Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu giảm kéo đồng rúp Nga đi xuống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu giảm kéo đồng rúp Nga đi xuống

Thái Bình

Giá dầu giảm kéo đồng rúp Nga đi xuống
So với đô la Mỹ, đồng rúp Nga giảm giá 9,3% trong tháng 7-2015. Ảnh VTV.vn

(TBKTSG Online) Tình trạng cung vượt xa cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới đang đặt ra một vấn đề mà phải nhiều năm nữa mới giải quyết được và sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khí như Nga.

Mất cân đối cung-cầu được phản ánh trong xu hướng giảm giá dầu, trước mắt cũng như trong dài hạn.

Giá dầu tiếp tục giảm sâu

Trong phiên giao dịch ngày 27-7, giá dầu thô Mỹ (WTI) giao theo hợp đồng kỳ hạn 5 năm chỉ còn 62,77 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn các mức giá của thời khủng hoảng kinh tế và là giá thấp nhất kể từ tháng 2-2007. Giá dầu WTI giao sau một năm xuống mức 53,17 đô la/thùng và giao giao ngày 15-9-2015 chỉ còn 48,52 đô la Mỹ/thùng cho những hợp đồng ký ngày 27-7.

Nhưng đó chưa phải là mức thấp nhất. Trên sàn hàng hóa New York hôm nay 31-7, giá dầu giao ngày 15-9-2015 giảm thêm 0,95 đô la mỗi thùng, tương đương 1,96%, còn 47,57 đô la Mỹ/thùng và giá dầu thô Brent biển Bắc cũng giảm 1,16%, còn 52,69 đô la Mỹ/thùng.

Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vẫn không giảm sản lượng để nâng đỡ giá dầu vì sợ mất thị phần vào tay các nước bên ngoài tổ chức, triển vọng Iran tăng lượng dầu xuất khẩu sau nhiều năm bị cấm vận cùng những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới – đang chậm lại càng làm cho mất cân đối cung-cầu dầu mỏ thêm nghiêm trọng. Quan điểm chung của các nhà sản xuất dầu lớn đều cảnh báo đà suy giảm giá dầu sẽ còn kéo dài. Hôm qua, tập đoàn Royal Dutch Shell Plc thông báo công ty đã “sẵn sàng” đón nhận một “sự suy giảm kéo dài”, tán thành với một dự báo mà ông Bob Dudley, CEO của BP Plc đưa ra hồi đầu tuần rằng giá dầu sẽ tiếp tục “xuống thấp trong một thời gian dài”.

Tác động đến Mỹ-Nga

Một trong những nạn nhân của xu thế giảm giá dầu dài hạn chính là ngành dầu khí Mỹ. Các công ty khai thác dầu từ đá phiến (shale drillers) của Mỹ từ năm ngoái đã đẩy mạnh khai thác với kỳ vọng giá dầu năm 2015 sẽ ổn định ở mức 85-90 đô la Mỹ/thùng; họ sẽ kiếm đủ lợi nhuận để phát triển. Tuy nhiên, bây giờ các nhà khai thác này phải xác định lại kế hoạch, vì giá hiện nay chẳng những thấp hơn nhiều so với kỳ vọng mà dự báo giá của năm 2016-2017 cũng chẳng hấp dẫn gì.

Tuy nhiên, bị tác động nặng nề nhất có lẽ là nền kinh tế Nga. Dầu và khí đốt đóng góp một nửa ngân sách của Chính phủ Nga. Nếu giá dầu ở mức 100 đô la Mỹ/thùng trở lên thì Nga có thể yên tâm với các kế hoạch kinh tế của mình, nhưng đến nay Nga đã trải qua 11 tháng giá dầu xuống dưới 100 đô la. Theo 20 nhà phân tích được Bloomberg khảo sát, với giá dầu thấp hiện nay, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ bị suy giảm 5% trong năm 2015, 1% trong năm 2016 trước khi tăng trở lại mức 0,8% trong năm tiếp theo. Ngân hàng trung ương Nga thì dự báo, nếu giá dầu dao động quanh mức 40 đô la Mỹ/thùng thì kinh tế Nga tiếp tục bị “co lại” cho đến hết năm 2017.

Mà triển vọng giá dầu Urals – mặt hàng dầu thô xuất khẩu của Nga – ngày càng u ám. Theo tính toán của Bloomber, giá dầu Urals bình quân 1 tháng từ 15-6 đến 14-7 chỉ còn 59 đô la Mỹ/thùng, giảm so với mức 62,17 đô la bình quân của tháng trước đó. Còn theo ông Maxim Oreshkin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga, giá dầu Urals có thể xuống dưới 50 đô la/thùng trong vòng sáu tháng tới.

Sự phụ thuộc nặng nề vào doanh thu từ dầu mỏ đã làm kinh tế Nga dễ bị tổn thương vì những biến động của giá dầu thế giới. Giá dầu sụt giảm mấy ngày gần đây đã kéo theo giá trị của đồng rúp Nga. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 31-7 trên thị trường Moscow, lúc 19g53 giờ Việt Nam 61,04 rúp mới đổi được 1 đô la Mỹ – mức thấp nhất trong bốn tháng qua. Tính chung cả tháng 7, đồng rúp đã mất giá 9,3%, là đồng tiền bị mất giá thứ hai trên thế giới, chỉ sau đồng peso của Columbia.

Cũng theo khảo sát của Bloomberg, nếu giá dầu không đảo chiều tăng lên thì khả năng đến cuối năm nay, tỷ giá sẽ là 1 đô la Mỹ ăn 65 rúp. Và nếu như vậy, Ngân hàng trung ương Nga phải tung ra ít nhất 15% tổng số ngoại tệ dự trữ để cứu đồng tiền này khỏi sụp đổ.

(theo Bloomberg)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới