Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu “co giật” khi 2 tàu dầu bị tấn công ngoài khơi Iran

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu “co giật” khi 2 tàu dầu bị tấn công ngoài khơi Iran

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hôm 13-6, trước tin hai tàu dầu bị tấn công ở Vịnh Oman thuộc khu vực ngoài khơi bờ biển Iran, giá dầu thô tăng nhảy dựng nhưng rồi thoái lùi vào cuối ngày, xóa hết phân nửa thành quả tăng điểm trước đó.

Diễn biến này cho thấy các lo ngại về nhu cầu dầu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đang lấn át các rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.

Giá dầu thô thế giới giảm hơn 20% so với mức đỉnh gần nhất

Mỹ siết nguồn cung từ Iran, giá dầu có nguy cơ leo dốc

Giá dầu “co giật” khi 2 tàu dầu bị tấn công ngoài khơi Iran
Tàu Front Altair, chở 75.000 tấn naphtha, bốc cháy ở Vịnh Oman sau vụ tấn công vào sáng 13-6  Ảnh: EPA

Sáng 13-6, những tiếng nổ vang lên trên Vịnh Oman làm hai tàu dầu bốc cháy trong một vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc do Iran thực hiện, làm dấy lên các báo động an ninh và xung đột quân sự ở tuyến vận chuyển đường biển huyết mạch đối với gần 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới.

Vịnh Oman nằm ở đoạn cuối của eo biển chiến lược Hormuz, một tuyến đường quan trọng nơi hàng trăm triệu đô la dầu mỏ qua mỗi ngày.

Hai tàu dầu bị tấn công bao gồm tàu Front Altair thuộc sở hữu của một công ty ở Na Uy và đang được công ty dầu khí CPC Corporation (Đài Loan) thuê để chở naphtha, một sản phẩm dầu mỏ, từ cảng Ruwais, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đến Cao Hùng, Đài Loan.

Tàu chở dầu thứ hai có tên gọi Kokuka Courageous, đang trên đường chở methanol từ cảng Al Jubail của Saudi Arabia đến Singapore. Tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của công ty Kokuka Sangyo (Nhật Bản). Các vụ nổ khiến các thủy thủ trên hai con tàu phải sơ tán. Sau đó, Iran cho biết hải quân nước này đã cứu 44 thủy thủ của hai tàu dầu này.

Vụ tấn công hai tàu dầu ở Vịnh Oman diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang dâng cao. Tình trạng thù địch giữa Washington và Tehran bắt đầu gia tăng cách đây một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, theo đó, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động liên quan đến hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Sau đó, Mỹ đưa ra một loạt yêu cầu buộc Iran phải sửa đổi các chính sách đối với khu vực. Hồi tháng 4, ông Trump gia tăng sức ép với Tehran bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt để cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Ông cũng liệt Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các nhóm khủng bố.

Trước thông tin hai tàu dầu bị tấn công ngoài khơi Iran, giá dầu Tây Texas (WTI) ở thị trường New York và giá dầu Brent ở thị trường London tăng vọt đến 4,5% nhưng sau đó thoái lùi và hiện nay đang giao dịch ở mức thấp nhất trong gần năm tháng qua bất chấp thực tế hai tàu dầu bị tấn công gần eo biển Hormuz, điểm nghẽn quan trọng nhất đối với các hoạt động chở dầu trên thế giới.

Giá dầu WTI chốt phiên giao dịch hôm qua với mức giá 52,28 đô la/thùng, tăng 2,2% dù trong phiên, có lúc tăng lên đến mức 53,45 đô la/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent ở thị trường London ban đầu cũng tăng đến 4,5%, lên mức 62,64 đô la/thùng nhưng sau đó thoái lùi và chốt phiên với mức tăng 2,2%, tương đương 61,31 đô la/thùng.

Phản ứng co giật của giá dầu hôm 13-6 cho thấy những lo ngại về nhu cầu dầu suy giảm do các căng thẳng chiến tranh thương mại và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đang lấn át nỗi sợ về nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng xảy ra ở khu vực Trung Đông.

“Giá dầu tăng không ấn tượng lắm. Trong những năm khác, nếu các biến cố này xảy ra, giá dầu sẽ tăng 5-10%”,  Tom Kloza, Giám đốc phân tích năng lượng toàn cầu ở công ty Oil Price Information Services, nói.

Tính cả phần tăng giá hôm 13-6, giá dầu WTI vẫn đang ở mức thấp hơn 20% so với mức đỉnh gần đây 66,3 đô la/thùng được thiết lập vào cuối tháng 4. Trong khi đó, giá dầu Brent ở thị trường London cũng đang thấp hơn gần 20% so với mức đỉnh gần nhất.

Dù vậy, tình hình ở Trung Đông vẫn rất quan trọng với giá dầu trên thế giới. Jason Bordoff, cựu cố vấn năng lượng của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, nay là Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu ở Đại học Columbia (Mỹ), nói: “Nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực và vượt tầm kiểm soát không phải là nhỏ”.

Vị trí của hai tàu dầu Kokuka Courageous và Front Altair vào sáng 13-6. Ảnh: BBC

Khoảng 22,5 triệu thùng dầu đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày kể từ đầu năm 2018, theo dữ liệu của công ty phân tích năng lượng Vortexa. Con số này tương đương 24% sản lượng dầu hàng ngày của thế giới.

Vụ tấn công hai tàu dầu xảy ra sau khi bốn tàu dầu khác cũng bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hồi tháng trước. Saudi Arabia cũng cho biết vào tháng trước, một tên lửa rơi xuống một sân bay dân sự và các máy bay không người lái quân sự tấn công hai trạm bơm dầu và ở nước này. Saudi Arabia cáo buộc lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen là thủ phạm.

Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu ở công ty RBC Capital, nhận định: “Bối cảnh này có thể dẫn đến cơn ám ảnh chiến tranh tàu dầu”. Song giá dầu vẫn chưa bung lên được. Thực tế, giá dầu vẫn chưa lấy lại được mức giảm 4% trong phiên giao dịch ngày 12-6.

Bà Croft nói: “Đây là diễn biến đáng chú ý. Chúng ta giờ đây chứng kiến sáu tàu dầu bị tấn công, một sân bay của Saudi Arbia trúng tên lửa và các lệnh trừng phạt của Mỹ đang chuẩn bị nhắm vào Venezuela nhưng dầu vẫn không thể tăng giá. Điều này cho thấy tâm lý bi quan đang thắng thế trên thị trường dầu”.

Cũng theo bà Croft, vào những lúc bình thường, sự kết hợp của các sự kiện trên có thể đẩy giá dầu Brent lên mức sát 100 đô la/thùng, thay vì luẩn quẩn quanh mức 62 đô la/thùng như hiện nay.

Tâm lý bi quan một phần là do lượng dầu dự trữ thương mại tăng mạnh ở Mỹ, một chỉ dấu cho thấy nhu cầu suy yếu vì chiến tranh thương mại leo thang và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Các kho dầu dự trữ thương mại của Mỹ tăng thêm 2,2 triệu thùng vào tuần trước, lên mức cao hơn 8% so với mức trung bình 5 năm, theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Hôm 13-6, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019 do nhu cầu tăng chậm ở các nước phát triển. Song thị trường dầu có thể bừng tỉnh từ tình trạng ảm đạm hiện tại nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại hoặc nếu mối đe dọa an ninh ở Trung Đông chuyển biến xấu nghiêm trọng.

Paul Sheldon, Giám đốc tư vấn địa chính trị ở công ty S&P, nhận định một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran hay nguy cơ đóng cửa Eo biển Hormuz vẫn là viễn cảnh xa vời vì Iran không muốn đối đầu quân sự với Mỹ, trong khi đó, chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump không ủng hộ can thiệp quân sự vào nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng rủi ro tính toán sai lầm ở Trung Đông rõ ràng đang tăng lên.

Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu ở công ty RBC Capital, cho rằng giá dầu vẫn chưa phản ánh hiện thực của tình hình trong khu vực. Bà nói: “Chúng ta có thể đang trong một cuộc khủng hoảng an ninh rất nghiêm trọng trước khi thị trường nhận ra điều này”.

Chiều 13-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Tehran đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu dầu Kokuka Courageous và Front Altair. Ông nói rằng các vũ khí, kỹ năng và nguồn lực cần thiết cho một vụ tấn công như vậy, cũng như các đặc điểm tương tự với các vụ tấn công vào các tàu dầu gần đây trong khu vực cho thấy rằng Iran là thủ phạm.

Bằng chứng thuyết phục nhất ủng hộ cáo buộc của ông Pompeo là một đoạn video do máy bay trinh sát P-8 của hải quân Mỹ ghi lại, cho thấy hình ảnh một tàu tuần tra của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chạy song song với tàu chở dầu Kokuka Courageous chỉ một vài tiếng sau tiếng nổ đầu tiên và lấy đi những gì mà các nhà phân tích quốc phòng Mỹ tin rằng là một quả ngư lôi gắn ở tàu Kokuka Courageous.

Một quan chức Mỹ cho biết tàu Kokuka Courageous đang di chuyển ở khoảng cách 32km ngoài khơi bờ biển Iran khi nó phát đi tín hiệu cầu cứu khẩn cấp sau tiếng nổ đầu tiên. Khi các thủy thủ của tàu Kokuka Courageous khảo sát thiệt hại từ vụ nổ đầu tiên, họ phát hiện thấy một quả ngư lôi chưa nổ gắn ở thân tàu nên họ ngay lập tức sơ tán.

Các quan chức cấp cao Mỹ cũng đã đổ lỗi cho Iran trong các cuộc tấn công tương tự nhằm vào bốn tàu dầu đi qua ở Vịnh Oman vào tháng trước. Trong khi đó, các quan chức Iran phủ nhận liên quan đến các vụ tấn công này và cũng bác bỏ những lời cáo buộc nói Iran tấn công hai tàu chở dầu hôm 13-6. Họ cho rằng các vụ tấn công mới có thể là “sản phẩm của một âm mưu tinh vi của các kẻ thù”.

Lời bình luận này dường như nhắm đến Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hoặc Israel, những nước từ lâu kêu gọi Washington sử dụng cách tiếp cận cứng rắn với Iran.

Theo CNN, New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới