Giá dầu có cơ hội bật lên mức 100 đô la/thùng khi ngành dầu đá phiến Mỹ suy sụp
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Giữa lúc thị trường dầu đang suy sụp vì tác động của dịch Covid-19, tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris đưa ra một dự báo gây chú ý: Giá dầu sẽ tăng lên 100 đô la/thùng trong vòng 18 tháng tới do nguồn cung bị thu hẹp khi cơn bùng nổ ngành dầu đá phiến Mỹ bị đảo ngược.
Phía sau câu chuyện giá dầu âm
![]() |
Ngành dầu đá phiến Mỹ đang trong cơn suy thoái. Ảnh: Financial Times/ Reuters |
Cuộc chiến giá dầu có tính toán
Trong cuộc trao đổi gần đây với CNBC, tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty đầu tư Orascom Investment Holding, nhận định cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi, là một hành động có tính toán nhằm “giết chết” ngành dầu đá phiến của Mỹ. Ả Rập Saudi cũng chịu tổn thất nặng nề do giá dầu sụp đổ nhưng ông Sawiris cho rằng xét về dài hạn, nước này đang đi đúng hướng trên thị trường dầu.
Hồi tháng 3, trong lúc giá dầu bắt đầu suy giảm do tác động của dịch Covid-19, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu (hay còn gọi là nhóm OPEC+) không đạt được thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng dầu. Thất bại này là do Nga không muốn nâng đỡ giá dầu, tạo lợi thế cho ngành dầu đá phiến của Mỹ.
Ngay sau đó, lấy cớ gây áp lực buộc Nga phải ngồi trở lại vào bàn đàm phán, Ả Rập Saudi phát động cuộc chiến giá dầu bằng cách tăng sản lượng khai thác lên mức kỷ lục đồng thời giảm giá bán dầu cho các nước châu Á, châu Âu và Mỹ.
Động thái gây sốc này khiến giá dầu trên thị trường thế giới suy giảm nhanh về mức thấp nhất trong 18 năm trước khi OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày vào hồi tháng 4. Mức cắt giảm này tương đương 10% sản lượng dầu khai thác của thế giới mỗi ngày và cũng là mức cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất trong lịch sử.
Nhưng sau đó, giá dầu vẫn giảm, đặc biệt là các hợp đồng dầu Tây Texas tương lai có lúc giảm về mức -40 đô la/thùng khi giới đầu tư bán tháo các hợp đồng dầu tương lai do các kho dầu trên thế giới đã cạn kiệt công suất chứa.
Khi được hỏi liệu giá dầu có giảm sâu như thời gian qua hay không nếu như nhóm OPEC+ đạt được thỏa thuận giảm sản lượng trong cuộc họp hồi tháng 3, ông Sawiris cho rằng giá dầu vẫn giảm vì nhu cầu giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 nhưng sẽ không giảm nghiêm trọng như vậy.
Ông nói: “Tôi nghĩ cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga là một sự tính toán. Tôi cho rằng họ biết giá dầu sẽ giảm nhưng họ vẫn muốn lao vào cuộc chiến giá dầu vì khi một đối thủ lớn bị loại bỏ, giá dầu sẽ thêm 50 hoặc 60 đô la/thùng. Nên tôi thực sự tin rằng giá dầu sẽ chạm mốc 100 đô la/thùng sau 18 tháng kể từ bây giờ”, ông Sawiris nói khi ám chỉ Ả Rập Saudi và Nga muốn hạ gục ngành dầu đá phiến của Mỹ.
Ngành dầu đá phiến Mỹ đang suy sụp
![]() |
Tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris cho rằng cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả rập Saudi là một hành động có tính toán nhằm “giết chết” ngành dầu đá phiến Mỹ. Ảnh: CNBC |
Dự báo của tỉ phú Naguib Sawiris về triển vọng giá dầu lên 100 đô la/thùng không phải là không có cơ sở. Giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua đang thúc đẩy nhanh cơn suy sụp của ngành dầu đá phiến của Mỹ, vốn đang gánh khối nợ khổng lồ và đang cần mức giá dầu 40-55 đô la/thùng để đạt điểm hòa vốn.
Ngành dầu đá phiến Mỹ đang trong cơn suy thoái nghiêm trọng khi các mỏ dầu ở Tây Texas đã già cỗi và cuộc cách mạng dầu đá phiến đã qua thời điểm cao trào. Giờ đây, khi giá dầu sụp đổ, vùng bồn chảo Permian, trung tâm dầu đá phiến của Mỹ nằm giữa bang Texas và New Mexico, đang chứng kiến hàng chục ngàn công nhân bị sa thải hoặc tạm thời bị cho nghỉ việc.
Hôm 4-5, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Chesapeake Energy, một trong những công ty dẫn đầu trong cơn bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ thập kỷ qua, đang chuẩn bị thủ tục nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Công ty này đang gánh khối nợ gần 9 tỉ đô la Mỹ và đang đối mặt với nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi hơn 1 tỉ đô la trong năm nay.
Hồi đầu tháng 4, Công ty dầu đá phiến Whiting Petroleum, có trụ sở ở bang Colorado, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trở thành công ty dầu đá phiến lớn đầu tiên ở Mỹ gục ngã trước cơn khủng hoảng trên thị trường dầu.
Dù trong những tuần vừa qua, giá dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ đã hồi phục về trên mức 20 đô la/thùng nhưng vẫn đang giảm hơn 50% kể từ đầu năm. Theo giới phân tích, giá dầu giảm buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ hạn chế khai thác, do đó, tổng sản lượng dầu khai thác của Mỹ sẽ giảm về còn trên dưới 10 triệu thùng/ngày so với mức gần 13 triệu thùng/ngày cách đây vài tháng.
Bang Bắc Dakota đã dẫn dắt cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ cách đây hơn một thập kỷ. Nhưng hiện nay, sản lượng dầu ở bang này đã giảm hơn 1/3, về mức chưa đến 1 triệu thùng/ngày.
Sở Tài nguyên khoáng sản bang Bắc Dakota cho biết gần 7.000 trong số 16.000 giếng dầu ở bang này đã ngừng hoạt động. Đóng một giếng dầu có thể tốn chi phí 20.000 đô la, theo nhà phân tích Alexandre Ramos-Peon ở Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy. Nhưng chi phí để đưa một giếng dầu vận hành trở lại có thể tốn đến 50.000 đô la. Điều này có nghĩa là chi phí để tái khởi động gần 7.000 giếng dầu khi thị trường hồi phục sẽ lên đến gần 350 triệu đô la.
Nhiều công ty dầu đá phiến có thể phải đóng cửa vĩnh viễn các giếng dầu của họ vì họ không chắc chắn về đà hồi phục của thị trường.
Các “ông lớn” dầu khí truyền thống của Mỹ cũng đang gia nhập làn sóng giảm sản lượng. ExxonMobil cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu trên toàn thế giới ở mức 400.000 thùng/ngày trong quí 2. ConocoPhillips tuyên bố cắt giảm 35% sản lượng khai thác vào tháng 6 tới, tương đương 460.000 thùng/ngày. Đây là mức cắt giảm sản lượng tự nguyện lớn nhất trong số các công ty dầu khí trên toàn cầu.
Khi các nhà sản xuất dầu trên thế giới ba chạy đua cắt giảm sản lượng dầu do giá thấp và các kho chứa đã hoạt động hết công suất, họ đang thiết lập một thị trường tăng giá trong tương lai.
Jean-Louis Le Mee, Giám đốc điều hành Công ty quản lý đầu tư Westbeck Capital Management, nói: “Khi chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19, chúng tôi nghĩ rằng nhu cầu sẽ bình thường hóa nhanh chóng. Và đến năm sau, chúng ta thậm chí có thể chứng kiến nguồn dầu ở các kho dự trữ vơi đi ở mức lớn chưa có tiền lệ và thế giới nhanh chóng cạn kiệt công suất dự phòng.
Cuộc khủng hoảng giá dầu sẽ khiến nhiều công ty dầu đá phiến giảm sản lượng khai thác và một số quyết định cắt giảm đó có thể là vĩnh viễn. Việc đóng cửa các mỏ dầu kết hợp với thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ có thể dọn đường để giá dầu hồi phục trong những năm tới".
Vậy nên khi nền kinh tế thế giới vận hành bình thường trở lại, có khả năng công suất dầu dự phòng sẽ thiếu hụt. Sản lượng thấp, nhu cầu cao sẽ giúp giá dầu tăng nhanh và có cơ hội đạt mốc 100 đô la/thùng.
Theo CNBC, Oil Price