Giá dầu kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Chánh Tài
![]() |
Giá dầu cao đang ăn mòn vào tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
(TBKTSG Online) – Trong phần lớn thời gian của thế kỷ trước, giá dầu rẻ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong thập kỷ qua, với giá dầu tăng gấp bốn lần, tiềm năng tăng trưởng các nền kinh tế bị kìm hãm và sẽ còn bị kìm hãm trong thời gian dài.
Giá dầu 100 đô la Mỹ/thùng bóp nghẹt tăng trưởng
Các nước tiêu thụ dầu nhiều dầu nhất sẽ phải hứng chịu những tác động nặng nề nhất đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Đây là tin buồn cho Mỹ, nước tiêu thụ gần 1/5 sản lượng dầu sản xuất mỗi ngày trên toàn thế giới. Cách đây không lâu, khi giá dầu còn 20 đô la Mỹ/thùng, Mỹ là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu; chính quyền liên bang luôn thặng dư ngân sách; tỷ lệ thất nghiệp đầu thập niên qua xuống mức thấp nhất trong 40 năm. Giờ đây, tăng trưởng kinh tế của Mỹ trì trệ, thâm hụt ngân sách hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ và gần 13 triệu người thất nghiệp.
Mỹ không phải là nền kinh tế duy nhất bị giá dầu bóp nghẹt, từ châu Âu đến Nhật Bản, các chính phủ đang vật lộn để phục hồi tăng trưởng. Song, các biện pháp cứu chữa nền kinh tế lại lợi bất cập hại. Các ngân hàng trung ương và nhà hoạch định chính sách đã không nhận ra tác động bóp nghẹt kinh tế của giá dầu trên dưới 100 đô la Mỹ/thùng.
Tại các nước phát triển, mức thâm hụt ngân sách cao cộng với lãi suất thấp kỷ lục làm phức tạp thêm các vấn đề hiện tại của nền kinh tế. Về lâu dài, chính sách hiện nay của các nước này không thể thay thế cho dầu giá rẻ vì nền kinh tế không thể tăng trưởng nếu không đủ tiền để đốt nhiên liệu cho nền kinh tế vận hành. Tăng trưởng bị kìm hãm đồng nghĩa các chính phủ cần thay đổi triệt để phương thức quản lý nền kinh tế. Các chính sách tiền tệ và tài chính cần điều chỉnh lại cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong tương lai.
Dầu cung cấp hơn 1/3 nhu cầu năng lượng hằng ngày mà con người sử dụng trên trái đất. Tiêu thụ dầu tỷ lệ thuận với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Càng tiêu thụ nhiều dầu, nền kinh tế toàn cầu càng phát triển nhanh hơn. Trung bình bốn thập kỷ qua, mức tiêu thụ dầu tăng 1% trên toàn cầu sẽ giúp GDP toàn cầu tăng 2%. Điều này có nghĩa để GDP của Mỹ tăng trưởng 4%/năm như trước thời điểm suy thoái năm 2008, mức tiêu thụ dầu của Mỹ phải tăng trưởng 2%/năm.
Cứ mỗi lần giá dầu tăng sốc, kinh tế lại lao đao
Ở mức giá 20 đô la Mỹ/thùng, tiêu thụ dầu hằng năm tăng 2% là hoàn toàn khả dĩ. Nhưng ở mức giá 100 đô la Mỹ/thùng, tăng mức tiêu thụ dầu 2%/năm có thể khiến một nền kinh tế sụp đổ. Còn khi các nền kinh tế ngừng phát triển, tiêu thụ dầu phải giảm. Chẳng hạn, sau khi giá dầu sụt giảm mạnh trong năm 2008, nhu cầu dầu toàn cầu cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 1983.
Đó là lý do tại sao “phương thuốc điều trị” tốt nhất đối với giá dầu cao là cứ để giá dầu tăng cao. Khi giá dầu tăng đến ngưỡng có thể gây ra sự sụp đổ kinh tế thì tiếp sau đó, giá dầu giảm xuống là điều không thể tránh khỏi. Trong bốn thập kỷ qua, mỗi lần giá dầu phi mã, nền kinh tế toàn cầu lại sa vào cơn suy thoái.
Cú sốc giá dầu lần thứ nhất xảy ra sau cuộc chiến tranh Ả-rập – Israel lần thứ thứ tư (hay còn gọi là cuộc chiến Yom Kippur) vào năm 1973 khi các thành viên Ả-rập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm gần 8% nguồn cung dầu thô toàn cầu bằng cách giảm xuất khẩu dầu đến Mỹ và các nước đồng minh khác của Israel. Lúc đó, giá dầu thô tăng vọt và năm 1974, GDP thực tế của Mỹ sụt giảm đến 2,5%.
Cú sốc giá dầu lần thứ hai xảy ra trong quá trình cuộc cách mạng Hồi giáo Iran và cuộc chiến xảy ra sau đó giữa Iran và Iraq (1980-1988). Sản xuất dầu bị gián đoạn ở Iran trong thời gian cuộc cách mạng Hồi giáo đã đẩy giá dầu thô lên cao và khiến nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ rơi vào suy thoái vào nửa đầu năm 1980. Mấy tháng sau đó, cuộc chiến tranh Iran-Iraq làm sản lượng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu giảm 6% và tiếp tục nhấn Bắc Mỹ vào cuộc suy thoái kép bắt đầu từ mùa xuân năm 1981.
Khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein xâm lược Kuwait một thập kỷ sau đó, giá dầu đã tăng gấp đôi lên mức 40 đô la Mỹ/thùng. Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất này đã làm nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm 10% và đẩy các nước tiêu thụ nhiều dầu rơi vào suy thoái vào mùa thu năm 1990.
Lúc giá dầu đạt đỉnh vào năm 2008 cũng là thời điểm thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930. Từ mức giá xung quanh 30 đô la Mỹ/thùng trong năm 2004, giá dầu lừng lững đi lên đến khi chạm mức đỉnh 147 đô la Mỹ/thùng vào mùa hè năm 2008. Không giống như những cú sốc lần trước, giá dầu tăng lần này không phải vì nguyên nhân nguồn cung bị gián đoạn. Dầu vẫn sẵn có nhưng vấn đề là các nền kinh tế không thể chịu nổi những tác động kèm theo nếu tiêu thụ dầu với mức giá cao kỷ lục đó.
Hệ lụy giá dầu cao: lạm phát
Cú sốc giá dầu có thể làm tổn thương một nền kinh tế theo nhiều cách. Khi giá dầu tăng, người tiêu dùng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho xăng dầu. Điều này đồng nghĩa họ không còn nhiều tiền để chi tiêu cho thực phẩm, đồ đạc, áo quần, du lịch…
Tệ hơn nữa, khi giá dầu tăng, lạm phát cũng đua theo. Và khi lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kiểm soát giá cả. Từ năm 2004-2006, lạm phát của Mỹ đã tăng từ 1% lên mức gần 6%/năm. Điều xảy ra sau đó là mức lãi suất vay tiền cao gấp năm lần so với trước. Lãi suất cao làm nổ bong bóng thị trường nhà đất ở Mỹ và hạ gục nền kinh tế toàn cầu.
Hiên nay, mẫu hình lạm phát do giá dầu cao đang trở lại. Giá dầu tăng đã ảnh hưởng đến giá thực phẩm. Theo chỉ số thực phẩm mà Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (LHQ) theo dõi, chi phí thực phẩm đã tăng 40% từ năm 2009 đến đầu năm 2012. Giá dầu ở mức cao, giá thực phẩm tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ sớm trở lại.
Lạm phát tăng cao ở Trung Quốc và Ấn Độ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ không bền vững. Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP hơn 8%/năm nhưng nước này cần điều chỉnh tư duy để nhận ra tác động tồi tệ của giá dầu cao. Tăng trưởng của Trung Quốc có thể không chững lại hoàn toàn nhưng duy trì mức tăng trưởng hai con số mà không gây ra lạm phát là điều không còn khả thi. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ buộc phải tung ra các chính sách tiền tệ kiềm chế lạm phát, các nền kinh tế dựa vào tài nguyên xuất khẩu như Canada, Úc, Brazil sẽ lao đao.
Giá dầu ba con số sẽ chấm dứt những hy vọng của Trung Quốc và Ấn Độ mong muốn đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững như Bắc Mỹ và châu Âu đã trải qua trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới lần hai.
Giá dầu sẽ giảm nếu kinh tế không phục hồi
Sản lượng dầu ở các khu vực truyền thống, dễ khai thác như Trung Đông hay tây Texas (Mỹ) không tăng trong hơn năm năm qua. Cơ quan năng lượng quốc tế nhận định sản lượng dầu ở khu vực truyền thống đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong vài thập niên tới. Điều này không có nghĩa thế giới sẽ thiếu dầu vì các công ty dầu khí sẽ khoan thăm dò và khai thác dầu ở những địa điểm mới.
Tuy nhiên, điều này có nghĩa tăng trưởng kinh tế của thế giới trong tương lai phải phụ thuộc vào nguồn dầu đắt đỏ từ các nguồn phi truyền thông như cát dầu, đá dầu và giếng dầu xa bờ ngoài đại dương. Giá dầu cao lại ném các nền kinh tế ngược trở lại vào suy thoái.
Nhiệm vụ của ngành công nghiệp năng lượng là phải kiếm các nguồn dầu có giá hợp lý. Đây chính là điều mà ngành công nghiệp năng lượng đang thất bai. Chi phí để kéo mổi thùng dầu lên khỏi mặt đất ngày càng tốn kém hơn so với trước. Các nguồn cung dầu vẫn sẵn có nhưng các nền kinh tế đang phát tín hiệu không gánh nổi chi phí mua dầu.
Ngày nay, thế giới tiêu thụ khoảng 90 triệu thùng dầu/ngày. Nếu giá dầu tiếp túc duy trì ở mức cao, các nền kinh tế sẽ không thể phục hồi tăng trưởng, nếu không muốn nói là suy thoái kéo dài. Lúc đó, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ giảm trở lại và đó là cơ hội để giá dầu giảm.
(Theo Bloomberg)