự báo giá giá dầu có khả năng vượt đỉnh của năm 2008 và lên sát mức 160 đô la Mỹ/thùng trong năm nay.

Theo kinh nghiệm, giá dầu tăng 10 đô la Mỹ/thùng sẽ làm mất 0,5% GDP của thế giới. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn trên, khả năng suy thoái lần hai vì giá dầu còn lâu mới xảy ra. Giá dầu Brent phải lên đến mức khoảng 190 đô la Mỹ/thùng mới khiến tăng trưởng thế giới quay trở về mức âm so với mức hiện tại. Tuy nhiên, quy tắc trên không đáng tin cậy vì nền kinh tế thế giới vẫn bùng nổ vào giữa thời kỳ 2000-2009 trong bối cảnh giá dầu tăng cao. Vấn đề chính ở đây là giá dầu duy trì ở mức cao trong bao lâu.

Charles Robertson, kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital (Nga), cho rằng nếu mức giá trung bình trong năm hơn 150 đô la Mỹ/thùng, tình hình sẽ tương tự như cú sốc giá dầu sau cuộc cách mạnh Hồi giáo tại Iran vào năm 1979. Vào thời điểm đó, chi phí cho giá dầu đến mức gần 8% của GDP thế giới. Tuy nhiên, ông Robertson cho rằng thế giới có thể cầm cự được các đợt tăng giá ngắn hạn, khiến chi phí giá dầu chỉ chiếm 5% GDP của thế giới.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của tập đoàn tài chính Macquarie (Úc) tính toán rằng giá dầu phải duy trì lâu trên mức 120 đô la Mỹ/thùng và tiến sát 140 đô la Mỹ/thùng thì mới tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Để điều trên xảy ra thì cần có tình huống tồi tệ hơn chứ không chỉ cuộc xung đột tại Libya. Điều đáng lo sợ mà nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư không nghĩ đến là một viễn cảnh u ám khi bất ổn lan rộng ở thế giới Ảrập, đặc biệt dính đến Ảrập Saudi.

Giá dầu leo thang gần đây một phần do ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) bình luận rằng thị trường đang phản ứng trước nỗi lo sợ tình hình bất ổn lan sang các nước xuất khẩu dầu khác và thêm một gián đoạn về nguồn cung có thể khiến thiếu hụt dầu nghiêm trọng. Hậu quả sẽ không thể lường trước được nếu Ảrập Saudi đổ gục trước một cuộc nổi dậy của nhân dân vì quốc gia này nắm giữ hơn 1/5 trữ lượng dầu của thế giới.

Việc Quốc vương Ảrập Saudi Abdullah vội vã trở về nước sau 3 tháng trị bệnh ở nước ngoài và công bố gói phúc lợi 37 tỉ đô la Mỹ cho người dân rõ ràng là một nỗ lực để giúp quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này tránh khỏi làn sóng biểu tình đang lan rộng ở thế giới Ảrập.

Ngay cả khi giá dầu được khống chế nhưng tiếp tục ở mức cao sẽ gia tăng thêm áp lực lạm phát, đe dọa thắt chặt tiền tệ và gây ra những khó khăn cho nhiều nơi trên thế giới. Khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng dầu vào thập niên 1970 vẫn là viễn cảnh xa vời nhưng không phải khó hình dung như cách đây vài tuần.

(Theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới