Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu lên 70 đô la Mỹ/thùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu lên 70 đô la Mỹ/thùng

Thái Bình

Một điểm khai thác dầu tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhu cầu nhiên liệu của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên cao. Ảnh AFP

(TBKTSG Online) – Giá dầu thô đã chạm mức 70 đô la/thùng vào sáng hôm nay thứ Sáu 5-6 sau khi Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế thế giới đã bắt đầu giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng.

Tại thị trường New York, giá dầu giao tháng 7 đã lên mức 69,6 đô la Mỹ/thùng, tăng 2,45 đô la Mỹ mỗi thùng so với giá ngày hôm qua và là mức giá cao nhất trong vòng bảy tháng qua. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng thêm 2,83 đô la mỗi thùng, lên mức 68,71 đô la Mỹ/thùng, cao nhất kể từ ngày 21-10 năm ngoái.

Trong báo cáo gửi khách hàng, Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến giá dầu sẽ lên mức 85 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm nay và khuyến cáo khách hàng không nên có cái nhìn ngắn hạn trong việc đầu tư vào cổ phiếu dầu mỏ. Ngoài ra, báo cáo hàng tuần về tình hình lao động của Mỹ cho thấy, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, làm dấy lên hy vọng rằng áp lực suy thoái ở Mỹ đã giảm và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng.

Cơ sở cho dự báo của Goldman Sachs là dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới và nguy cơ nguồn cung dầu bị sụt giảm. “Áp lực khủng hoảng tài chính đang dịu đi, thiếu hụt năng lượng đang chờ ở phía trước. Đợt tăng giá dầu hiện nay có khả năng là đợt đầu tiên trong một tiến trình tăng giá sẽ diễn ra cùng với đà khôi phục các hoạt động kinh tế”, báo cáo của Goldman Sachs, nhận định. Ngân hàng này cũng dự báo giá dầu sẽ lên 95 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm tới.

Sau khi tăng đến mức đỉnh là 146 đô la Mỹ/thùng vào tháng 7 năm ngoái, giá dầu đã liên tục sụt giảm, có lúc chỉ còn 32 đô la Mỹ/thùng vào tháng 12-2008 nhưng gần đây đã bắt đầu tăng giá trở lại, một phần do đồng đô la Mỹ suy yếu so với các ngoại tệ mạnh khác.

(theo AFP)

 

Giá dầu tăng, lợi và hại

Hôm nay giá dầu thô đã chạm mức 70 đô la Mỹ/thùng, tuy chỉ bằng một nửa so với giá 147 đô la/thùng hồi tháng 7 năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá bình quân nhiều thập niên qua. Cứ mỗi khi nền kinh tế đang suy thoái của thế giới có được một tin tốt lành thì giá dầu thô lại tăng, cùng với đà giảm giá của đồng đô la Mỹ.

Một số nhà kinh tế đã bắt đầu bàn tới giá dầu “ba con số”, một phần vì các nền kinh tế lớn và tiêu thụ nhiều nhiên liệu như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã bắt đầu thoát ra khỏi khủng hoảng và hồi phục đà tăng trưởng. Nhu cầu năng lượng tăng không ngừng của các nước này, cộng với những khó khăn trong việc tăng sản lượng dầu thô, chắc chắn sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu thế giới.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây đã quyết định không giảm sản lượng và thực tế cho thấy đó là một nhận định khôn ngoan. Ảnh Reuters

Giá dầu tăng có những tác động tích cực: làm tăng ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy những dự án đầu tư nghiên cứu các dạng nhiên liệu thay thế và tái sinh được. Nhưng tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế càng rõ hơn.

Người tiêu dùng vẫn chưa quên nỗi đau do giá dầu tăng mùa hè năm ngoái. Ở các nước giàu có, người dân giảm đi lại; giá dầu cao đẩy chi phí vận tải và chi phí năng lượng tăng theo, dẫn tới lạm phát. Các nhà sản xuất xe hơi đau khổ vì người ta không mua xe nữa. Giá dầu tăng quá nhanh khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp và các chính phủ không xoay trở kịp.

Ở các nước nghèo, tình hình còn bi đát hơn. Các nước nhập khẩu xăng dầu phải bớt các khoản chi cho các chương trình xã hội để dồn tiền thanh toán hóa đơn nhập khẩu xăng dầu. Tỷ lệ chi cho xăng dầu trong ngân sách gia đình tăng vọt, làm giảm tiền chi cho thực phẩm, học hành, đã đẩy hàng triệu người dân ở các nước giàu xuống đường phản đối. Tệ hại hơn, giá xăng dầu tăng làm tất cả các mặt hàng khác tăng giá theo mà đợt tăng giá lương thực năm ngoái là một ví dụ.

Trong hoạt động kinh tế, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng nặng nề đến thương mại thế giới. Các công ty trước đây đặt gia công sản xuất hàng hóa ở các nước nghèo rồi vận chuyển sang thị trường các nước giàu để tiêu thụ nay phải tính toán lại chiến lược vì giá cước vận chuyển hàng hóa, cả bằng đường biển lẫn đường hàng không, đều vượt quá mức tính toán. Đã có một số công ty Mỹ, trước đây chuyển nhà máy sang các nước đang phát triển để tận dụng giá nhân công rẻ, nay lục tục thu dọn chuyển nhà máy trở về châu Mỹ cho gần với thị trường tiêu thụ, giảm phí vận chuyển. Xu thế đó đã tác động tiêu cực đến công ăn việc làm và thu nhập của hàng triệu công nhân ở các nước nghèo, dựa vào xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nhiều lao động, từ Campuchia đến Bangladesh.

Một số nước đang phát triển có nguồn tài nguyên dầu khí có thể hưởng lợi từ những đợt tăng giá dầu. Tuy nhiên, đa số các nước này không có hoặc không đủ năng lực tinh luyện dầu thô thành các sản phẩm xăng dầu tiêu dùng mà buộc phải xuất khẩu dầu thô để mua lại xăng dầu tinh chế. Giá dầu thô tăng nhưng giá xăng dầu nhập khẩu cũng tăng theo cho nên bù qua sớt lại, giá dầu thô tăng chưa hẳn đã có lợi cho họ.

Về phương diện quản lý kinh tế vĩ mô, giá nhiên liệu tăng sẽ dẫn tới tình trạng kinh tế trì trệ – kết hợp giữa lạm phát cao và sản lượng hàng hóa giảm như thế giới đã từng chứng kiến trong các cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979. Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, thế giới hiện đại có khả năng né tránh một sự trì trệ như vậy bởi vì hiện nay các nền kinh tế lớn đang bị đe dọa bởi tình trạng thiểu phát, thất nghiệp và sản lượng hàng hóa đều đã “chạm đáy” và đang có xu hướng tăng trở lại.

Để thúc đẩy sức mua của người dân và hạn chế tác động của khủng hoảng kinh tế, hầu như mọi quốc gia, trong khả năng của mình, đều cố gắng thực thi những biện pháp kích cầu trị giá hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đô la Mỹ. Tất cả đều giả định rằng, với sự hỗ trợ của chính phủ, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa sẽ ổn định, sức tiêu thụ của thị trường nội địa sẽ tăng, bù đắp vào sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu. Tuy vậy, nếu giá dầu tăng kéo theo sự tăng giá các mặt hàng khác, thì hiệu quả kích cầu có thể sẽ bị xóa sạch và từ đó triển vọng thoát ra khỏi cuộc suy thoái, hồi phục kinh tế của từng quốc gia, cũng như toàn thế giới, sẽ gặp rất nhiều gian nan, thử thách.

Huỳnh Hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới